CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:55

Phan Đăng "Ai là triệu phú": Mua nhà 2 tỷ, nợ 900 triệu, tôi có giàu?

 

Trong quán cà phê hẹn với phóng viên Zing.vn, có một phụ nữ nhận ra MC của Ai là triệu phú, chị bảo: "Phan Đăng giản dị, và hay cười nhỉ!". Bình luận ấy có phần tương đồng với nhận xét của BTV Đỗ Hồng Cư trong một lần bên ly Cà phê sáng VTV3, rằng: "Tôi thích nói chuyện với Phan Đăng vì anh luôn cười".

 

- “Phan Đăng chỉ giỏi chém gió, sao có thể thay thế nhà báo Lại Văn Sâm”, từng là một trong những bình luận của khán giả khi anh trở thành MC “Ai là triệu phú”. 8 tháng đã qua, anh nhớ gì về những chỉ trích thuở ban đầu?

- Nguyên tắc của người làm báo là phải luôn tôn trọng khán giả. Sống trong xã hội mở, tôi nghĩ, chúng ta phải tôn trọng quyền được nói của tất cả mọi người, và không nên phản ứng với những lời chỉ trích.

Vì thế, tôi luôn lắng nghe bằng thái độ tôn trọng, thay vì xù lông. Trong quan điểm của riêng tôi, người làm báo, nếu buộc phải lên tiếng chỉ nên lên tiếng trước Tổng biên tập hoặc Tòa án.

Mà không chỉ là những góp ý, chỉ trích đâu, ngay cả với những lời chửi bới, tôi cũng gạn lọc và tiếp thu cái “lõi” phía sau ngôn ngữ chửi bới bên ngoài. Vì thật sự càng làm báo... tôi càng thấy mình dốt. Thật đấy! Mà đã thấy rõ là mình dốt thì phải cầu thị, lắng nghe.

- Anh khắc phục “cái dốt” như anh nói, bằng cách nào?

- Tôi đọc sách. Ngày nào tôi cũng đọc 3 loại sách khác nhau, thường là một quyển sách khoa học, một quyển sách triết học và một quyển sách văn hoá học. Mỗi loại tôi đọc khoảng 10 trang, tổng mỗi ngày đọc khoảng từ 30-100 trang.

Càng đọc, tôi càng thấy mình dốt nát, dốt nát thực sự. Tôi thấy cái mình biết là nhỏ li ti, trong khi cái mình chưa biết là mênh mông vô tận. Đọc sách, tôi nhận thấy mình đúng là mông muội, kém cỏi. Và một khi ý thức được về bản thân như vậy, tôi càng thấy biết ơn những chỉ trích dành cho mình.

 

 

- Dù đã dần tạo được phong cách và bắt đầu được ghi nhận, nhưng anh vẫn chưa thể thành một “biểu tượng” của Ai là triệu phú, phải chăng “cái bóng” của người dẫn chương trình trước đó quá lớn?

- Tôi mới dẫn từ tháng 1, đến bây giờ là khoảng 8 tháng. Mỗi tháng có 4 số phát sóng, như vậy, tôi đã dẫn 32 số. Với chừng ấy số, tôi nghĩ để thành một biểu tượng là điều quá khó.

Nhưng, tôi cũng đồng tình với nhận định của bạn, chắc chắn rồi, không thể phủ nhận được là “cái bóng” của anh Lại Văn Sâm lớn quá. “Bóng” ấy gây áp lực lên bất cứ ai thay thế, kể cả một MC chuyên nghiệp, chứ chưa nói đến MC tay ngang như tôi.

Thế nên thay vì than vãn hay nhìn vào nó như một khó khăn bất biến, tôi nghĩ phải đối diện và tìm cách vượt qua áp lực. Làm truyền thông nói chung, chứ không riêng gì làm MC mà không chịu được áp lực và không có khả năng đối diện với áp lực thì khó làm nghề lắm bạn ạ.

Trở lại với Ai là triệu phú, sau đợt ghi hình đầu tiên phải thừa nhận là bỡ ngỡ mọi thứ, bỡ ngỡ toàn diện thì đến giờ tôi đã quen trường quay, quen công việc, và tự thấy đã dần nhuần nhuyễn, thoải mái hơn.

- Nhiều người đồng tình với nhận xét “Phan Đăng có vẻ thiếu hài hước” trên ghế MC. Anh thấy có đúng không?

- Mọi nhận xét của khán giả đều đúng. Tôi cũng có đọc được nhận xét này và nếu bạn để ý, những đợt ghi hình sau này tôi đã tăng chất hài hước, vui vẻ. Thực ra, không chỉ khán giả, chính tôi khi xem lại đợt ghi hình đầu tiên của mình trên sóng cũng thấy bản thân gặp phải hàng loạt vấn đề.

Thời điểm ấy, tôi chưa biết nên chọn một tông giọng nào cho phù hợp với tính chất của một games show, thành ra nói trầm và chậm quá. Bây giờ, tôi đã nói với tông giọng cao hơn, tốc độ nhanh hơn, và cũng không còn vung tay thừa thãi như hồi mới làm. Đó là quá trình tự mình phải nhìn ra để khắc phục, hoàn thiện trong một công việc đầy mới mẻ.

- Sau 32 số, hẳn vai trò MC của một trong những game show truyền hình được yêu thích bậc nhất trên sóng VTV cũng mang đến cho anh nhiều trải nghiệm?

- Nhiều chiêm nghiệm thì đúng hơn. Tôi còn nghĩ sau này có khi viết được một cuốn sách từ những ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm đó (cười).

Ví dụ như có người chơi dùng tới bốn quyền trợ giúp cho một câu hỏi nhưng vẫn không trả lời đúng. Không phải vì họ quá kém mà vì ngồi ghế nóng là một cảm giác khác hẳn so với ngồi ở nhà xem tivi. Thậm chí có người chơi còn hỏi tôi có thuốc trợ tim không vì họ sợ bị ngất vì quá hồi hộp.

Sau thời gian gắn bó, tôi thấy Ai là triệu phú gợi lên trong bản thân tôi những suy nghĩ mang tính cơ sở luận. Tôi lấy ví dụ như luật dừng cuộc chơi, tất nhiên đây chỉ là "dừng cuộc chơi" trong một game show, nhưng nó khiến mình liên tưởng đến việc phải biết dừng trong chính cuộc đời này.

Bạn nghĩ đi, cuộc đời nếu không biết dừng đúng lúc, đúng chỗ, liệu chúng ta có thể hạnh phúc không? 

Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Đài Loan có một trường đại học tên là Shute, và ở đó họ đề ra một triết lý giáo dục gồm 6 chữ: lễ, tiêu, lạc, ngự, tri, thức. Chữ “ngự” ở đây chính là dừng, tức là phải dạy con người ta biết dừng.

- Ngoài những chiêm nghiệm tự thân, người dẫn chương trình Ai là triệu phú có được “triệu phú” về thu nhập và vật chất không, thưa anh?

- Một người chơi đã tặng tôi một bức vẽ chân dung. Bức tranh rất đẹp và rất... giống tôi. Bạn ấy bảo mỗi ngày phải dành 3-4 tiếng để vẽ, và vẽ xong trong 3 ngày, khó nhất là vẽ đôi mắt. Tôi rất thích bức tranh đó, có lẽ, đó là món quà lớn nhất về cả vật chất lẫn tinh thần mà tôi nhận được khi làm MC của chương trình, cho đến lúc này.

- Có người bảo, ngoại hình của anh rất đặc trưng, và có chút gì đó thật thú vị, anh có nghĩ vậy?

- Thực ra, tôi không thích ngoại hình của mình đâu. Thật đấy! Ngày nhỏ tôi xem phim Hong Kong, các nhân vật trong phim hay để tóc kiểu “đầu bồng chất nghệ”. Và thế là cậu - bé - tôi cũng mơ sau này sẽ để "đầu bồng chất nghệ", nhưng bạn nhìn đầu tôi bây giờ này (chỉ vào đầu...), làm gì có tóc mà đầu bồng cơ chứ! 

Còn về gương mặt, mỗi lần nhìn vào gương, tôi thấy ghét mình kinh khủng. Lúc ấy tôi thấy trong gương một gương mặt chả ra cái thể thống gì. Nó cứ thế nào ấy. Khó tả lắm. Nhưng nói chung là không thú vị.

- Viết báo không phải ai cũng nổi tiếng, nhưng anh nổi tiếng. Cơ hội đó đến từ đâu?

- Tôi có phần xấu hổ khi bạn nói tôi nổi tiếng (cười). Thực lòng, tôi chưa bao giờ nghĩ và dám nghĩ mình là một người nổi tiếng cả. Thôi thì nếu có dùng xin hãy dùng từ “nhiều người biết”, cho tôi đỡ ngại.

Tôi viết báo suốt gần 15 năm chưa bao giờ để hướng đến sự nổi tiếng. Tôi chỉ luôn cố gắng làm tốt nhất từng công việc mình được giao. Tôi nghĩ cứ làm tốt nhất trong khả năng có thể của mình đi, rồi mọi thứ, cái gì đến sẽ tự đến. Tự nhiên lắm.

Giống như khi tôi về báo Công An Nhân Dân - tờ báo tôi đang làm việc, cũng tự nhiên vô cùng. Tôi nhớ mãi hôm đó đi hội thơ ở Văn Miếu, tình cờ gặp Tổng Biên tập báo Công an. Ông mời tôi về báo. Thế là tôi về. Và gắn bó đến giờ đã là 7 năm.

 

 

- Nhưng cũng phải công nhận, sự nổi tiếng của anh chủ yếu đến từ truyền hình, cụ thể là chương trình Cà phê sáng mà anh từng xuất hiện dày đặc vài năm về trước?

- Đúng là có một giai đoạn tôi hay tham gia Cà phê sáng, mục Chuyện bên ly cà phê để cùng với các BTV Hồng Cư, Diệp Chi, Thanh Hường... chia sẻ các câu chuyện văn hoá.

Hồi đầu các anh chị ấy mời tôi làm 1, 2 số thôi, nhưng có lẽ thấy hợp nên chúng tôi lại làm tiếp. Mọi thứ cũng tự nhiên, nhẹ nhàng. À, mà bạn lại vừa nói đến hai chữ "nổi tiếng", tránh giúp tôi hai chữ đó nhé!

- Phan Đăng từng rất quen mặt trên Cà phê sáng, là do VTV “săn đón" hay anh cũng muốn có cơ hội xuất hiện?

- Tôi chưa bao giờ “alo” cho bất cứ một kênh truyền hình nào và bảo “Xin hãy mời tôi đi”. Tất cả đều là do những người sản xuất chương trình mời, và thật ra thì có rất nhiều chủ đề mà tôi thấy không hợp phong cách, hoặc vượt quá khả năng hiểu biết của mình, tôi đã từ chối.

Từ khi làm MC Ai là triệu phú, tôi cũng nhận được nhiều lời mời làm MC cho các sự kiện, nhưng đa phần tôi không nhận. Thi thoảng lắm tôi mới nhận những chương trình mà tôi nghĩ là nó phù hợp với mình, ví dụ như mới đây là chương trình Người đàn ông mùa thu - một đêm thơ/nhạc đẹp và đầy xúc cảm của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

- Sự nổi tiếng đôi khi đi liền với cám dỗ và giàu có. Anh có phải người giàu có?

- Suốt gần 15 năm làm báo, tôi mua được một căn nhà chung cư 54m2 với giá 2,1 tỷ. Trong đó, tôi có 1,2 tỷ là tiền nhuận bút tiết kiệm được từ nghề, còn lại phải vay thêm 900 triệu. Đến bây giờ mỗi tháng vẫn phải làm việc để trả nợ 10 triệu. Vậy thì theo bạn tôi có phải người giàu có không? (cười).

Nhưng, tôi nhớ đến một câu nói bất hủ của ca sĩ John Lennon: “Tôi thấy chúng ta nghèo đến mức không có gì ngoài tiền”. Sự giàu có phải được đong đếm bằng cả tinh thần, và thế giới tưởng tượng của mỗi cá nhân nữa.

Hôm qua, tôi ngồi chơi với con trai. Cháu giơ một chiếc ôtô lên và bảo “Bố ơi, ôtô 3 bánh”. Tôi gạt đi và bảo “Ôtô 4 bánh chứ”. Cháu vẫn khẳng định là 3 bánh, còn tôi thì cứ khăng khăng chữa lại là 4 bánh.

Sau nghĩ lại, tôi ân hận. Vì, tại sao lại không cho đứa trẻ tưởng tượng một chiếc ôtô có thể chạy bằng 3 bánh, 2 bánh, thậm chí là 0 bánh nhỉ? Tại sao cứ phải là 4 bánh? Chỉ có thể nghĩ được là "4 bánh" thì hoá ra ông bố này nghèo nàn quá! Tôi cứ nghĩ mãi: Sao lúc đó mình lại như thế nhỉ? Nghèo hơn nhiều so với thằng con chưa đầy 3 tuổi.

- Anh có đang khắt khe và lý trí quá với chính mình, chẳng lẽ sự tưởng tượng quan trọng đến vậy?

- Albert Einstein từng nói “Logic đưa bạn từ điểm A đến B, nhưng sự tưởng tượng sẽ đưa bạn đi đến mọi nơi”. Tất cả phát minh vĩ đại của nhân loại đều đi từ một vạch xuất phát đầu tiên là sự tưởng tượng.

Nếu người Hy Lạp cổ đại không gửi gắm giấc mơ được bay vào đôi cánh của các vị thần, nếu người Phương Đông không gửi giấc mơ ấy vào Tôn Ngộ Không với phép “cân đẩu vân” thì liệu chúng ta có tạo ra được máy bay không?

Năm 1903, anh em nhà Wright ở nước Mỹ sáng tạo ra động cơ bay, dù chỉ là bay vài trăm mét trên mặt đất nhưng theo tôi đó không chỉ là sản phẩm riêng của các anh. Đó còn là sản phẩm của biết bao giấc mơ, bao nhiêu sự tưởng tượng đã được tích tụ từ quá khứ.

Rồi khi chiếc tàu ngầm đầu tiên ra đời cũng vậy, ấy là lúc con người nhận ra chiếc tàu ngầm của thuyền trưởng Nemo - một nhân vật được tưởng tượng trong văn chương Pháp - rốt cuộc đã thành sự thực.

Thế nên, tôi nghĩ rằng sự giàu có của con người một phần được đo bằng vật chất, nhưng một phần quan trọng khác còn được đo bằng việc người ấy có một đời sống tinh thần giàu có không? Có một trí tưởng tượng giàu có không?

 

 

- Dẫu là vậy, anh có gặp phải những cám dỗ về vật chất khi là một nhà báo có tiếng?

- Tất nhiên là có. Tôi có nhiều năm viết bóng đá. Trong bóng đá thời doanh nghiệp trước đây, đứng đằng sau mỗi đội bóng là một doanh nghiệp lớn, thường là các ngân hàng.

Tôi từng được đề nghị làm truyền thông cho một đội bóng, mỗi tháng có thể nhận được vài ngàn USD. Nhưng tôi không nhận lời, không phải vì công việc đó xấu, nó chẳng có gì là xấu cả. Tôi không nhận lời vì nghĩ mình đang làm báo, nên không thể làm song hành việc đó.

Rồi khi trong làng bóng xuất hiện một hiện tượng tiêu cực gì đó, nói thật, có những lúc, tôi chỉ cần im lặng, chứ chả cần viết gì cả, là sẽ có tiền. Nhưng tôi đã không làm như thế. Tôi chưa từng nhận một cái phong bì nào, của bất cứ một ông bầu bóng đá nào.

- Để giữ sự liêm chính ấy có quá khó với anh?

- Đừng bắt tôi trả lời một câu hỏi đầy khái quát và rất dễ động chạm tới phạm trù đạo đức như thế. Vì tôi rất sợ nói về đạo đức. Nếu bây giờ tôi nói một cái gì đó ra vẻ đạo đức, ngay ngày mai tôi có thể vi phạm đạo đức đó cũng chưa biết chừng. Cho nên vừa rồi bạn hỏi và tôi chỉ xin dừng lại ở mức độ kể chuyện, những câu chuyện cụ thể mà mình đã gặp khi làm báo. Vậy thôi!

- Anh có còn nhớ mình đã bắt đầu nghề báo như thế nào?

- Ngay từ năm lớp 6, tôi đã say mê đọc báo thể thao, chủ yếu là tờ Thể Thao TP.HCM. Tôi thường nhịn ăn sáng, dành tiền và chờ đến 18h, khi tờ báo này ra Hà Nội để mua và đọc ngấu nghiến. Thế nên, sau này tôi vào nghề rất nhẹ nhàng.

Với tôi, bóng đá đôi khi chỉ là cái cớ để có thể nói những vấn đề khác của đời sống. Thế nên hồi còn làm mảng bóng đá, tôi ít khi sa vào những phân tích theo kiểu đội bóng này đá sơ đồ chiến thuật nào, cầu thủ này giỏi chân trái hay chân phải... mà thường chú trọng đến những vấn đề mang tính xã hội trong bóng đá.

- Nhưng anh đã từ bỏ viết bình luận bóng đá, có phải vì sự nổi tiếng của Ai là triệu phú đã kéo anh đi?

- Trời, lại nói chuyện "nổi tiếng" rồi. Nhân đây, cho tôi thanh minh một chút, rất nhiều người vẫn nghĩ truyền hình, và cụ thể là Ai là triệu phú khiến tôi bỏ công việc viết báo bóng đá.

Một lần mẹ tôi ngồi uống cà phê còn nghe được câu chuyện từ bàn bên cạnh: "Này, nhà báo Phan Đăng bây giờ bị cấm lên VTV bình luận bóng đá rồi". Mẹ tôi về còn hỏi "bị cấm từ bao giờ thế con?", khiến tôi buồn cười mãi.

Hoàn toàn không phải thế. Tôi viết báo thể thao từ năm 2003, và sau một thời gian dài thì tôi thấy các đề tài xét cho cùng cũng là sự lặp đi lặp lại, và tôi bị lặp lại chính tôi, do vậy bản thân không còn nhiều cảm hứng sáng tạo như trước nữa.

 

 

Đấy là lý do chính khiến tôi tạm xa hẳn mảng viết này để chuyển sang viết các vấn đề về văn hóa - xã hội trên tờ An ninh thế giới cuối tháng.

Và tôi chuyển viết từ bóng đá sang văn hoá xã hội được một thời gian thì mới bất ngờ được mời làm MC Ai là triệu phú.

- Thay đổi, và tự làm mới mình liệu có được xem là bí kíp để theo một nghề bền bỉ, mà như anh là gần 15 năm?

- Tôi nghĩ nghề nghiệp đôi khi cũng như hôn nhân. Hãy hỏi những người đàn ông rằng họ say mê vợ họ được bao nhiêu năm? Khi người ta yêu nhau có thể sẽ rất say mê nhau. Nhưng thường là cưới nhau rồi, va chạm với chuyện áo cơm hàng ngày thì độ say mê sẽ giảm đi, và thậm chí không tránh khỏi đến một lúc nào đó còn chán nhau nữa kia.

Thế nên người phương Tây mới có câu ngạn ngữ rất đáng suy nghĩ rằng “Hôn nhân là một cuốn tiểu thuyết mà hai nhân vật chính chết ngay từ chương đầu”.

- Nhưng tại sao rất nhiều người vẫn có thể sống với nhau đến trọn đời?

- Theo tôi nghĩ có hai lý do. Một là sống với nhau vì trách nhiệm, trách nhiệm là thứ quan trọng hơn cảm hứng. Cảm hứng có thể giúp người ta thăng hoa trong khoảnh khắc nhưng trách nhiệm giúp người ta đi được đường dài.

Thứ hai, đúng là phải biết làm mới mình. Có thể thi thoảng phải để một kiểu tóc mới, một cách ăn mặc mới... Mới nhưng không được đánh mất mình.

Đấy, nghề nghiệp cũng như hôn nhân, nó cần hai điều ấy! 

- Và với một nhà báo ưa chiêm nghiệm, anh sẽ nói gì về mái nhà của chính mình?

- Tôi chỉ có thể nói rằng mình thích một mái nhà nhẹ nhàng, và tất cả những thứ hiện diện ở trong nhà, kể cả con người hay đồ vật đều có thể đối thoại được với nhau.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh