“Phao cứu sinh” của người bệnh ung thư nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:36 - 28/08/2016
PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Y tế, Chủ tịch Quỹ Ngày mai tươi sáng.
Thưa bà, từ khi Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng ra đời cho đến nay, bà luôn giữ vai trò là Chủ tịch Quỹ. Điều gì khiến bà đồng ý gánh vác trọng trách này?
Khi còn là Thứ trưởng Y tế, tôi được Bộ trưởng Y tế phân công phụ trách khối khám chữa bệnh, một trong những nhiệm vụ của tôi là bám sát tình hình của các bệnh viện. Trong quá trình này, tôi nhận thấy người bệnh ung thư ngày càng đông, họ phải điều trị trong thời gian rất dài và nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dù một số trường hợp có bảo hiểm y tế nhưng họ vẫn cần chi phí để đi lại, sinh hoạt,… Do vậy, người bệnh vốn đã nghèo lại càng nghèo hơn, thậm chí có người phải bỏ dở liệu trình điều trị và dẫn tới tử vong.
Xuất phát từ thực tế này, tôi và PGS. TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, cùng nảy ra ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ người bệnh ung thư nghèo. Phải nói rằng, bác sĩ Thuấn là một người giàu tâm huyết, đồng chí đã nhiệt tình giúp tôi nghiên cứu cách xây dựng quỹ. Ngoài ra, ý tưởng của chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ từ phía lãnh đạo Bộ Y tế, các chuyên gia đầu ngành ung thư tại Việt Nam và những tấm lòng thiện nguyện. Sau đó, chúng tôi làm thủ tục đề nghị Bộ Nội vụ cho phép thành lập Quỹ Ngày mai tươi sáng.
Xin bà giới thiệu một số nét tiêu biểu về Quỹ Ngày mai tươi sáng?
Sau hai năm vận động, ngày 18/8/2011, Quỹ Ngày mai tươi sáng được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập và công nhận điều lệ hoạt động. Văn phòng Quỹ đặt tại Bệnh viện K, các văn phòng chi nhánh đặt tại TP Hồ Chí Minh, Huế và Phú Thọ.
Chúng tôi mời một số giám đốc, phó giám đốc tâm huyết của các bệnh viện ung bướu trên cả nước tham gia Hội đồng Quản lý Quỹ. Quỹ có một số ban, như: Ban Hợp tác quốc tế, Ban Truyền thông, Ban Thẩm định, Ban Khoa học và Đào tạo… Để mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ, chúng tôi xây dựng đội ngũ cộng tác viên tại các khoa/trung tâm ung bướu của tất cả các bệnh viện trên cả nước.
Chức năng chính của Quỹ là kêu gọi, vận động tài trợ người bệnh ung thư nghèo. Do số người bệnh ung thư nghèo quá nhiều nên chúng tôi phải quy định về đối tượng được hỗ trợ, thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thủ tục xin Quỹ tài trợ gồm đơn đề nghị từ phía bệnh viện và giấy chứng nhận hộ nghèo của người bệnh. Hội đồng Thẩm định sẽ xem xét từng hồ sơ gửi tới và Quỹ sẽ hỗ trợ các hồ sơ đủ điều kiện. Theo quy định, Giám đốc Quỹ được ký quyết định hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ ký quyết định hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng và Chủ tịch Quỹ ký quyết định hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng.
Bà đánh giá như thế nào về hoạt động của Quỹ Ngày mai tươi sáng?
Quỹ ra đời hoàn toàn phù hợp tình hình hiện nay, góp phần kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ rất nhiều người bệnh.
Trong năm năm qua, Quỹ vận động quyên góp được gần 42 tỷ đồng và hỗ trợ hơn 1.100 người bệnh nghèo với 10 triệu đồng/trường hợp, tặng quà gần 8.000 người bệnh nhân dịp đặc biệt. Vào các dịp như Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, chúng tôi có mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đến trao quà cho bệnh nhi đang điều trị tại các khoa/trung tâm ung bướu.
Ngoài vận động tài trợ, hỗ trợ và tặng quà người bệnh ung thư, chúng tôi đã triển khai khám sàng lọc miễn phí ung thư vú tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số bộ, ngành, doanh nghiệp. Trong năm 2015, Quỹ phối hợp Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam do bác sĩ Thuấn làm Chủ tịch và hệ thống bệnh viện có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực ung thư khám sàng lọc ung thư vú (gồm khám lâm sàng, siêu âm vú và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính) cho hơn 12 nghìn phụ nữ tuổi từ 40 trở lên, qua đó phát hiện một số trường hợp người bệnh ung thư giai đoạn sớm. Đặc biệt, nếu người bệnh được phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm thì vẫn có nhiều cơ hội chữa khỏi hoàn toàn hoặc kéo dài thời gian sống.
Bên cạnh đó, Quỹ còn làm việc các công ty nước ngoài (Bayer, Dr Reddy’s, Roche Roche,…) để xin hỗ trợ thuốc cho người bệnh ung thư cũng như phối hợp nghiên cứu khoa học, đưa cán bộ sang một số nước trên thế giới học tập và hợp tác quốc tế về lĩnh vực ung thư. Hiện nay, chúng tôi đang liên hệ Công ty Roche Roche để làm thủ tục xin tài trợ thuốc Tarceva cho bệnh nhân ung thư phổi.
Tôi cho rằng, Quỹ Ngày mai tươi sáng có một điểm rất khác biệt so với các quỹ từ thiện khác. Quỹ của chúng tôi không chỉ kêu gọi quyên góp và trao quà cho người bệnh như các quỹ khác mà còn tăng cường hoạt động truyền thông giúp cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống ung thư. Điều này được thể hiện rất rõ qua các tờ rơi và thông điệp, khuyến cáo, mẩu chuyện chúng tôi chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu chúng ta tuyên truyền phòng, chống ung thư tốt, giúp người dân thuộc lòng những điều nên và không nên, có ý thức chủ động khám, chữa bệnh thì rõ ràng là có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc chúng ta quyên góp tiền để giúp đỡ những người đã mắc bệnh. Chi phí cho hoạt động truyền thông không quá nhiều nhưng đem lại hiệu quả cao, giúp cả cộng đồng được hưởng lợi.
Từ khi ra đời, Quỹ kêu gọi quyên góp được gần 42 tỷ đồng và hỗ trợ hàng nghìn người bệnh ung thư. Đây là một con số rất ấn tượng! Vậy Quỹ đã vận động sự giúp đỡ từ phía nhiều tấm lòng hảo tâm bằng những cách nào, thưa bà?
Trong mỗi đợt vận động, chúng tôi sử dụng nhiều hình thức quyên góp như hợp tác Cổng thông tin nhân đạo 1400 mở đầu số gây quỹ, tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp, vinh danh các nhà tài trợ, mời các nhà hảo tâm cùng trao quà cho người bệnh…
Khi Quỹ mới thành lập, tôi hết sức lo lắng về việc kêu gọi các tấm lòng hảo tâm. Nhưng rất may, chúng tôi có Hội đồng Quản lý Quỹ năng động, tâm huyết, quyết tâm xây dựng hình ảnh quỹ đáng tin cậy. Một trong những lý do giúp Quỹ tạo được uy tín đối với các nhà từ thiện nói riêng và cộng đồng nói chung là Quỹ hoạt động thiết thực và minh bạch.
Tôi rất phấn khởi vì Quỹ đã thu hút sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Có trường hợp giúp đỡ Quỹ hoàn toàn bằng trái tim thiện nguyện của mình và đề nghị không cần vinh danh. Sau khi Lễ vinh danh những tấm lòng hảo tâm chung tay hỗ trợ người bệnh ung thư được tổ chức thành công tại Phú Thọ vào ngày 25-6 vừa qua, nhiều nhà tài trợ cam kết tiếp tục ủng hộ và vận động người thân, bạn bè hỗ trợ Quỹ trong những năm tới.
Không chỉ vận động những nhà hảo tâm, chúng tôi còn kêu gọi một số công ty dược vào cuộc và họ đã nhận lời giúp khám sàng lọc và hỗ trợ thuốc điều trị ung thư.
Quá trình điều hành Quỹ suốt năm năm qua đã để lại trong bà ấn tượng nào sâu sắc? Để Ngày mai tươi sáng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, theo bà, Quỹ nên hoạt động như thế nào trong thời gian tới?
Mỗi lần tặng quà người bệnh, tôi đều gặp các trường hợp rất khó khăn. Nhiều người bệnh nói rằng, khoản hỗ trợ Quỹ Ngày mai tươi sáng mang đến cho họ như “chiếc phao cứu sinh”. Bởi lẽ, nhờ số tiền này mà họ có thể điều trị hết liệu trình, trong đó có người đã trở lại cuộc sống bình thường, một số bệnh nhi tiếp tục đến trường và đỗ đại học. Tôi thật sự hạnh phúc khi Quỹ góp phần đem đến cho người bệnh tươi lai tươi sáng hơn.
Trong thời gian tới, trước hết, chúng tôi sẽ lên kế hoạch chỉ đạo văn phòng, chi nhánh văn phòng Quỹ tăng cường hoạt động. Cuối năm nay, Quỹ sẽ tổ chức kỷ niệm năm năm thành lập, báo cáo kết quả hoạt động và tôn vinh các cá nhân, tập thể đã giúp đỡ Quỹ. Các hoạt động kêu gọi hỗ trợ người bệnh; đào tạo y, bác sĩ; đặc biệt là tuyên truyền phòng, chống ung thư và khám sàng lọc một số loại ung thư sẽ được Quỹ tập trung triển khai hơn nữa.
Như bà vừa nói, mặc dù ung thư gây tỷ lệ tử vong cao nhưng đây không phải là bệnh vô phương cứu chữa. Từ trước đến nay, nói đến ung thư là nói đến căn bệnh hiểm nghèo, người dân chưa thật sự coi trọng việc phòng, chống ung thư. Với tư cách là Chủ tịch Quỹ Ngày mai tươi sáng, bà có thông điệp gì nhắn nhủ tới tất cả mọi người?
Trước đây, người bệnh ung thư tử vong tương đối nhiều, phần lớn vì phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, do đó rất khó chữa. Theo thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 150 nghìn trường hợp ung thư mới, trong đó 50% người bệnh được chữa khỏi. Gần đây, lĩnh vực y tế nước ta có nhiều bước phát triển mạnh về trang thiết bị và trình độ cán bộ. Để phòng, chống ung thư, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần). Đối với người bệnh ung thư, cần thực hiện nghiêm túc phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và đặc biệt là không được bỏ dở liệu trình. Qua đây, tôi cũng muốn kêu gọi các nhà hảo tâm tiếp tục sát cánh bên Quỹ, cộng đồng xã hội cùng chung tay góp sức để chúng tôi hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho nhiều người bệnh ung thư nghèo!
Xin trân trọng cảm ơn bà!