'Bán nhà, bỏ vợ' vì đam mê cây cảnh
- Huyệt vị
- 22:54 - 03/07/2016
Cây duối dáng thế cây siêu cành lá của nghệ nhân Đinh Xuân Vỹ (Bình Định) được định giá hơn 800 triệu.ẢNH: LÊ TÂN
Trong triển lãm sinh vật cảnh để kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Q.Hồng Bàng (TP.Hải Phòng), người xem đặc biệt chú ý đến một cây phi lao và một cây trắc của ông Cao Văn Giám (Bình Định).
Giới chuyên môn đánh giá đây là hai cây cảnh rất độc đáo, có giá không dưới 3 tỉ đồng. Trò chuyện với chủ nhân, mới biết cái giá để có được những tác phẩm này không hề rẻ.
“Tôi chơi cây cảnh từ năm 2001. Trước đó thì kinh doanh bất động sản, cũng được coi là một “đại gia” ở TP.Quy Nhơn (Bình Định). Nhưng từ khi làm cây cảnh, thật sự là tôi lụn bại, thậm chí gia đình gần như tan vỡ”, ông Giám bắt đầu câu chuyện và cho biết, những năm 2008 đến 2011 là thời điểm cực thịnh của nghề cây cảnh. “Thời kỳ đó bỏ ra 1 đồng mua cây có thể bán lại được 10 đồng. Tôi từng mua một cây xanh với giá 7 triệu rồi bán ngay. Cái cây đó qua tay vài người rồi nằm trong sân nhà một đại gia tên Th. “nhựa” ở Hà Nội với giá 3 tỉ”, ông Giám hồi tưởng. Thời đó, Hà Nội là thị trường lớn nhất, sự mua bán rầm rộ những năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã tạo nên cơn sốt cây cảnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là cơn sốt ảo, từ năm 2012 trở đi, rất nhiều người vỡ nợ vì cây cảnh, ông Giám cho biết. Nhiều người đã vay tiền, bán nhà cửa để “ôm” cây cảnh, khi thị trường đột ngột thoái trào, cây không bán được thì phá sản.
“Tôi có anh bạn làm thợ xây, năm 2010 anh ta đi xây nhà cho một chủ vườn ở TP.Nam Định, thấy việc mua bán cây cảnh ngon quá, anh ta bỏ nghề, dốc hết vốn đi buôn cây. Năm ngoái tôi gặp lại, anh ấy buồn bã nói giờ còn nghèo hơn cả thợ hồ. Tôi thì thà mất nhà, mất xe còn hơn mất cây. Tôi đã bán căn nhà hai tỉ và hai ô tô để mua cây và trả nợ, vợ thì bỏ đi mà không nói câu nào”, ông Giám kể lại sự “trả giá” vì cây một cách điềm tĩnh đáng ngạc nhiên. Ông bảo nhiều người mê cây cũng thế!
Ông Giám có hai cây cảnh tiền tỉ đang trưng bày ở triển lãm sinh vật cảnh bên hồ Tam Bạc, đó là cây phi lao có tên là “Tóc mây”, đẹp đến nỗi người ngoại đạo cũng ngẩn ngơ. Đó là một cây phi lao cổ thụ mọc trên một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi Bình Định. 35 năm trước, một cụ ông đã mất nhiều công sức để đưa về đất liền, được 20 năm thì ông Giám đến xin mua lại nhưng ông cụ kia không bán.
“Cuối cùng, tôi soạn 500 triệu vào va li vác đến đặt lên bàn và nói nếu cụ không bán thì không còn cơ hội đâu. 500 triệu cách đây 15 năm to lắm. Ông cụ sốc và đồng ý bán. Tôi mang “Tóc mây” về giấu kỹ 15 năm, nay mới mang đi Hải Phòng triển lãm”, ông Giám hồ hởi nói.
Còn cây gỗ trắc có hình dáng kỳ dị, ông Giám khẳng định nó khoảng 300 năm tuổi, vốn nằm trong hốc đá, bị chèn ép nên không lớn được và mới có hình dáng kỳ quái, nhưng tự nhiên.
Thực tế cho thấy, để có được một cây cảnh độc đáo, giá trị công sức bỏ ra là vô cùng lớn. Ngoài bàn tay và khối óc của con người thì tạo hóa là yếu tố quan trọng hình thành nên những “siêu” cây kỳ vỹ. Như cây đa “thạch mộc tương sinh” của anh Vũ Tiến Nghĩa (làng nghề cây cảnh 800 năm tuổi Vị Khê, Nam Định) được hình thành rất tình cờ.
Cây đa này có tuổi đời hơn 100 năm, mọc tương sinh với bức tường gạch nung rêu phong cổ kính. Gốc rễ của cây đa ăn sâu vào từng thớ gạch, chắc chắn và cổ quái. Nhìn tổng thể, cây đa như một bàn tay được sinh ra từ bức tường cổ. Anh Nghĩa cho biết, cây đa này vốn của một gia đình giàu có ở Bắc Ninh và được trồng trong chậu, đặt trên mảng tường vốn là chuồng chim bồ câu. Qua thời gian, cây phát triển cộng sinh với bức tường. Cách đây 8 năm, một người ở Nam Điền (Nam Định) đã mua được với giá 30 triệu, sau đó bán lại cho anh Nghĩa, giờ cây được trả 1,5 tỉ.
Anh Dương Văn Khoa (43 tuổi, H.Khoái Châu. H.Hưng Yên), một trong các nghệ nhân có cây cảnh tham gia triển lãm nói: “Hiện nay, đang có sự chuyển dịch từ người thưởng thức sang người sáng tạo. Nhiều phôi cây không có giá trị theo chuẩn cổ điển nhưng bằng sự kỳ công, sáng tạo, người chơi đã tạo ra nhiều cây thế có giá trị cả về tiền bạc lẫn nghệ thuật. Người ta có thể trồng cả cây trong chai, hoặc tạo ra những sinh cảnh có kiểu dáng hoặc phong cách hoàn toàn mới”.
Thông tin từ triển lãm sinh vật cảnh Hải Phòng cho thấy, xu thế chơi cây cảnh loại to đang dần thay thế bởi phong cách Bonsai Nhật Bản. Theo đó, những cây có giá trị bây giờ là sam, tùng, trắc, mai, linh sam, kim quýt, cần thăng, phi lao với kích thước nhỏ, chỉ hai người là có thể khênh được...
Khi hỏi chuyện hơn 35 đoàn sinh vật cảnh đến triển lãm ở Hải Phòng, chúng tôi được biết đoàn nào cũng có người “tan cửa, nát nhà” vì cây cảnh. Những ai vượt qua được đều là những người thật sự có tình yêu đối với sinh vật cảnh, sau mới là nhờ tiềm lực kinh tế tốt. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, nhiều nghệ nhân ở triển lãm nói rằng, để có những cây cảnh có giá trị thì không phải cứ bỏ tiền ra mà mua được. Nói như ông Nguyễn Duy Tiếp, Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP.Hải Phòng, nếu ai có tâm, có lòng với cây thì sẽ được cây bù đắp, "người không phụ cây thì cây cũng sẽ không phụ người”, ông Tiếp chia sẻ.