THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:58

Phá đập, giải cứu 500 hộ dân ở TP.Uông Bí

Người dân cho biết đập Đá Trắng (xã Tràng Lương, H.Đông Triều) chưa khi nào lượng nước tràn qua lớn như vậy - Ảnh: P.H.S

Lượng nước lớn khiến tình trạng ngập lụt nhanh chóng trở nên nghiêm trọng, một số nhà dân ở đây bị ngập sâu cả mét; ô tô để ngoài đường cũng chìm ngập trong nước.

3 xã ở Yên Tử bị cô lập do mưa lũ

Tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh tối qua cũng cho biết, chiều cùng ngày tại H.Tiên Yên đã có 3 xã bị cô lập và ngập lụt sau các cơn mưa trước đó, có chỗ ngập sâu hơn 2 m. H.Tiên Yên đã di dời 30 hộ dân với 88 nhân khẩu tại nơi xung yếu đến chỗ an toàn. Tại các thôn, bản bị chia cắt, huyện đã chỉ đạo công tác ứng cứu tại chỗ, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản. Tình hình tại các khu vực này đang được kiểm soát.

Bên cạnh đó, trả lời Thanh Niên chiều qua, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu TP.Cẩm Phả trong 3 tháng phải xây dựng xong khu tái định cư (tại P.Mông Dương) để 94 hộ dân với gần 300 người (hiện đang tá túc tại trạm y tế, nhà văn hóa phường) tạm ổn định chỗ ở, bắt đầu từ ngày hôm nay 3.8. Những hộ không ở trong khu vực này sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền nhà, mỗi tháng 2 triệu đồng.

 

 

Nhờ phá đập kịp thời
Có mặt tại khu vực đập tràn sát hồ Công Viên lúc 10 giờ sáng qua, PVThanh Niên ghi nhận hàng chục công nhân cùng máy xúc đang phá bớt một phần mặt đập để tạo dòng chảy để nước trong hồ thoát nhanh hơn.
Một người dân địa phương cho biết, nhờ phá con đập kịp thời nên lượng nước chảy ra sông rất mạnh và chỉ sau khoảng 2 giờ đồng hồ nước đã rút trông thấy nên người dân không phải di chuyển đồ đạc và sơ tán.
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND TP.Uông Bí cho biết do trận mưa đêm trước quá lớn, nước trong hồ không thoát kịp nên tràn vào nhà dân. Trước tình hình cấp bách, UBND thành phố đã đề xuất phá bớt đập tràn để nước thoát ra sông Sinh.
Cũng theo ông Tú, việc phá bớt con đập để nước nhanh ra sông không ảnh hưởng gì tới dân cư hạ lưu sông Sinh. Trưa 2.8, tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố cơ bản đã cải thiện.
Sạt lở đất, đá vẫn tiếp diễn
Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều đập tràn nằm trên con đường nối từ xã Thượng Yên Công (Uông Bí) đến xã Bình Khê (Đông Triều) đã xảy ra tình trạng nước tràn và dâng rất cao khiến giao thông bị chia cắt.
Cụ thể tại đập Bến Trâu, xã Bình Khê, lúc 12 giờ trưa 2.8, mực nước tại mặt đập cao tới 3 m, người dân hai bên chỉ biết đứng chờ nước rút hoặc chấp nhận đi ngược lại hàng chục cây số.
Tại con đường nối từ đường liên xã Thượng Yên Công với Công ty 91 (Tổng công ty Đông Bắc) đoạn thôn Khe Sú, nước từ trên khe sâu ào ào đổ xuống khiến đường bị sạt lở, nước lũ quá mạnh khiến giao thông bị chia cắt hoàn toàn.
Lương thực, thực phẩm công ty này mua của một hợp tác xã dịch vụ nông lâm của H.Đông Triều khi vận chuyển đến cũng phải cho người khuân vác qua dòng nước lũ rồi mới chất lên ô tô chở vào.
Đập Đá Trắng thuộc xã Tràng Lương, H.Đông Triều chiều qua lượng nước tràn qua cũng rất lớn. Theo người dân ở đây, chưa khi nào dòng nước hung dữ như vậy.
Dọc con đường từ QL18 vào Yên Tử, đất đá đã sạt lở xuống mặt đường liên tục, tạo thành từng đống to giữa đường gây nguy hiểm cho người qua lại.
Phá đập tràn để nước thoát ra sông Sinh giúp dân thoát ngập lụt - Ảnh: P.H.S
Tối 2.8, ông Nguyễn Anh Tú cho biết: đến thời điểm hiện tại tình hình ngập lụt cơ bản đã kiểm soát được, không có thiệt hại nào về người.
Trước đó cả tuần, TP.Uông Bí đã huy động 5.000 người, xe lội nước... ứng trực tại các điểm xung yếu trên địa bàn thành phố. Uông Bí có 11 đập tràn, mỗi đập đều có một tổ trực để ứng phó khi xảy ra sự cố.

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 2/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có công điện gửi lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành, các bộ ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục hậu quả tình hình mưa lũ lớn đã và đang gây sạt lở đất, lũ quét, lũ ống và ngập lụt ở nhiều nơi. Thủ tướng yêu cầu thực hiện đầy đủ việc cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu ăn do lũ, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, không để người dân bị đói, khát. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư bảo đảm an toàn.

* Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, mưa lũ trong ngày 31/7 – 2/8 qua làm 3 người chết (Lai Châu 2 người, Sơn La 1 người) và 6 người bị thương (Điện Biên 4 người, Lào Cai 2 người).

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cảnh báo, mưa lũ ở các tỉnh Bắc bộ từ ngày 2 – 4/8 vẫn diễn biến phức tạp, thời tiết phổ biến là mưa to trên diện rộng. Trong đó, vùng ven biển Quảng Ninh đến Nam Định được dự báo mưa từ 100 - 150 mm, các tỉnh khu vực Việt Bắc và đông bắc mưa từ 100 - 200 mm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh