THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:48

Phà Vàm Cống hoàn thành sứ mệnh trăm năm tuổi.

 

Bến phà Vàm Cống chạy qua sông Hậu, nối thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) với huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), hoạt động cả trăm năm nay. Với những người lái phà lâu năm nơi đây, ai cũng có những kỷ niệm vui buồn khó quên trong nghiệp đưa khách của mình. Ngày kết thúc sứ mệnh lịch sử của bến phà, có những người muốn nghỉ ngơi, còn nhiều người vẫn mong tiếp tục được làm việc ở các bến phà khác, nhưng ai cũng có cảm xúc đặc biệt với bến nước này.

 

Những chiếc phà đã ngừng chạy đậu gọn gàng bên bến chờ ngày đi làm nhiệm vụ mới.

 

Ông Thái Tuấn Khải, người có 29 năm làm tài công nơi này chia sẻ rằng, niềm vui của nghề có khi đơn giản là tình cờ bắt gặp những cái gật đầu, những nụ cười, cái vẫy tay thay cho lời cảm ơn của ai đó trong dòng lữ khách sang sông.

“Chúng tôi không bao giờ quên được những buồn vui, vất vả, cực nhọc, lo toan nơi bến sông này... Đến hôm nay, vinh dự và trọng trách một thời, chúng tôi xin trao lại cho chiếc cầu vững chãi đang phơi mình giữa nắng gió nơi đây. Còn chúng tôi, những gã đưa đò như những cánh cò trắng trên sông hãnh diện, ngẩng cao đầu báo hiệu ba tiếng còi dài để rời xa bến nước này. Rồi chúng tôi cũng lại cặm cụi trên những chuyến đò ở những bến sông khác. Ông Khải chia sẻ.

 

Bến phà Vàm Cống chính thức ngưng hoạt động từ 9 giờ ngày 30/6/2019.

 

Riêng tôi, phà Vàm Cống cũng gắn biết bao kỷ niệm. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đi qua phà là vào buổi chiều mùng một tết năm 2004. Lần đó, một mình tôi chạy xe máy khám phá vùng đất miền Tây. Kể từ đó năm nào tôi cũng đi về An Giang vài lần trong những ngày thường cũng như ngày lễ tết. Cảnh nhộn nhịp hai bên bến phà, cảnh trào mời của những người bán hàng rong. Người dân buôn bán đủ thứ đặc sản của vùng Miền Tây, họ thật thà chất phát, luôn vui vẻ nhiệt tình với khách qua đường. Có những lần tôi đến bến phà khi nửa đêm, tôi dừng xe trên phà thả hồn theo sông nước, nghe tiếng còi hú trong đêm. Nhất là những ngày lễ tết hàng dòng xe đợi chờ để qua phà, với bao tâm trạng ngược xuôi, mong ngóng nhanh được qua phà để về nhà.

 

Người nhân viên lặng lẽ nhìn những  phương tiện cuối cùng đi trên phà Vàm Cống.

 

Hôm nay, từ Châu Phú về lại Sài Gòn tôi cũng quyết định không đi cầu Vàm Cống mà chọn đi trên chuyến phà cuối cùng. Nhìn cầu Vàm Cống tâm trạng tôi cũng vui mừng vì không phải bị cảnh “ngăn sông cách chợ” cho những chuyến đi về An Giang sau này. Theo tìm hiểu của PV, trong số các cán bộ, công nhân viên làm việc tại phà Vàm Cống có 42 người có nguyện vọng thôi việc, nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí khi bến phà ngừng hoạt động. Mặt khác, có 105 người có nguyện vọng được tiếp tục phân công nhiệm vụ, công tác tại các phòng nghiệp vụ và đơn vị trực thuộc Cụm phà.

Cụm phà dự kiến điều động số lượng viên chức, nhân viên và người lao động còn lại của bến phà Vàm Cống tiếp tục nhận nhiệm vụ tại các bến phà trực thuộc theo đúng chuyên môn, vị trí công tác.

Tổng số lượng phà, tàu kéo thuộc Cụm phà hiện tại là 30 chiếc, trong đó bao gồm 8 phà 200 tấn, 14 phà 100 tấn, 4 phà 60 tấn và 4 tàu kéo được phân bố tại các bến phà trực thuộc. Sau khi rà soát nhu cầu sử dụng phương tiện vượt sông tại các bến phà còn lại thuộc Cụm phà Vàm Cống, điều chuyển tăng cường cho các bến phà khác, cụ thể: Bến phà Đình Khao: 4 phà 200 tấn (phà A200, D200, G200, K200). Bến phà Đại Ngãi: 2 phà 200 tấn (phà L200, H200) và 2 phà 100 tấn (phà Việt Đan 4, Việt Đan 7). Còn lại 4 phà: 2 phà 200 tấn (phà B200, C200) và 2 phà 60 tấn (Phà D60, E60), đề nghị điều chuyển cho địa phương quản lý, sử dụng.

Về hiện trạng cơ sở nhà đất, do không có nhu cầu sử dụng, sau khi bến phà Vàm Cống dừng hoạt động các cơ sở được giao lại cho hai địa phương là Đồng Tháp và An Giang quản lý, sử dụng tại vị trí các bờ.

 

Cầu Vàm Cống nhìn từ bến phà.

 

“Cảm xúc trong tôi lúc này là buồn, vì mình gắn bó với con người, dòng sông bến nước nơi đây, bây giờ phải chia tay. Sắp tới mọi người sẽ được chuyển đi công tác nơi khác. Nhưng đối với tôi, nơi đây sẽ lưu giữ nhiều kỷ niệm trong cuộc đời”. Cảm xúc của một nhân viên phà Vàm Cống cũng là cảm xúc chung của hầu hết những người dân đã gắn bó bao năm với bến phà Vàm Cống.

Tạm biệt An Giang, tạm biệt phà Vàm Cống. Rồi đây với đổi thay là cây cầu Vàm Cống sẽ tạo thuận lợi cho giao thông nối đôi bờ sông Hậu. Chắc chắn An Giang sẽ phát triển vượt bậc về mọi mặt, nhất là về Kinh tế trong một thời gian không xa.

Tạm biệt phà Vàm Cống, hẹn ngày trở lại.

HẢI LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh