Phấn đấu tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm
- Huyệt vị
- 02:56 - 26/02/2016
Điểm sáng thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với những thành tựu của công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình và là một điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Từ chỗ thiếu đói cùng nền kinh tế bao cấp, kiệt quệ do chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu, có nền kinh tế năng động, là đối tác, điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp toàn thế giới.
Mảnh đất vốn thường được nhắc đến liền với từ “chiến tranh” nay đã trở thành một đất nước an bình, một thành viên tích cực trong kiến tạo và gìn giữ hòa bình. Những di sản văn hóa, truyền thống nhân văn và vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, con người Việt Nam hòa đồng, tỏa sáng hơn trong dòng chảy văn minh nhân loại. “Người Việt Nam tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch WB Jim Yong Kim chính thức công bố Báo cáo Việt Nam 2035.
Chúng tôi ý thức sâu sắc trách nhiệm gìn giữ và phát triển đất nước; tham gia kiến tạo, gìn giữ hòa bình và phấn đấu vì một thế giới không có chiến tranh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Vui mừng và tự hào về những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới, song như lời Phó Thủ tướng Việt Nam không thể thỏa mãn. Khát vọng về một tương lai tươi sáng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” với một nền kinh tế thịnh vượng, môi trường bền vững, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân, đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, trước hết là trong nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành theo đúng phương châm công khai, minh bạch “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và WB xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 nhằm góp phần trả lời cho nhiều vấn đề phát triển của đất nước trong 20 năm tới.
Nắm bắt thời cơ, vươn lên mạnh mẽ
Những vấn đề đó bao gồm: Việt Nam nên và cần làm gì để nắm bắt thời cơ, vượt qua thử thách, phát huy có hiệu quả nhất các lợi thế, nguồn lực để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; bảo đảm công bằng xã hội; gìn giữ môi trường sinh thái… để người dân có đầy đủ điều kiện phát huy năng lực, giá trị của mình; để Việt Nam trở thành một miền đất đáng sống tuy không giàu có nhất về vật chất.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, những vấn đề quan trọng vừa có tính thời sự, vừa có tính chiến lược đối với tương lai phát triển của Việt Nam như: Năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, hệ thống sáng tạo, môi trường sinh thái, an sinh xã hội, phân cách giàu nghèo, nông nghiệp-nông thôn, đô thị hóa, quản lý-quản trị... đã được các chuyên gia của WB và của Việt Nam cùng nghiên cứu, trao đổi, từ đó đưa ra đánh giá, phân tích, khuyến nghị có tính khoa học, khách quan.
“Báo cáo Việt Nam 2035” gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển, 6 chuyển đổi lớn; đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng để Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Báo cáo đưa ra mục tiêu tổng quát là thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường. Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm khoảng 7%, tức là tương đương với mức tăng trưởng GDP hằng năm là 8%. Để đến năm 2035 Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD.
Bên cạnh chính sách phát triển kinh tế nhanh và mạnh mẽ, Báo cáo cũng đưa ra những khuyến nghị về sự cần thiết của các chính sách bảo đảm công bằng trong phát triển và cơ hội tiếp cận dịch vụ cơ bản cho mọi người nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội như người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Đồng thời cần nâng cao trách nhiệm và năng lực giải trình của Nhà nước.
Trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2035
Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim nhấn mạnh, Báo cáo là tài liệu quan trọng đối với Việt Nam và WB. Sự hợp tác giữa WB trong quá trình xây dựng Báo cáo đã thể hiện sự cam kết của WB đối với sự phát triển của Việt Nam.
Ông Jim Yong Kim cho rằng, Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ, đến 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Khát vọng đó được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên 3 trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước. Tăng trưởng nhanh chỉ có thể được duy trì trên cơ sở tăng nhanh năng suất, có tính đến tổn hại về môi trường và tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ. Phát huy những thành tựu về công bằng và hòa nhập xã hội đòi hỏi phải quan tâm cả đến những đối tượng thiệt thòi cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một xã hội trung lưu và dân số đang già đi. Quản trị nhà nước phải trở nên hiện đại minh bạch và hoàn toàn dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Những khuyến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ Việt Nam tham khảo trong quá trình hoạch định chính sách, trước hết là trong xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) và nghiên cứu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2030.