CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 11:01

Ông Trương Đình Tuyển: Nên "gác" tăng giá dịch vụ y tế để tăng giá điện

 

Đây là chia sẻ của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - Đại học Quốc gia) tổ chức ngày 10/4.

Theo ông Tuyển, trong giỏ hàng hóa về dịch vụ công do Chính phủ quản lý, điều hành giá là giá dịch vụ giao thông, y tế và giá điện, năm nay có thể giữ giá dịch vụ y tế và tăng giá điện.

Năm 2017, sẽ ưu tiên tăng giá điện?

"Hiện Chính phủ vẫn chưa quyết mặc dù có ý kiến đề xuất, tuy nhiên theo quan điểm của tôi để bảo đảm hài hòa giữ ổn định lạm phát thì tạm hoãn tăng giá dịch vụ y tế để tăng giá điện trong năm nay. Tôi nghĩ rằng lựa chọn Chính phủ nên làm nếu không sẽ rất khó để các nhà đầu tư vào làm ăn, rất khó đảm bảo nguồn cho tăng trưởng tương lai", ông Trương Đình Tuyển nói.

"Chúng ta đã dồn nén giá điện 2 năm qua, không thể giữ được nữa, nếu tiếp tục giá điện rẻ sẽ không có luồng đầu tư vào năng lượng sạch", nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại nói.

Theo ông Tuyển, giá điện rẻ có lợi trong ngắn và trung hạn, nhưng về dài hạn sẽ bất lợi vì nó khiến doanh nghiệp (DN) không có động lực để chuyển đổi công nghệ và các nguồn năng lượng giá rẻ: thủy điện, nhiệt điện than... đã và đang dần cạn kiệt. Nếu duy trì giá điện thấp, chỉ phát triển được nhiệt điện chạy than, gây ô nhiễm môi trường, hiệu năng thấp, phát sinh nhiều hệ quả đối với kinh tế về lâu dài.

Thực tế, trong Tổng sơ đồ điện 7 giai đoạn 2016 - 2030 mà Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch từ tháng 3/2016, nhu cầu điện thương phẩm năm 2020 là khoảng 235 - 245 tỷ kWh, năm 2025 là 352 - 379 tỷ kWh và năm 2030 là khoảng 506 - 559 tỷ kWh. Trong đó điện sản xuất và nhập khẩu phải đạt năm 2020 là 265 - 278 tỷ kWh, năm 2025 là 400 - 431 tỷ kWh và năm 2030 là 572 - 632 tỷ kWh.

Trong cơ cấu nguồn điện, năm 2020 Việt Nam phải đưa điện sử dụng năng lượng tái tạo (sức gió, mặt trời, điện sinh khối...) đạt 9,9% tổng công suất, năm 2025 phải đáp ứng 12,5% và năm 2030 phải đáp ứng 21% tổng công suất các nhà máy điện.

Để đảm bảo bài toán này, giá điện phải tăng mới thu hút được các nhà đầu tư bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh điện sạch, trong đó chi phí đầu tư ban đầu của các công trình điện gió, năng lượng mặt trời đang rất lớn, gấp 1,5 đến gần 2 lần so với xây dựng nhiệt điện chạy than.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đồng tình với việc tăng giá điện và cho rằng, mâu thuẫn giữa tăng giá điện với phát triển ngắn hạn với lạm phát và tăng trưởng sẽ xảy ra, điều đó là khó tránh khỏi. Năm 2016 lạm phát còn thấp vì do các hàng hóa thuộc diện Nhà nước kiểm soát giá được bình ổn, chỉ có giao thông, y tế mới tăng. Tuy nhiên, quý I tăng dịch vụ công (giao thông, y tế) đã khiến cho lạm phát trở lại, chi phí DN, người dân nhiều hơn. Làm sao phải có chính sách điều tiết để hài hòa giữa việc tăng giá điện, tác động thấp nhất đến giá hàng hóa và lạm phát.

Về giá điện, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan lo ngại, Việt Nam đang phải trả giá vì nhiều nhà máy nhiệt điện than ở Đồng bằng Sông Cửu Long gây ô nhiễm môi trường cao, giá điện tuy rẻ nhưng hậu quả để lại nặng nề.

"Cả một vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang có rất nhiều nhiệt điện chạy than, trong đó nhiều nhà máy do Trung Quốc làm tổng thầu với công nghệ cũ. Hạ tầng điện vẫn đi theo hướng cũ ưu tiên cho các nhà máy điện chạy than đây là rủi ro và nguy cơ ô nhiễm môi trường thường trực", bà Lan nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia Phạm Chi Lan phản đối việc Bộ Tài chính tăng thu thuế môi trường trong xăng dầu và cho đây là việc cơ quan Nhà nước chọn cái dễ cho mình, đẩy khó cho người dân, cho toàn xã hội.

"Gây ra thảm họa môi trường lớn chính là các dự án đầu tư lớn của Nhà nước, của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn nước ngoài. Vậy tại sao không đánh thuế, phí môi trường lên các dự án, nhà máy này, đánh lên phí xăng dầu không phải là cách xử lý lâu dài".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh