THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

Phạm Thành Lương - Quả bóng Vàng cho sự cống hiến

 

Thành Lương trên bục nhận giải Quả bóng Vàng 2016.
Chưa có năm nào giải thưởng Qủa bóng Vàng (QBV) lại gây ra nhiều tranh cãi như năm nay, với đủ thứ chuyện. Việc Ban tổ chức trong nhiều khó khăn cố gắng duy trì một giải thưởng có ý nghĩa tôn vinh cầu thủ bóng đá vẫn luôn là điều đáng ghi nhận, một giá trị cần trân trọng.
Thực tế suốt những năm qua, chọn ra ai là cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất năm luôn là điều khó, bởi đội tuyển (ĐT) Việt Nam thì thành tích cũng chỉ đến thế, loanh quanh qua được vòng bảng SEA Games hoặc AFF Cup rồi thì…bị loại. Cũng khó để đánh giá thành tích cầu thủ qua giải V-League, một giải đấu có hấp dẫn và chuyên nghiệp thực sự hay không thì lại là điều để tranh cãi tiếp. Cứ phải so bó đũa chọn cột cờ cũng khó cho giới chuyên môn, cho những lá phiếu bình chọn, giải thưởng đâm ra khó mà chỉ chuyên môn đơn thuần, mà còn có ở đó yếu tố tri ân, yếu tố yêu mến, kiểu “bóng vàng trong lòng người hâm mộ”.
Rút cuộc thì Quả bóng Vàng được trao cho Phạm Thành Lương, bóng Bạc thuộc về Xuân Trường còn bóng Đồng được trao cho Vũ Minh Tuấn.
Ngay sau khi có kết quả, tranh cãi nổ ra bởi so về thành tích, Thành Lương khó hơn được Công Vinh, cựu đội trưởng ĐT Việt Nam thậm chí còn không được mời đến lễ trao giải.
Phạm Thành Lương – người vẫn được quen gọi là Lương “dị” đã có chức vô địch V-League trong năm 2016 trong màu áo của CLB Hà Nội, đã chơi trong màu áo ĐT Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết AFF Cup. Thành Lương đã quyết định nói lời chia tay đội tuyển quốc gia (ĐTQG) ngay sau khi ĐT Việt Nam thất bại trước Indonesia trong việc giành một tấm vé vào chung kết AFF Cup 2016.
Người ta đã nói về Lương “dị” quá nhiều, một cầu thủ trưởng thành từ một sân bóng đầy sỏi đá ở một miền quê Hà Tây (cũ). Lương “dị” – cao chỉ hơn mét sáu, đi một đôi giầy cỡ 38 rất nhỏ, rất khó mua, với một thân hình nhỏ bé không có “chất” của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đã chạy khắp các sân cỏ bao năm qua.
Thành Lương luôn "cháy" hết mình trên sân
Từ chàng trai quê mùa, Thành Lương trở thành ngôi sao bóng đá nổi tiếng, với kỉ lục là 4 danh hiệu QBV. Thành Lương – từ “con trai của ông Calisto” đến thời Hữu Thắng, qua các đời HLV, qua biết bao giải đấu, trận đấu, vẫn luôn cháy hết mình cho màu áo ĐTQG. Lương “dị” vẫn nói giọng nhà quê, sống kiểu nhà quê, chân thành và giản dị, không chút màu mè. Cuộc sống của Thành Lương chưa bao giờ là cuộc sống của một ngôi sao, và cách hành xử cũng chưa bao giờ là của một ngôi sao. Lương “dị” vẫn hay xách giày đi đá phủi, vẫn bỏ tiền mua trang phục cho đội bóng đá phủi ở quê nhà, hay vẫn móc tiền túi mua vé tặng người thân mỗi trận đấu ở sân Mỹ Đình.
Ngay như trận đấu tranh siêu Cup quốc gia mới đây giữa CLB Hà Nội và Than Quảng Ninh, Lương “dị” chạy từ phía trên về sát vòng cấm đội nhà và hò hét: “Đá bóng nhanh lên trên đi, không triển khai nhanh người ta ập vào lấy mất không về kịp đâu”. Lương “dị” vẫn vậy, rất hết mình. HN T&T dù thua chung kết ở chấm 11m, nhưng với một pha ghi bàn đẹp mắt, Phạm Thành Lương vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.
QBV trao cho Thành Lương, giống như một sự tri ân, giống như một lời cảm ơn vì những gì cầu thủ này đã cống hiến, về những cảm xúc mà Thành Lương mang lại cho người hâm mộ. Giữa cuộc sống bộn bề, với bóng đá, Lương “dị” giống như một tấm gương đẹp về sự tận tụy, về nhân cách của một con người được tất cả yêu mến.
Về chuyên môn có thể còn nhiều tranh cãi, nhưng về tư cách, không ai xứng đáng hơn Phạm Thành Lương. Danh hiệu là sự ghi nhận, và Lương “dị” là một QBV đích thực trong lòng mọi người.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh