THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:53

Ông Phạm Huy Hoàn - Tổng biên tập báo Dân trí: Nhân ái làm nên cuộc đời tôi…

 

Đồng cảm với những nỗi đau

+ Tôi nhớ là khi ông còn làm Tổng Biên tập báo Lao Động, quỹ “Tấm lòng vàng” đã gắn với tên tuổi ông như một thương hiệu, đến khi ông chuyển về Dân Trí thì “Tấm lòng nhân ái” lại gắn với tên ông như một “chiếc tem bảo đảm”! Điều gì khiến cho ông luôn “đắm đuối” với lĩnh vực này vậy?

-Có lẽ cuộc đời đã cho tôi một may mắn là có một thời gian được làm việc với những người lao động sống giản dị và chân tình. Chính họ – những người bạn công nhân của tôi là những người đã đưa ra ý tưởng, đóng góp với báo Lao Động những số tiền đầu tiên cho cuộc vận động giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai ở Đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã giúp tôi có thêm động lực để xây dựng cho tờ báo Lao Động trước đây và báo Dân Trí hôm nay có những chuyên mục mang giá trị nhân văn – nhân ái đó. Họ đã cho tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống là những giá trị đóng góp cho đời. Tôi luôn tâm đắc với câu nói của Bác Hồ khi nói về báo chí với trách nhiệm xã hội của báo chí: Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu thương. Những bức thư yêu thương chính là những bài viết thấm đẫm tính nhân văn – nhân ái từ trái tim nhà báo để góp phần khơi gợi tấm lòng “thương người như thể thương thân” được lan tỏa trong xã hội.

 

+ “Những bức thư yêu thương” ấy đã làm nên một chuyên mục lay động lòng người. Có lẽ cũng là duyên phận đến với báo chí, ông mới làm tốt được điều ấy… Nếu là một lĩnh vực khác, hẳn là sức lan tỏa không thể bằng được!

-Có thể nói như vậy. Đó là điều tuyệt vời mà nghề nghiệp đem lại. Với hơn 40 năm làm báo, trên 20 năm làm Tổng Biên tập báo Lao Động và báo Dân Trí, cùng với tấm lòng và sự ủng hộ nhiệt tình của đồng nghiệp trong cơ quan báo, tôi đã làm được không ít việc góp phần sưởi ấm những số phận kém may mắn trong cuộc sống. Điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và thanh thản nhất chính là việc xây dựng được các chuyên mục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Nhiều người bảo tôi là người may mắn vì đã và đang tiếp tục làm được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi thì nghĩ rằng, đó là công sức của anh chị em phóng viên đã có những phát hiện về từng hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ trong mỗi bài viết bằng trái tim của mình. Mỗi câu chữ trong từng bài viết như luôn ẩn chứa ngọn lửa nhân ái, đem lại cho bạn đọc những cảm xúc sống động và sự đồng cảm hướng tới cái thiện và lòng tốt sẵn sàng giúp đỡ các phận đời éo le, khổ đau. Tôi luôn tâm đắc một câu mà nhà văn Pháp Victor Hugo đã từng viết: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.

Người đặt tên cho những mầm non

+ “Lòng tốt” được hiện thực hóa ở chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của báo điện tử Dân Trí như thế nào, thưa ông?

– Chuyên mục “Tấm lòng nhân ái” của báo Dân trí ra đời từ 12 năm qua đã và đang góp phần đánh thức, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương đồng bào từ sâu thẳm trong trái tim mỗi con người trong xã hội, giữa cuộc mưu sinh ồn ào với những hoàn cảnh sống đáng thương của những người mắc bệnh hiểm nghèo không nơi nương tựa, những phòng học tan hoang giữa núi rừng, những học sinh chân trần hàng ngày phải lội sông đến trường tìm chữ…

Ban biên tập đã định hướng duy trì trên báo in Khuyến học và Dân trí mỗi tuần một chuyên trang, trên báo điện tử mỗi ngày có 1-2 bài viết đăng trang chủ về “những bức thư yêu thương”, thể hiện tình yêu thương con người tương xứng với nhận thức về đạo đức và trách nhiệm xã hội của một nhà báo. Có thể nói, một phần quan trọng gây dựng nên tên tuổi của Dân trí trong lòng bạn đọc hơn một thập kỷ qua, chính là từ những hoạt động xã hội ý nghĩa, được thực hiện bằng tâm huyết, tấm lòng của những người làm báo.

+ Sự thành công của chuyên mục không chỉ bởi những bài viết đầy nhân văn của phóng viên mà tôi thấy, quan trọng là ở những tấm lòng của bạn đọc đã đặt niềm tin trọn vẹn cho thương hiệu tờ báo?

– Câu hỏi này làm tôi chợt nhớ tới một câu nói về triết lý sống của vị cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: “You make a living by what you get , but you make a life by what you give“ (Tạm dịch ý câu nói là: “Nhận để sống, nhưng “Cho” mới là thật sống một đời đáng sống). Tôi thấy đây là một triết lý sống đẹp mà tôi có may mắn đang hàng ngày được đón nhận từ bạn đọc báo Dân Trí.

Có rất nhiều bạn đọc viết comment trên báo rằng, họ tin tưởng báo Dân Trí vì sự tận tâm và trách nhiệm của chúng tôi trong các hoạt động xã hội. Tôi nghĩ rằng những sự chia sẻ một cách lặng lẽ từ tấm lòng rộng mở của mỗi nhà hảo tâm luôn như những ngọn lửa kỳ diệu góp phần sưởi ấm những số phận kém may mắn hôm nay. Quỹ Nhân ái của báo nhận được rất nhiều ủng hộ từ hàng triệu tấm lòng bạn đọc bởi chúng tôi làm việc với nguyên tắc “một đồng của bạn đọc “đến” quỹ là một đồng “đi” đến đúng hoàn cảnh cần được giúp đỡ”.

Mỗi sự giúp đỡ, chúng tôi đều thông báo công khai hàng ngày trên báo, không trích trừ bất cứ phần nào cho hoạt động quản lý, vận hành. Hiện nay, trung bình, số tiền bạn đọc trong nước và từ nước ngoài gửi tới Quỹ Nhân Ái của báo mỗi tháng khoảng trên dưới 3 tỷ đồng. Ngoài việc góp tiền giúp các hoàn cảnh khó khăn, đến nay bạn đọc của báo cũng đã góp xây dựng được hơn 10 cây cầu mang tên DânTrí, trên 50 nhà tình nghĩa, rất nhiều phòng học ở vùng sâu, vùng xa, và cùng góp nhiều tiền chia sẻ tiếp sức cho ngư dân bám biển…

Ông Phạm Huy Hoàn cùng các cháu học sinh dự Lễ khánh thành cầu Dân trí ở Hậu Giang


+ Có một điều thú vị tôi được biết, ông là người đã đặt tên cho rất nhiều em bé. Câu chuyện này là sao thưa ông?

– Có lẽ đó cũng là một trong những niềm vui lớn trong cuộc đời làm báo của tôi. Tôi không phải là người sinh ra những đứa trẻ nhưng lại là người may mắn được đặt tên cho hàng chục cháu sơ sinh bị bỏ rơi. Nhiều phóng viên trên đường hoạt động báo chí đã phát hiện và viết về những đứa bé bị bỏ rơi lúc mới chào đời, khi thì ở thùng rác, khi thì ở cổng chùa, khi bị thả thùng xốp trôi sông… Nhiều lần biết được thông tin đó, chúng tôi đến thăm tặng quà cho các cháu, hoặc mang tiền bạn đọc giúp đỡ tới những nơi đón nhận chăm sóc các cháu.

Tại đây nhiều khi chúng tôi được gợi ý đặt tên cho các bé để có thể cùng bạn đọc chăm sóc cho tới khi các cháu trưởng thành. Chúng tôi thường đặt tên bắt đầu bằng chữ “Nhân” vì cháu đầu tiên bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh được tôi đặt tên là Bé Nhân Ái. Từ đó, các em của Nhân Ái lần lượt được đặt tên bắt đầu bằng chữ Nhân như: Nhân Văn, Nhân Nghĩa, Nhân Đạo, Nhân Đức, Nhân Tâm, Nhân Hậu… Nhìn sự lớn lên từng ngày của các cháu, tôi càng thấy ý nghĩa cao đẹp của những tấm lòng nhân ái từ đông đảo các bạn đọc báo đã và đang góp phần hàng ngày thắp lên trên môi các em những nụ cười vô tư trong sáng của tương lai…

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Lê Huệ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh