Phân bón hữu cơ Thành Đạt cho mùa màng bội thu
- Tây Y
- 17:50 - 21/11/2018
Theo chân cán bộ ở Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến dự hội thảo chuyên đề về sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp và thăm cánh đồng hơn 20ha cấy thử nghiệm giống lúa JO2 của Nhật Bản khảo nghiệm phân bón hữu cơ TĐ 16 và TĐ 17 tại Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, khi bà con nông dân nơi đây đang tập trung thu hoạch lúa. Ngắm nhìn cánh đồng lúa vàng suộm với những bông lúa uốn câu, trĩu bông chứng tỏ năm nay bà con nông dân nơi đây đang được một vụ mùa bội thu.
Hội thảo sử dụng phân bón hữu cơ TĐ16, TĐ17 tại HTX DVNN Thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình.
Ông Phạm Văn Hiền, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp (HTX DVNo) thị trấn Thanh Nê cho biết: "Ở Thanh Nê, cánh đồng Đông Trung canh tác kém hiệu quả, khiến nhiều nông dân bỏ ruộng. Nay được sự khuyến khích của địa phương, 2 nông dân ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trương Văn Chung đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, liên kết sản xuất lúa thương phẩm".
Thu hoạch lúa trên cánh đồng khảo nghiệm phân bón của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt.
Với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt (Cty Thành Đạt) vụ xuân năm 2018, địa phương đã quy vùng 2ha lúa Đông A1, khảo nghiệm bón phân bón TĐ16 và TĐ17, bước đầu đã thu được kết quả tích cực, năng suất lúa vượt trội tăng 15% so với phân bón vô cơ. (phân bón vô cơ đạt 7,1 tấn/ha/ vụ, phân bón hữu cơ đạt 8,6 tấn/ha/ vụ).
Từ những kết quả thu được, vụ mùa năm 2018, HTX DVNo đã chọn 2 hộ nông dân có diện tích canh tác lớn ở cánh đồng kém hiệu quả tham gia liên kết sản xuất. Mặc dù ở vụ mùa năm 2018, điều kiện thời tiết ở địa phương bất thuận do mưa lớn kéo dài, nên 12ha giống lúa Nhật J02 khảo nghiệm bón phân hữu cơ TĐ16 và TĐ17 của Cty Thành Đạt cấy muộn hơn 20 ngày so với lịch thời vụ. Nhưng nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình canh tác, bảo vệ thực vật kết hợp với những hiệu quả của phân bón khảo nghiệm mang lại, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, chắc cây, chống chịu sâu bệnh tốt. Năng suất tăng trên 10% so với dùng phân vô cơ, trung bình đạt từ 2,0 - 2,2 tạ/sào. Từ hiệu quả mang lại, nhiều nông dân địa phương đã đăng ký với HTX DVNo mong muốn sử dụng phân bón của Cty Thành Đạt trong những vụ tới.
Ông Đỗ Chí Lệ - Tổng Giám đốc Cty Thành Đạt và ông Phạm Văn Hiền – Giám đốc HTXDVNo thị trấn Thanh Nê giới thiệu với các nhà Khoa học, nhà Quản lý và người nông dân về hiệu quả sử dụng phân bón TĐ16, TĐ17.
Nông dân Nguyễn Thanh Tuấn, khu Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho biết: Được sự khuyến khích và tạo điều kiện của địa phương và sự cam kết của Cty Thành Đạt về bao tiêu 100% sản phẩm sau khi thu hoạch, gia đình tôi đã mạnh dạn tích tụ hơn 15ha ruộng đất, đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Dưới sự chứng kiến của mọi người, nông dân Nguyễn Thanh Tuấn đã gặt thử ngẫu nhiên 4m2 lúa, tuốt ra được 3kg thóc tươi, tương đương với 2,7 tạ/1 sào.
Vụ mùa năm 2018, Cty Thành Đạt đã phối hợp với HTX DVNo thị trấn Thanh Nê tổ chức liên kết sản xuất, cung ứng lúa giống, phân bón hữu cơ khảo nghiệm và bao tiêu sản phẩm cho 12ha lúa Nhật J02 của gia đình tôi. Qua quá trình trồng khảo nghiệm, hiệu quả mang lại của phân bón hữu cơ rất rõ rệt, mặc dù thời tiết bất thuận, phải cấy muộn gần 1 tháng so với lịch gieo cấy nhưng năng suất đã tăng 10% so với dùng phân vô cơ, sản phẩm được bao tiêu hết ngay sau khi gặt, nên nông dân rất yên tâm sản xuất. Chúng tôi mong muốn những mô hình liên kết như của Cty Thành Đạt được nhân rộng mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp cho người nông dân...
Cánh đồng Đông Trung, thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương, Thái Bình, vụ mùa năm 2018 cấy giống lúa Nhật J02 khảo nghiệm bón phân hữu cơ TĐ16 và TĐ17 của Cty Thành Đạt cho năng suất 2,6 tạ/ sào
Ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: Vụ chiêm xuân và vụ mùa năm 2017 -2018 nông dân Quỳnh Sơn đã được hỗ trợ sử dụng khảo nghiệm phân bón hữu cơ TĐ16 và TĐ17 trong canh tác lúa đã thu được những kết quả tích cực, sản lượng tăng 12% (Phân bón vô cơ đạt 6 tấn/ha/ vụ, phân bón hữu cơ đạt 6,72 tấn/ha/vụ). Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, sản phẩm sẽ được phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân, góp phần thiết thực phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Sản phẩm phân bón hữu cơ TĐ17 của Cty Thành Đạt được chế biến từ rác thải sinh hoạt
Ông Đỗ Công Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết: phân bón hữu cơ TĐ16 và TĐ17 của Cty Thành Đạt, tuy đang trong quá trình khảo nghiệm nhưng từ hiệu quả thực tế trên đồng ruộng đã giúp rau màu phát triển cân đối, bền chắc, độ ẩm trong đất lớn, giảm công điều tiết nước trong sản xuất, đã chiếm được cảm tình của bà con nông dân Quỳnh Hải khi cho những hiệu quả vượt trội trong canh tác rau màu.
Năm 2017 – 2018 HTXDVNo xã Quỳnh Hải trồng hơn 8 ha chuyên canh sản xuất rau màu theo chuỗi tại thôn Lê Xá trong 4 vụ đã đạt năng suất rất cao, tăng 20% so với dùng các loại phân truyền thống. Phân vô cơ đạt 90 tấn/ha/vụ, phân hữu cơ đạt 120 tấn/ha/vụ. Hy vọng trong thời gian tới, những sản phẩm phân bón của Thành Đạt sẽ được sản xuất đại trà và đến với đông đảo nông dân.
Nông dân Nguyễn Văn Dũng, thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải cho biết: Tôi là người đầu tiên tại xã Quỳnh Hải sử dụng khảo nghiệm phân bón hữu cơ của Cty Thành Đạt hỗ trợ từ tháng 7/2016. Hiệu quả thiết thực từ đồng ruộng mang lại khi sử dụng giúp gia đình tôi giảm 50% lượng phân bón, giảm 20 - 25% thuốc bảo vệ thực vật, đất trồng tơi xốp, cây có bộ rễ khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt hơn các loại phân chuồng ủ bình thường mà bà con nông dân đang sử dụng đại trà. Đến nay, với hơn 1 mẫu canh tác các loại rau màu như bắp cải, cần tây, cà chua... giá trị thu nhập tăng từ 15 - 20%, nếu trồng su hào bón bằng phân vô cơ 1 vụ chỉ đạt được khoảng 32 tấn/ha/vụ, bón bằng phân hữu cơ đạt được trên 35 tấn/ha/vụ tăng khoảng 10%, giá thành bán xu hào được trồng bằng phân hữu cơ tăng hơn 30% so với bón phân vô cơ.
Ông Hoàng Ngọc Thuận Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Thực hiện Nghị định số 109/ 2018 của Chính phủ về Nông nghiệp Hữu cơ. Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã tiến hành khảo nghiệm phân bón rễ TĐ16 và TĐ17 do Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt sản xuất đối với lúa và rau màu. Nhìn chung các loại phân này giúp bổ sung chất hữu cơ và đa lượng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, giúp cây phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng và làm cho đất tơi xốp, cây trồng kháng bệnh cao.
Dây chuyền chế biến phân vi sinh tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Đây là Dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh và hữu cơ khoáng từ rác thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình của Cty Thành Đạt với 2 sản phẩm phân bón hữu cơ TĐ16 và TĐ17 thuộc chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 - 2025 do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý được Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chuyển giao quy trình sản xuất khảo nghiệm.
Với nguyên liệu chính gồm 75 - 80% rác thải sinh hoạt đã được phân loại cùng 20 - 25% nguyên liệu hỗ trợ gồm than bùn đã chế biến, qua quá trình phối trộn hỗn hợp chế phẩm men. Sau 90 ngày ủ, phân hoai tạo mùn, tơi xốp, không có mùi hôi được phơi, sàng, xay nghiền và phối trộn khoáng chất theo nhu cầu sử dụng, sau đó được kiểm tra chất lượng, đóng gói thành phẩm. Sản phẩm đã được khảo nghiệm trên đất bạc màu tại một số vùng canh tác tại các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Sóc Sơn, Phú Xuyên (Hà Nội), được sự giám sát chặt chẽ của các nhà khoa học thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa.
Tại Thái Bình sau hơn 2 năm triển khai, Cty Thành Đạt đã trực tiếp khảo nghiệm phân hữu cơ TĐ16 và TĐ17 trên 20ha lúa và 13ha rau màu tại một số địa phương thuộc hai huyện Quỳnh Phụ và Kiến Xương. Kết quả khảo nghiệm trên lúa cho sản lượng tăng 12 - 15% so với dùng phân vô cơ, trên rau màu tăng năng suất 20% so với dùng phân bón truyền thống, cây trồng kháng bệnh cao, giảm chi phí sản xuất, nông sản bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm...
Trước những thành công bước đầu trong quá trình khảo nghiệm các sản phẩm phân bón, ông Đỗ Chí Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt cho biết: Thời gian tới công ty tiếp tục đầu tư, cải tiến công nghệ, nâng công suất lên trên 5.000 tấn/năm, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, mở rộng vùng liên kết sản xuất để những sản phẩm phân bón TĐ16 và TĐ17 đến với đông đảo bà con nông dân.
Thành công từ các dự án dân sinh, cho đến tận dụng rác thải sinh hoạt để sản xuất phân bón hữu cơ đã mang lại lợi ích kép cho khu vực nông thôn. Phân bón hữu cơ TĐ17,TĐ16 của Cty Thành Đạt (Thái Bình) đã góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đất, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cây trồng.