CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:51

Ông Phạm Nhật Vượng lại gây “choáng ngợp”, kế hoạch lớn tại những dự án “khủng”

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch đầy khởi sắc trong phiên 19/6 với sắc xanh bao phủ hai sàn. VN-Index tăng 5,68 điểm tương ứng 0,6% lên 949,69 điểm và HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm tương ứng 0,02% lên 103,77 điểm.

Phiên này, số lượng mã tăng giá áp đảo hoàn toàn so với số mã giảm. Theo thống kê, toàn thị trường có 349 mã tăng, 42 mã tăng trần so với 216 mã giảm và 22 mã giảm sàn.

Trong mức tăng của chỉ số chính VN-Index hôm qua, sự đóng góp của hai mã lớn VIC và GAS là rất đáng kể. VIC góp vào mức tăng chung gần 1,9 điểm và GAS cũng đóng góp 1,26 điểm. Bên cạnh đó, HPG, SAB, VRE cũng hỗ trợ chỉ số nới rộng biên độ tăng. Chiều ngược lại, VCB, BHM TCB và BVH lại giảm.

Thanh khoản trên sàn HSX ghi nhận tăng khá so với phiên trước đó với 147,35 triệu cổ phiếu được giao dịch tương ứng 3.482,35 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch khiêm tốn tại mức 16,85 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 224,77 tỷ đồng.

Ông Phạm Nhật Vượng gây ấn tượng mạnh trong thời gian vừa qua với hàng loạt dự án quy mô và thần tốc

Phiên giao dịch này, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup hồi phục đầy ấn tượng, tăng 1.900 đồng/cổ phiếu tương ứng 1,7% lên 115.900 đồng. Đây là phiên tăng trở lại sau 6 phiên liên không tăng giá của mã này (trong đó có tới 5 phiên giảm).

Trên sàn UPCoM, phiên 19/6, cổ phiếu VEF của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - một công ty con của Vingroup (Vingroup nắm 83,3% vốn và Bộ Văn hoá Thể thaoDu lịch nắm 10%), cũng đạt mức tăng mạnh 5.600 đồng tương ứng 5,3% lên 110.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản tăng mạnh lên gần 18 nghìn cổ phiếu (các phiên trước chỉ giao dịch một vài nghìn đơn vị).

Hai mã cổ phiếu này đang phản ứng tích cực với những thông tin tại tài liệu mà VEF chuẩn bị cho phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 dự kiến sẽ tổ chức vào 28/6 tới tại Trung tâm Hội nghị Almaz thuộc KĐT sinh thái Vinhomes Riverside (Long Biên, Hà Nội).

Tại phiên họp này, HĐQT VEF dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành thêm hơn 1,22 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương ứng giá trị theo mệnh giá là 12.228,5 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ lên 13.894,56 tỷ đồng (tức tăng vốn lên gấp 7,34 lần). Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán này là 12.228,5 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu nói trên sẽ được VEF triển khai thực hiện các dự án đã nêu: 5.777 tỷ đồng cho Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia; 4.089 tỷ đồng cho Dự án 148 Giảng Võ và 2.362 tỷ đồng cho dự án Mễ Trì. Phần vốn thu được còn lại sẽ bổ sung vào nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.

 

 

 

 

Nói về sự cần thiết phải tăng vốn điều lệ, lãnh đạo VEF cho biết, ngày 14/8/2018, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về chủ trương xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia mới, các dự án thành phần.

VEF đang khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư để có thể sớm triển khai dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới tại khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội cùng với 2 dự án thành phần tạo nguồn vốn là dự án Tổ hợp Trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước mắt, trong giai đoạn Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch hoàn thiện nội dung, quy mô đầu tư của Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới, lãnh đạo VEF cho biết, công ty cần phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính triển khai thực hiện các dự án thành phần nói trên.

Năm 2018, VEF đạt 15,1 tỷ đồng doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính đạt 54,9 tỷ đồng và theo đó, VEF có lãi trước thuế 41,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 32,6 tỷ đồng. Các hội chợ đều mở rộng được quy mô, nâng cao chất lượng và có những yếu tố tích cực để có thể tiếp tục phát triển trong các năm tiếp theo.

Tại thời điểm cuối năm 2018, VEF có 1.826,2 tỷ đồng tổng tài sản (tăng 31,6 tỷ đồng so với cuối năm 2017), trong đó riêng tài sản ngắn hạn là 1.016,2 tỷ đồng.

Theo nhận định của BVSC, thị trường nhiều khả năng sẽ tiến đến thử thách vùng kháng cự 952-955 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Việc VN-Index hai lần kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 930-940 điểm đã giúp tâm lý nhà đầu tư giảm bớt sự thận trọng và lo ngại về rủi ro giảm điểm của chỉ số trong ngắn hạn.

Mặc dù đang có cơ hội hình thành nhịp hồi ngắn từ vùng 930-940 điểm nhưng BVSC cũng lưu ý rằng thị trường có thể sẽ vẫn phải đối mặt với áp lực điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự trên, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 và danh mục của các quỹ ETFs đang phải chịu áp lực từ kỳ tái cơ cấu danh mục quý 2/2019 sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét nâng nhẹ tỷ trọng danh mục lên mức 35-40% cổ phiếu khi thị trường đang có cơ hội bước vào nhịp tăng ngắn từ vùng hỗ trợ 930-940 điểm. Có thể thực hiện các hoạt động mua trading, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục trong các phiên thị trường điều chỉnh.

BVSC cũng lưu ý nhà đầu tư tập trung vào một số ngành được hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô hoặc vẫn duy trì được xu hướng tăng nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ như ngân hàng, dầu khí, khu công nghiệp, CNTT và một vài cổ phiếu bất động sản …

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh