THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:28

Ông Nguyễn Chấn mong muốn hàng ngàn nhân viên không bị mất việc làm

Mới đây, ông Nguyễn Chấn gửi đơn cầu cứu gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong đơn cầu cứu ông Chấn viết: "Tôi là chồng của bà Trần Thị Hường (thường gọi là Tư Hường). Vợ chồng tôi đã sáng lập nên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Ngân hàng Nam Á) và Tập đoàn Hoàn Cầu.Tùy vào từng giai đoạn kinh doanh, vợ chồng tôi sẽ phân công các con luân phiên hỗ trợ điều hành hoạt động của Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á".

Dân việt đưa tin, liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Chấn (96 tuổi, ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh) - người sáng lập Ngân hàng Nam Á và Tập đoàn Hoàn Cầu và một số cá nhân khác tố cáo ông Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cấu kết với một số người chiếm đoạt tài sản của ông Chấn là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp tại ngân hàng TMCP và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hoàn Cầu, vừa qua, ông Chấn tiếp tục có đơn tố cáo và kêu cứu gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với nội dung mong muốn những người có hành vi chiếm đoạt số tài sản trị giá khoảng 30.000 tỷ của gia đình ông sớm bị khởi tố bị can, bắt giam và bị trừng trị thích đáng.

Ông Nguyễn Chấn mong muốn hàng ngàn nhân viên không bị mất việc làm - Ảnh 1.

Ông Chấn cho biết, vợ chồng ông sinh được 10 người con. Sau khi các con kết hôn, lập gia đình, vợ chồng ông đều tạo điều kiện tốt nhất để các con có được sự nghiệp riêng cho gia đình nhỏ của mình. Tùy vào từng giai đoạn kinh doanh, vợ chồng ông sẽ phân công các con luân phiên hỗ trợ điều hành hoạt động của Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á.

Năm 2016, bà Tư Hường lâm trọng bệnh, không còn đủ sức khỏe để theo dõi mọi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á. Ông Chấn cũng hoàn toàn tập trung việc chạy chữa bệnh cho vợ, nên cũng không còn thời gian, tâm trí để theo dõi việc kinh doanh.

Đồng thời, do tin tưởng con trai thứ Nguyễn Quốc Toàn, vợ chồng ông Chấn đã trao quyền điều hành Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á. Tuy nhiên, theo ông Chấn, vợ chồng ông chỉ trao quyền điều hành chứ không trao quyền sở hữu Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á cho Nguyễn Quốc Toàn. Đồng thời, vợ chồng ông Chấn cũng yêu cầu ông Toàn phải điều hành hoạt động kinh doanh đúng định hướng của vợ chồng ông.

Ngày 13/5/2017, bà Tư Hường qua đời. Sau khi hoàn tất việc tang chay của vợ, vào khoảng cuối năm 2017, ông Chấn đã nhiều lần dặn ông Toàn hệ thống và cập nhật lại các hoạt động kinh doanh Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á để ông được biết, cũng như có hướng kinh doanh phù hợp hoàn cảnh.

Ông Toàn hứa nhiều lần nhưng không có bất kỳ chia sẻ, cập nhật kết quả hoạt động kinh doanh nào với ông Chấn, mà còn hành động tận cùng của hiếu đạo là đuổi ông Chấn ra khỏi căn nhà số 141 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Đây là căn nhà vợ chồng ông Chấn tạo lập, sinh sống hơn 20 năm qua.

Ông Nguyễn Chấn mong muốn hàng ngàn nhân viên không bị mất việc làm - Ảnh 2.

Cũng theo nội dung đơn, ông Chấn cho biết thêm, ngày 25/7/2018, bà Nguyễn Thị Liệu (sinh năm 1990, trú tại thôn Trường An, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cùng một số cá nhân, đã đột nhập vào căn nhà 141 Võ Văn Tần để mở tủ két sắt lấy đi toàn bộ hồ sơ tài sản của vợ chồng ông. Các hồ sơ giấy tờ này gồm: Giấy tờ có giá: cổ phiếu Ngân hàng Nam Á, cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam phát hành; Các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp và cá nhân; cùng nhiều hồ sơ pháp lý, hồ sơ dự án, hồ sơ đầu tư, hồ sơ tài chính quan trọng của các công ty trong hệ thống Tập đoàn Hoàn Cầu; Các loại văn tự nhận nợ, giấy cam kết, giấy xác nhận của những người đứng tên giùm tài sản, đứng tên giùm cổ phần, phần vốn góp công ty; Các loại Giấy ủy quyền, Hợp đồng mua bán, Hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cổ phần, phần vốn góp trong công ty...

Sau đó, ông Nguyễn Quốc Toàn đã cấu kết với ông Phan Đình Tân (sinh năm 1954, trú tại 27A Bàn Cờ, phường 3, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh), ông Dương Tiến Dũng (sinh năm 1954; trú tại 129/2 Bình Quới, Phường 27, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, cha ruột Á hậu Dương Trương Thiên Lý), Nguyễn Thị Liệu; Ban Lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh, giả mạo giấy tờ pháp lý để thực hiện việc chiếm dụng, sang tên cổ phần và mua bán, chuyển nhượng các bất động sản.

"Tổng giá trị tài sản Nguyễn Quốc Toàn và nhóm người nói trên chiếm đoạt bằng cách giả mạo giấy tờ và chữ ký của các bên ước tính gần 30.000 tỷ đồng. Giá trị tài sản không nhỏ và cả một đời gắng công tạo dựng và tằn tiện của vợ chồng mà có, nguy hại hơn của sự việc là Nguyễn Quốc Toàn và nhóm người này đang thao túng làm ảnh hưởng đến ngành tài chính nói chung và Tập đoàn Hoàn Cầu, Ngân hàng Nam Á nói riêng", ông Chấn chia sẻ trong đơn.

Trước đó ngày 20/6, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 36/QĐ-C01-P4 để điều tra về hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, căn cứ theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự.

Theo báo Thương hiệu và Công luận, phân tích về quy trình tố tụng của vụ án, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết: "Được biết, hiện Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án. Việc khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Đây là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra. Khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ như: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân... Từ tài liệu điều tra thu thập được, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội phạm.

Trong vụ việc này là căn cứ vào tố cáo của ông Nguyễn Chấn và một số cá nhân liên quan, cùng với tài liệu điều tra thu thập được nên cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự, nên khởi tố vụ án, vào ngày 20/6/2019".

Căn cứ Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thời hạn điều tra được quy định như sau:

1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.

Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

3. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

"Có thể cấm xuất cảnh những người liên quan"

Theo luật sư Bình, có thể thấy vụ án nói trên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tính đến thời điểm này thì thời hạn điều tra vụ án chưa hết và cũng chưa được gia hạn lần nào nên Cơ quan điều tra chưa thể kết luận được là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc ông Chấn mong muốn sớm khởi tố bị can, bắt giam những người liên quan cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây có nhiều thông tin cho rằng một số người liên quan tới vụ án đã không còn ở nơi cư trú nữa.

Luật sư bình cho biết thêm, trước khi khởi tố bị can, bắt giam những người liên quan tới vụ án thì cơ quan điều tra có thể cấm xuất cảnh đối với những người này.

Cụ thể, theo điều 21 văn bản hợp nhất Nghị định số 07/VBHN-BCA ngày 31/12/2015 quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

Cũng theo luật sư, những tình tiết quan trọng để điều tra làm rõ vụ án này là sự chuyển dịch của dòng tiền. Nếu như có việc chuyển nhượng cổ phần/ cổ phiếu thì phải có dòng tiền từ người nhận chuyển nhượng trả cho người chuyển nhượng. Thứ 2 là chi tiết chiếc két sắt bị mở lấy trộm hồ sơ, cơ quan điều tra cần mở chiếc két sắt này để điều tra làm rõ…


PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh