THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:38

Phải biết đứng dậy khi vấp ngã...

 

Cả hội trường như lặng đi khi nghe những lời tâm sự của học viên Trần Quốc Dũng, đại diện cho gần 450 học viên đang cai nghiện, học nghề tại Trung tâm giáo dục, dạy nghề 05-06 Đà Nẵng. Buổi nói chuyện của đồng chí Đại tá Lê Văn Tam, Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP với các học viên vào ngày hôm qua (17-7) vì thế mà trở nên sôi nổi, hào hứng và đầy cảm xúc.

 

Quang cảnh buổi nói chuyện.

 

"Không thể là người bỏ đi"

Khi được mời là đại diện của gần 450 học viên lên phát biểu cảm tưởng, tôi nghĩ, cũng như nhiều cuộc gặp gỡ, ở nhiều "diễn đàn" khác trước đây, Dũng cũng sẽ cầm trên tay một tờ giấy, trong đó lời phát biểu (có thể của Dũng hoặc ai đó) viết sẵn, và chỉ việc đọc liền mạch "cảm nghĩ" của mình. Lần này thì khác, trong bộ đồng phục của học viên Trung tâm, em đĩnh đạc bước lên bục, trong tay không hề có một  mảnh giấy nào. Khi Dũng cất lời, cả hội trường im bặt: "Em rất vinh dự được đại diện cho gần 450 anh chị em học viên đang cai nghiện, học tập, rèn luyện và phục hồi tại Trung tâm giáo dục, dạy nghề 05-06 thành phố Đà Nẵng, được nói lên cảm xúc của mình. Chúng em, tầng lớp thanh niên thời đại mới, đáng ra phải góp một chút sức nhỏ bé của mình cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên đã phạm phải sai lầm. Ăn chơi sa ngã, nghiện ngập, trở thành nỗi lo.

 

Đại tá Lê Văn Tam tặng quà cho lãnh đạo và học viên tại Trung tâm 05-06.

 

Dũng vừa dứt lời, liên tiếp những tràng vỗ tay ở dưới phát ra, rồi im bặt... "Khi vào Trung tâm, chúng em luôn nhận được từ ban lãnh đạo cũng như thầy cô quản giáo sự ân cần chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, chỉnh sửa cho chúng em từ lời nói đến từng bước đi. Và đặc biệt hôm nay, chúng em nhận được sự quan tâm của lãnh đạo CATP, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đến thăm hỏi, nói chuyện ân cần, tặng quà cho chúng em. Chúng em rất xúc động, tự đáy lòng xin nói lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất. Và cũng từ những sự quan tâm đó, chúng em tự thấy rằng mình không thể là những người bỏ đi của xã hội được, chúng em xin hứa sẽ chấp hành tốt nội quy, quy chế của Trung tâm, cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng, trở về với gia đình, làm người con, người cháu tốt trong gia đình, người công dân có ích cho xã hội"... Lại liên tiếp những tràng pháo tay vang dội, đích thân Đại tá Lê Văn Tam đã lên bục bắt tay, động viên và chia sẻ với những cảm xúc đang dâng trào tột độ trong các em.

Quyết tâm sẽ cai nghiện được

Nói chuyện với các học viên, Đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc CATP đặt vấn đề: "Vì sao các bạn phải lên Trung tâm?". Theo đồng chí Giám đốc, mỗi học viên đều có hoàn cảnh, đối tượng tác động riêng để đến với ma túy. Nguyên nhân đầu tiên có thể là do nhận thức về tác hại của ma túy đối với bản thân học viên còn đơn giản. Nhiều lúc tặc lưỡi cho rằng, sử dụng một lần  xem sao. Rồi lần 2, lần 3 và đến khi muốn dừng lại thì không còn kịp nữa. Thứ hai có thể do đua đòi ham chơi, bị bạn bè kích động, rủ rê và vì tính sỹ diện, hiếu thắng của tuổi trẻ nên đã sa chân vào con đường nghiện ngập. Cũng có nhiều trường hợp, do tuổi trẻ bồng bột, bất mãn trong chuyện tình cảm yêu đương nên có biểu hiện chán chường, sinh ra suy nghĩ "mặc kệ", muốn đến đâu thì đến. Cũng không ít trường hợp, gia đình đầy đủ về kinh tế nhưng lại thiếu sự quan tâm, giáo dục, theo dõi; bố mẹ lo kiếm tiền mà quên mất nghĩa vụ chăm sóc, yêu thương con cái, đến khi con cái phạm sai lầm thì đã quá muộn...

 

Đại tá Lê Văn Tam và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, động viên học viên Trung tâm 05-06.

 

"Có rất nhiều nguyên nhân dẫn các bạn đến với ma túy. Tự thân các bạn sẽ thấy được mình đến ma túy bằng con đường nào và tác hại của nó ra sao. Một sự thật hiển nhiên, nếu không dính vào ma túy thì hiện tại có thể các bạn đang được học tập, công tác, vui sống cùng người thân, bạn bè ở ngoài xã hội thay vì phải vào Trung tâm, cách ly với cộng đồng để cai nghiện, phục hồi sức khỏe. Chưa nói đến còn ảnh hưởng, lây lan qua rất nhiều yếu tố khác, lớn hơn", Đại tá Lê Văn Tam nói.

"Đã nghiện rồi thì có cai được không?", Đại tá Lê Văn Tam hỏi. Cả hội trường rộ lên "có". "Được, chắc chắn được, 100% là cai được", Đại tá Lê Văn Tam lại khẳng định. "Rất nhiều trường hợp học viên khi vào Trung tâm lao động, học tập, sau đó trở lại cộng đồng và thành người tốt, có ích. Tất nhiên, thực tế vẫn có những người trở lại trung tâm nhiều lần, nhưng đó chỉ là thiểu số. Vì sao vậy? Vì những người đó thiếu sự quyết tâm", Đại tá Lê Văn Tam nhìn nhận. Cũng theo Đại tá Lê Văn Tam, quyết tâm không chỉ nói bằng lời, không chỉ là hình thức, mà phải thật sự bằng hành động, bằng việc làm cụ thể. Phải trăn trở, suy nghĩ, thậm chí dằn vặt, tự chất vấn bản thân về những việc đã làm. "Được gì và mất gì khi dính vào ma túy? Nếu các bạn trả lời được câu hỏi ấy, các bạn biết sẽ phải làm gì", Đại tá Lê Văn Tam gợi mở.

 

Đại tá Lê Văn Tam  thăm hỏi, động viên học viên Trung tâm 05-06. Ảnh: Doãn Hùng

 

Với các học viên có mặt tại buổi nói chuyện, đồng chí Giám đốc CATP nhắn nhủ, để cai nghiện thành công thì trước hết phải tuân thủ nội quy, quy chế của Trung tâm, đặc biệt phải thực hiện tốt quy trình cai nghiện. "Bước khó nhất là cắt cơn. Nếu vượt qua được giai đoạn này thì có thể nói đã thành công hơn một nửa. Sau khi cắt cơn, phục hồi sức khỏe thì cố gắng học nghề. Có nghề trong tay rồi xem như đã chuẩn bị đầy đủ hành trang để làm lại cuộc đời, khi trở lại cộng đồng có thể tự tin và vững tâm hơn để tránh xa, đoạn tuyệt với ma túy", Đại tá Lê Văn Tam nhắn nhủ. Đồng thời ông hứa sẽ phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, các ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất để các học viên khi trở về tái hòa nhập cộng đồng trở thành người công dân tốt...

G.S

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh