CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Phận đời những người vợ chung ngày giỗ chồng ở làng biển Bình Châu

 

Ở Bình Châu, có biết bao gia đình đã phải rơi vào cảnh chia ly, biết bao người Vợ đã trở thành góa phụ khi đang còn thanh xuân. Nhưng sau những đau thương đó, họ vẫn đứng dậy bám biển bởi họ quan niệm rằng, đi biển không chỉ mưu sinh mà còn đi để giữ biển đảo của Tổ quốc.

Ngôi làng có ngày giỗ chung

Bế đứa cháu nội trên tay, bà Nguyễn Thị Hào (59 tuổi, ngụ thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) ngồi tựa mình vào ô cửa trước nhà, buồn bã ngóng ra hướng biển. Cách đây 8 năm, cũng tại ô cửa đó, bà Hào đã ngất lịm khi nghe tin chồng và con mất tích trong cơn bão bất thường đầu năm trên Biển Đông. Đến nay, người đàn bà này vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc về cơn bão đã cướp đi người thân của mình.

Vào tháng 3 (âm lịch) năm 2008, cơn bão số 1 đã nhấn chìm con tàu trị giá một tỉ đồng của gia đình bà Hào. Chồng và con bà là ông Nguyễn Huê và anh Nguyễn Văn Quang, cùng 8 ngư dân bị hất văng xuống biển. Chỉ duy nhất một người sống sót do cột được tay vào hai can nước. Người này trôi dạt 4 ngày trên biển mới được một tàu cá Bình Định vớt lên.

“Trong chuyến đi biển ấy, còn có em trai của chồng tôi là Nguyễn Văn Trung cũng gặp nạn. Chờ mỏi mòn không thấy chồng, con về, hai chị em dâu ôm nhau khóc đến cạn nước mắt, nhưng vẫn nuôi hy vọng người thân của mình trôi dạt vào một nơi nào đó, đang tìm đường về với vợ con. Nhưng...", bà Hào nói trong nước mắt.

Một năm, hai năm, rồi 3 năm không thấy chồng con trở về, họ đành mời thầy cúng về sắm lễ, vẽ hình hài người đã khuất lên giấy, phô tô chứng minh làm lễ gọi hồn về nhập. Rồi bỏ mảnh giấy vào quách, đem ra nghĩa trang chôn. Ở Bình Châu này, những ngôi mộ gió, mộ chiêu hồn như vậy không phải là hiếm.

Bà Hào không cầm được nước mắt khi kể nhắc đến người đã khuất.

Người ta thường nói "tháng 3 bà già đi biển" để nói đến mùa này thường rất ít bão. Thế nhưng cơn bão trái mùa tháng 3 năm ấy đã cướp đi chồng, con của bà Hào và của nhiều người phụ nữ trong cái làng biển nghèo này. Để rồi cứ đến tháng 3, họ lại có chung ngày giỗ chồng, con. Bà Hào đánh tiếng hỏi người em dâu, "Xóm mình còn đứa nào nhỉ, con Sinh, con Thảo, con Tuyết, con Thái phải không hê?" Câu hỏi ấy khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu nói: "Theo thống kê của UBND xã Bình Châu từ năm 2008 – 2014, toàn xã có 25 người tử nạn trên biển; 77 vụ tai nạn trên biển. Bao nhiêu người đàn ông nằm lại với biển khơi, là bấy nhiêu người đàn bà ở đất liền hóa đá "vọng phu"”.

Trong căn nhà nằm ở cuối thôn Châu Thuận, chị Lê Thị Mai (48 tuổi) đang cần mẫn phơi tỏi trước sân. Chị Mai cũng là một trong những người phụ nữ chịu nỗi đau mất chồng, mất con ở làng biển này.

Tháng 11/2013, tàu QNg 90789TS của gia đình chị đang trên đường vào đất liền bán cá thì cơn bão số 11 bất ngờ đổ bộ. Chồng chị là anh Trần Tiến Dũng (SN 1967) cùng hai người con trai Trần Văn Tiến (SN 1991), Trần Văn Lên (SN 1993) và 12 thuyền viên trên tàu đã mãi mãi không trở về.

Chị Mai lau vội nước mắt, rồi nói: "Còn một ngày nữa là vào bờ vậy mà bão bất ngờ ập đến nhấn chìm tất cả. Thà mất tàu nhưng còn người, đằng này cha con ảnh cũng đi luôn. Ngày nhận thông báo, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Hàng ngày, tôi vẫn ra bờ biển ngồi chờ, hy vọng cha con ảnh trở về nhưng cơn bão ác nghiệt đã cuốn họ đi rồi".

Bà Long khóc ngất khi nhìn thấy thi thể chồng vào tháng 12/2015.

Mới đây nhất, đầu tháng 12/2015, làng chài Bình Châu đau đớn khi nghe tin ngư dân Trương Đình Bảy bị bắn chết trên biển. Hình ảnh chị Mai Thị Long, vợ ngư dân Bảy gào thét trong ngày nhận thi thể chồng đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Đứng dậy sau "cơn bão"

Những người đàn bà miền biển này sau khi mất chồng thường ở vậy nuôi con, hầu như không ai đi bước nữa. Dù có nghèo khó, vất vả thì họ cũng làm mọi cách nuôi những đứa trẻ khôn lớn.

Chồng nằm lại với biển, để lại hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học cùng gánh nặng nghèo khó lên vai, bà Nguyễn Thị Hào gắng gượng dậy để lo cho các con. Ngày, gánh thúng cá đi bán ở chợ, đêm, đan lưới cho các gia đình trong xóm. Đã 8 năm trôi qua, đến giờ này, bà Hào đã có cháu nội 3 tháng tuổi.

"Hồi đó, tôi chỉ muốn "đi" theo chồng và đứa con trai lớn. Nhưng nghĩ lại, tôi còn hai đứa con nữa. Nếu mình cũng không còn, chúng nó sẽ sống sao? Vậy là tôi cố gắng làm để lo cho hai con ăn học. Hiện, đứa con trai thứ đang làm trên tỉnh đã có vợ sinh con, còn đứa con trai út đang làm việc ở khu du lịch Bà Nà", bà Hào chia sẻ.

Nhà chỉ có hai sào ruộng, cuộc sống gia đình lâu nay đều trông chờ vào tiền đi biển của chồng và con nên sau khi chồng mất, chị Lê Thị Mai như muốn ngã qụy. Không chỉ chịu nỗi đau mất người thân, cơn bão còn khiến chị Mai lâm vào cảnh nợ nần. Con tàu trị giá 3 tỉ đồng vừa đi chuyến đầu tiên đã bị nhấn chìm, vậy là tiền nợ đóng tàu đè lên vai chị.

Chị Mai, người phải chịu nỗi đau mất cả chồng và 2 con trên biển.

Nhờ sự động viên của người thân và bà con hàng xóm, chị Mai mới đủ sức để đứng dậy làm lụng nuôi hai đứa con nhỏ. Vừa nhặt tỏi, chị Mai vừa tâm sự: "Tôi nghĩ mình không thể sống mãi trong đau thương nên quyết tâm đứng lên làm lại tất cả. Ngoài làm mấy sào ruộng, tôi còn vay tiền mua tỏi tươi của bà con rồi về phơi khô rồi bán kiếm lãi. Nợ hai tỉ đồng nhưng các chủ nợ thương tình cho một nửa, gia đình chỉ phải trả một tỉ thôi. Nhờ phụ giúp của con đến nay, số nợ hơn 1 tỉ đồng gia đình tôi đã trả được phần nào".

Chồng và hai con nằm lại trên biển, nhiều người nghĩ rằng chị Mai sẽ không để hai đứa con trai còn lại theo nghiệp biển. Nhưng trái lại, khi cậu con trai Trần Văn Trung (21 tuổi) xin mẹ được theo nghiệp cha, anh, chị sẵn sàng đồng ý.

Cũng giống như chị Mai, bà Long, người cũng mất chồng sau một cơn bão phải đắn đo khi để cậu con trai Trương Đình Đệ (19 tuổi) tiếp tục vươn khơi bám biển. "Ngày chồng tôi gặp nạn trên biển, thằng Đệ cũng đi trên chuyến tàu đó nhưng may mắn thoát chết. Nhiều người khuyên tôi để Đệ ở nhà tìm việc khác. Nhưng tôi nghĩ, mình sinh ra ở miền biển không đi biển đánh cá thì làm gì? Đi biển đâu chỉ là mưu sinh mà còn đi để giữ biển nữa chứ", bà Long bộc bạch.

Không chỉ có bà Long, chị Mai mà nhiều phụ nữ ở các làng biển trong cả nước dù phải chịu nỗi đau mất chồng, nhưng khi các con đến tuổi trưởng thành họ vẫn tiễn đưa con trai ra biển, như cha, như ông của chúng. Bởi với họ, đi biển không chỉ là lẽ sống mà còn là trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hậu phương vững chắc

Ông Nguyễn Thanh Hùng, nhận xét: "Vượt lên những đau thương mất mát, khó khăn, những người phụ nữ vùng biển góa chồng tỏ rõ sự mạnh mẽ kiên cường. Bởi họ biết, mình là tấm gương cho con cái noi theo, làm yên lòng cho những người chồng, người cha đã mãi ra đi trong cuộc mưu sinh giữa trùng dương... và cả những người đang ngày ngày vươn khơi bám biển. Rồi mai sau, các con trưởng thành, họ lại là hậu phương vững chắc cho chúng tiếp bước theo ông cha làm những cột mốc sống trên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Theo Người Đưa Tin

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh