THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

Đừng dụng dân để mị dân và lòe bịp thiên hạ

 

Tranh cổ động nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Lướt qua báo chí tuần rồi, tôi chạm phải bài của một vị TS (chắc là vị này có bằng tiến sĩ, chẳng rõ về chuyên ngành nghề gì). Vị TS băn khoăn rằng, sở dĩ bộ máy hành chính - công vụ hiện nay thiếu hụt động lực phục vụ dân là do ít phụ thuộc vào dân. Từ việc đề bạt, bổ nhiệm, đến tăng lương, khen thưởng,... người dân gần như chẳng tham gia ý kiến gì được.

Kết luận bài viết, vị TS trên cho rằng: “Chúng ta đang có sự lầm lẫn về cơ chế vận hành, chế độ trách nhiệm chính trị và cơ chế trách nhiệm hành chính”.

Chúng ta ư?. Không, điều này chính vị TS trên đã lầm lẫn. Lầm lẫn từ cái mở đầu, cho rằng, dân chẳng có ý kiến gì vào hoạt động của bộ máy hành chính - công vụ, cho đến lầm lẫn, gán sự lầm lẫn của cá nhân mình cho mọi người !.

Thưa rằng, trong hệ thống tổ chức của Nhà nước ta có Quốc hội, Hội đồng nhân dân từ cấp tỉnh , cấp huyện, cấp xã. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là những công dân ưu tú, được nhân dân sáng suốt lựa chọn, bầu ra thay mặt mình để tham gia vào hoạt động của bộ máy hành chính - công vụ. Việc Hội đồng nhân dân chất vấn các thành viên của chính quyền cùng cấp, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ chẳng phải là việc dân cho ý kiến vào hoạt động của bộ máy hành chính - công vụ hay sao?. Vị TS trên quên, hay giả vờ không biết chuyện nhiều thành viên của Chính phủ toát  mồ hôi hột khi bị các đại biểu Quốc hội chất vấn những vấn đề mà dân quan tâm?. Trong các phiên chất vấn, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội đã đi sâu vào các “ngõ ngách”, thấu hiểu tận ‘chân tơ, kẽ tóc” hoạt động của các ngành. Qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, họ  đã thẳng thắn, thậm chí có đại biểu gay gắt, bức xúc chất vấn các “Tư lệnh ngành” những vấn đề  nổi cộm trong đời sống, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến công tác phòng, chống tham nhũng,... Trong đó có việc “mua quan bán chức”, “chạy” công chức, viên chức, chất lượng công chức, tinh giảm biên chế, chất lượng của cơ quan công quyền...

Thông qua các đại biểu, dân đã có ý kiến, dân đã  tham gia vào nghị trường, chính trường, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội rất quyết liệt, sao lại lầm lẫn cho rằng dân không có ý kiến?. Hay vị TS trên cho rằng, các đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân chưa làm trọn sứ mệnh dân giao?.

Nói đến chất lượng bộ máy hành chính - công vụ, người viết lại nhớ đến phát biểu của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với báo chí trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015. Khi ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Tôi làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tôi có thể thải được 40% ra khỏi bộ máy, nếu cho phép tôi toàn quyền” (Trích theo Báo Tiền Phong điện tử ra ngày 16/11/2015). Tôi đồ rằng vị TS trên cũng biết phát biểu này của ông Nguyễn Đình Quyền. Thưa TS, thưa những người có trách nhiệm ở Văn phòng Quốc hội, thưa các đại biểu Quốc hội, các vị nghĩ gì trước phát ngôn trên ?. Nên nhớ tinh giảm biên chế đang là một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay của hệ thống công quyền. Những người như ông Quyền, phát ngôn với tinh thần trách nhiệm cao, “lời nói đọi máu”, cần phải được xem xét nghiêm túc, chứ không phải trò khoe mẽ, phán bừa, ba vạ của những kẻ “ếch ngồi đáy giếng”.

Hiểu biết hạn hẹp, một số quan chức hiện nay lại cố gắng gượng gồng mình, nên không chỉ phát ngôn nhăng cuội, chẳng rõ mình đã viết, đã nói điều gì, mà còn đọc văn bản luật cũng lộn xộn, lầm lẫn, rối rắm. Vậy mới xảy ra chuyện cười ra nước mắt, với “sáng kiến”, phạt tiền những nhà xây vượt tầng trái phép, cho tồn tại , để khỏi tổn hại về... kinh tế!

Đẩy thuyền là dân, lật thuyền là dân, nhưng dân cũng hiền như đất. Cho nên đừng lợi dụng dân để bịp thiên hạ, đừng lôi dân vào trò hề vụn vặt, ma quái. 

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh