Không kích ở Syria, Nga thay đổi cuộc chiến chống IS
- Tây Y
- 18:19 - 02/10/2015
Một cuộc không kích của Nga được thực hiện ở Homs, Syria. Ảnh: WorldBulletin |
Ngày 30/9, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng lên YouTube đoạn video quay lại những hình ảnh được mô tả là các cuộc không kích "nhắm vào các vị trí của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria". Đây được coi là sự xác nhận của Nga về việc họ đã bắt đầu chiến dịch quân sự chống lại IS ở Syria, trong khi các chuyên gia tìm cách lý giải những lý do đối ngoại và đối nội của Moscow trong việc đưa ra quyết định trên.
Giải cứu Assad
Theo Telegraph, sau khi thông báo trước khoảng một giờ cho Mỹ, cường kích Su-24 của Nga đã cất cánh từ căn cứ quân sự ở ngoại ô Latakia, căn cứ địa của Tổng thống Syria Bashar al-Assad để thực hiện chiến dịch không kích. CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay vụ không kích diễn ra ở gần thành phố Homs của Syria.
Theo bình luận viên Fyodor Lukyanov của Global Affairs, lý do đầu tiên khiến Nga thực hiện chiến dịch không kích là để "giải cứu chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad", đồng minh thân cận của Moscow ở Trung Đông.
Nga không có nhiều bạn bè và đồng minh ở khu vực Trung Đông, và Syria là "trường hợp duy nhất" mà họ cần phải bảo vệ. Liên Xô từng là quốc gia hậu thuẫn chính về quân sự và ngoại giao cho Syria từ cách đây 40 năm, và cho đến nay, Nga vẫn duy trì một căn cứ hải quân ở cảng Tartus, phía nam Latakia của Syria. Đây là căn cứ rất quan trọng giúp Hạm đội Biển Đen của hải quân Nga có thể vươn ra được Địa Trung Hải.
Bình luận viên này cho rằng, có vẻ như đây là thời điểm Nga cảm thấy cần phải ra tay giải cứu Tổng thống Assad, khi quân đội Syria đang ngày càng mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm phiến quân Hồi giáo.
Những diễn biến trên chiến trường cho thấy, quân đội chính phủ Syria đã rơi vào thế phòng ngự trong những tháng gần đây. Họ đã đánh mất quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn vào tay phe nổi dậy, trong khi căn cứ cuối cùng của họ ở tỉnh Idlib, miền bắc Syria, cũng bị phiến quân thân al-Qaeda là Nusra Front chiếm mất. Nusra còn kiểm soát tuyến đường chính nối từ Latakia tới Idlib, cùng phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía đông nam thành phố.
Khu vực kiểm soát của các lực lượng ở Syria. Đồ họa: NYTimes |
Theo các chuyên gia phân tích, có thể Nga nhận thấy họ cần phải ra tay vào thời điểm này trước khi quá muộn. Mới đây, phiến quân Nusra đã công bố những bức ảnh cho thấy chúng đã lập một trại huấn luyện ngay bên trong Latakia. Tình thế buộc ông Assad phải lập ra một lực lượng dân quân có tên gọi là "Lá chắn Duyên hải" gồm toàn người thuộc dòng Alawite thân cận để bảo vệ Latakia.Sau gần 4 năm tham chiến liên tục, các binh sĩ Syria đã có nhiều dấu hiệu chứng tỏ sự kiệt sức và mệt mỏi. Hồi tháng 7, ông Assad thừa nhận rằng quân đội đang thiếu nhân lực trầm trọng, đồng thời ra lệnh ân xá cho các quân nhân đào ngũ để thu hút thêm người gia nhập lực lượng vũ trang. Quân đội Syria cũng từ bỏ chiến lược "dàn quân khắp nơi" để dồn quân tập trung bảo vệ các khu vực trọng tâm, gồm thủ đô Damascus và hành lang dẫn tới bờ biển.
Các quan chức Mỹ cho biết sau khi Nga đưa lực lượng và chiến đấu cơ đến Syria, nhiều máy bay do thám không người lái của họ đã bay lượn tìm kiếm mục tiêu trên vùng trời xung quanh Latakia, nơi IS hầu như không hiện diện, mà chỉ có phiến quân Nusra và một bộ phận quân nổi dậy. Chuyên gia về rủi ro chính trị Ayham Kamel thuộc tổ chức tư vấn Eurasia Group cho rằng động thái này chứng tỏ ưu tiên của Nga là bảo vệ Latakia, căn cứ địa của ông Assad ở Syria, trước sức ép ngày càng lớn từ phiến quân Nusra và phe nổi dậy.
Theo Kamel, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria "sẽ là tín hiệu rõ ràng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rằng Nga quyết tâm bảo vệ ông Assad đến cùng".
'Thay đổi cuộc chơi'
Ông Putin (giữa) họp cùng các thành viên Hội đồng An ninh Nga. Ảnh: ABC |
Biên tập viên Tim Lister của CNN cho rằng, khi đơn phương thực hiện chiến dịch không kích mà không hề phối hợp với liên quân chống IS do Mỹ đứng đầu, Nga đã thực hiện một cuộc "đảo chính ngoại giao", nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình lên đáng kể trong khu vực, đồng thời làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS vốn đang rơi vào bế tắc.
Trước đây, Mỹ và liên quân do họ đứng đầu gần như thống lĩnh bầu trời Syria và thực hiện hàng nghìn vụ không kích vào các mục tiêu IS mà không vấp phải trở ngại nào. Trong một bài báo trên NYTimes, các phi công quân sự Mỹ thậm chí còn coi những cuộc không kích ở Syria là những cuộc "dạo chơi", khi IS và các nhóm phiến quân Hồi giáo khác không có trong tay những vũ khí phòng không lợi hại có thể bắn hạ chiến đấu cơ của họ. Không quân Syria thỉnh thoảng cũng thực hiện một số vụ không kích nhưng với tần suất hạn chế và không tạo ra nhiều tác động lớn trên chiến trường.
Bình luận viên David Blair của Telegraph cho rằng sự xuất hiện của Nga ở Syria là một yếu tố làm "thay đổi cuộc chơi", khiến Mỹ và liên quân mất đi thế độc tôn trên không phận Syria. Điều này được thể hiện rất rõ trong thông báo của phía Nga gửi các quan chức ngoại giao Mỹ ở Baghdad trước cuộc không kích, rằng Nga sẽ "ném bom trong vòng một giờ" và yêu cầu "tất cả máy bay Mỹ không hoạt động trên không phận Syria".
Động thái này của Nga khiến Mỹ rơi vào một trong hai lựa chọn khó khăn. Nếu chấp nhận yêu cầu của Nga, họ đã thừa nhận vai trò ngày càng lớn của Nga trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS. Nhưng nếu không đồng ý, sẽ xảy ra nguy cơ va chạm rất lớn khi chiến đấu cơ của hai bên cùng hoạt động trong một khu vực, cùng ném bom một mục tiêu.
Trong bài viết trên Foreign Policy, chuyên gia phân tích Julia Ioffe cho rằng Nga đang biết cách chớp thời cơ ở Syria. "Sự thận trọng của Mỹ ở Syria đã tạo thêm cơ hội cho Nga có vị thế và tiếng nói lớn hơn trong việc quyết định giải pháp chính trị cho tương lai của Syria", bà Ioffe nhận định.
"Nga sẽ khai thác cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu để chứng tỏ với thế giới rằng mình là cường quốc duy nhất có thể chống lại IS. Với phương Tây, họ sẽ rất khó đảo ngược được tình thế này", ông Ulrich Schmid, chuyên gia nghiên cứu về nước Nga thuộc Đại học St. Gallen, tuyên bố.Trong khi ông Obama vẫn kiên quyết không chấp nhận ông Assad như một phần trong giải pháp chính trị của Syria, sự can thiệp của Nga đã khiến nhiều đồng minh của Mỹ ngày càng dịu giọng hơn trong yêu cầu đòi ông Assad phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Đối mặt với dòng người nhập cư liên tục đổ về từ Syria, Đức, Anh và Pháp hồi tuần trước đã tuyên bố rằng ông Assad có thể tiếp tục cầm quyền trong một thời gian để giám sát quá trình chuyển tiếp chính phủ.
"Ông Putin đã chứng tỏ mình là một nhà chiến thuật tài tình trong cuộc khủng hoảng Syria, và bây giờ là thời cơ mà ông cho là có thể gia tăng uy thế và ảnh hưởng của Nga ở khu vực này mà không vấp phải phản ứng quá lớn của cộng đồng quốc tế", chuyên gia Kamel nói.
Dư luận trong nước
Một số chuyên gia phân tích tin rằng quyết định hành động quân sự của ông Putin ở Syria, cũng như sự xuất hiện lần đầu tiên của ông ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong vòng 10 năm qua, có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận trong nước.
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, Nga đang phải hứng chịu sự chỉ trích và cô lập của phương Tây, cùng với đó là những lệnh cấm vận nặng nề gây ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế Nga. Nền kinh tế suy giảm sẽ tạo ra những nguy cơ và áp lực đối với ông Putin và chính phủ Nga, theo CNN.
"Việc can thiệp quân sự vào Syria sẽ giúp củng cố hình ảnh của nước Nga trong lòng dư luận như một cường quốc có khả năng định hình, chứ không chỉ là phản ứng với các vấn đề toàn cầu", Daragh McDowell, chuyên gia phân tích tại tổ chức tư vấn Verish Maplecroft, nhận định.
Dù động cơ can thiệp vào Syria của Nga là gì đi chăng nữa, những cuộc không kích trên đã làm thay đổi đáng kể cục diện tình hình ở miền đất này. "Nó sẽ làm thay đổi bản chất của các cuộc đàm phán quốc tế, làm suy giảm tính gắn kết và nỗ lực của liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, và tăng cường sức mạnh cho chính phủ của ông Assad", báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ nhấn mạnh.