THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:10

“Ông Chiêng phát thanh”

Nói về câu chuyện bén duyên “nhà đài di động” suốt hơn 20 năm, ông Phạm Ngọc Chiêng cho biết, năm tuổi 18, khi ấy đất nước đang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, ông tham gia Tổ Văn hóa Thông tin huyện Triệu Sơn, làm công tác thông tin trực chiến bảo vệ sân bay Sao Vàng. Có lẽ, đó là cơ duyên ban đầu để ông biết đến công việc truyền tải thông tin.

Ông Phạm Ngọc Chiêng

Ông Phạm Ngọc Chiêng

Năm 1971, ông Chiêng lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào, mặt trận Đông Nam bộ, các trận đánh từ Buôn Mê Thuột đến đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông xuất ngũ về quê với chế độ thương binh. Trở về quê hương, với bản lĩnh người lính, ông đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2000, khi kinh tế gia đình ổn định, con cái đều trưởng thành, ông đứng ra nhận làm Trưởng Đài phát thanh cho xã Dân Lực, tự sản xuất ra những bản tin hàng ngày để đọc cho nhân dân trong thôn, xã nghe. Nhận thấy tuyên truyền qua hệ thống loa không phủ sóng hết được mà phải đi đến từng xóm nhỏ mới hiệu quả, nên năm 2002 ông Chiêng đã bỏ tiền túi đầu tư loa đài, máy phát, dùng chiếc xe máy cũ đi tuyên truyền luật giao thông trong xã, trong huyện. Năm 2014, ông xin nghỉ hẳn công việc ở Đài phát thanh xã để dành nhiều thời gian đi tuyên truyền hơn.

Ông Phạm Ngọc Chiêng trong những lần đi tuyên truyền trên các tuyến đường ở huyện Triệu Sơn

Ông Phạm Ngọc Chiêng trong những lần đi tuyên truyền trên các tuyến đường ở huyện Triệu Sơn

“Nhà gần đường lớn, xe đi lại đông, lại thường xuyên chứng kiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến không ít gia đình mất đi người thân, tôi rất thương tâm. Trong 10 năm đầu tôi chủ yếu tuyên truyền về công tác an toàn giao thông. Từ năm 2002 đến nay, tôi đã đi tuyên truyền khắp các xã trong huyện, thỉnh thoảng đi tuyên truyền trong tỉnh. Ban đầu công việc tuyên truyền có nhiều khó khăn như nội dung còn hạn hẹp, cách viết chưa thông thạo. Được cái thuận tiện là các cơ quan, ban, ngành, nhất là Công an huyện Triệu Sơn, Công an xã Dân Lực phối hợp cung cấp đầy đủ hồ sơ, văn bản pháp quy để từ đó tôi biên tập lại... Một số người dân lúc đầu chưa hiểu chuyện, cho rằng tôi vô công rỗi nghề, gàn dở, việc nhà không lo lại đi lang thang làm chuyện chẳng giống ai, nhưng đa số người dân hiểu chuyện đều tán thưởng. Để công việc hiệu quả, tôi thường tuyên truyền ở những nơi đông người như ngã ba, ngã tư, chợ, rồi đi đến các xóm, ngõ… “Mưa dần thấm lâu”, bà con nghe nhiều nên nâng cao được ý thức chấp hành luật giao thông, nhất là các cháu thanh niên, nên số vụ tai nạn giao thông giảm đáng kể. Ngày thường thì tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông. Dịp Tết thì tuyên truyền không sử dụng pháo; hay soạn bài tuyên truyền cho các ngày giải phóng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam, Quốc khánh… Sau này, để đa dạng hơn, tôi còn làm các bản tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động, về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi đã tìm hiểu, biên soạn thêm tài liệu phòng, chống dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan… Có những văn bản dài 7 - 8 trang, để bản tin truyền tải sâu tới người dân, các tài liệu, quy định pháp luật tôi biên tập lại thật ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu sau đó tôi đọc ghi âm vào điện thoại để đi phát thanh cho bà con…”, ông Chiêng chia sẻ.

Đều đặn, mỗi khi ông rời khỏi nhà là tiếng loa phát thanh của ông Chiêng lại vang lên. Ngày 3 buổi, không kể nắng, mưa. Mùa đông ông dành khoảng 10 tiếng đồng hồ, mùa hè khoảng 8 tiếng ngoài giờ hành chính, đặc biệt vào thứ 7, Chủ nhật ông dành cả ngày rong ruổi khắp các nẻo đường ở huyện Triệu Sơn để tuyên truyền cho bà con nhân dân.

Ông Phạm Ngọc Chiêng bên bảng thành tích được các cấp, ngành trao tặng

Ông Phạm Ngọc Chiêng bên bảng thành tích được các cấp, ngành trao tặng

“Có đợt, tôi phải nhập viện 3 tháng để mổ thận. Mặc dù đang trên giường bệnh, tôi vẫn nhận thông tin, tự đọc nội dung để đưa cho con trai đi tuyên truyền. Tôi còn nhớ có những ngày trời mưa, xe chở thiết bị nặng đến 80kg bị thủng xăm giữa đường. Xe nặng, sức thì có hạn không dắt đi được, bà con nhân dân, các cháu thấy vậy liền chở thợ đến vá xe giúp…”, ông Chiêng kể.

“Tôi chỉ mong sao sau mỗi thông điệp tuyên truyền của mình, người dân chấp hành, nâng cao ý thức hơn, số vụ tai nạn giao thông vì thế mà giảm đi. Tuổi đã cao, nhiều lần đi xe bị ngã nhưng tôi sẽ vẫn cố gắng hết sức để tiếp tục công việc, khi nào không đi nổi nữa thì mới dừng lại…”, ông Chiêng chia sẻ.

Trong suốt hơn 20 năm đi gõ cửa tuyên truyền từng xóm, từng xã trong huyện, sự đóng góp miệt mài của ông Chiêng không chỉ nhận được tình cảm yêu mến của người dân địa phương mà còn được các cấp, ngành ghi nhận. Năm 2009, ông Chiêng giành giải Nhất cuộc thi nông dân với an toàn giao thông do huyện Triệu Sơn tổ chức. Ông Chiêng đã vinh dự được Công an tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là mô hình tiên tiến trong phong trào vì an ninh tổ quốc, được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân Bảo vệ an ninh tổ quốc giai đoạn 2006 - 2016. Ngoài ra, ông còn vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam; Giấy khen của huyện, xã…

Để hỗ trợ cho việc làm thiết thực của ông, UBND huyện Triệu Sơn đã trao tặng 24,5 triệu đồng để ông Chiêng sắm bộ loa đài mới. Năm 2017 ông được Công an tỉnh Thanh Hóa tặng chiếc xe máy làm phương tiện đi tuyên truyền…

Nhiều người nói ông dỗi hơi, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng vợ, con thấy việc ông làm có ý nghĩa cho xã hội nên luôn động viên ông. “Tôi cũng lo bởi ông tuổi đã cao mà suốt ngày đi trên đường. Nhưng thấy việc làm của ông ấy thật có ý nghĩa cho xã hội nên luôn động viên ông làm cho tốt. Gia đình tôi tự hào về ông”, bà Đỗ Thị Oanh (vợ ông Chiêng) nói.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Dân Lực cho biết: "Bao nhiêu năm qua, ông Chiêng làm công tác tuyên truyền hoàn toàn tự nguyện mà không đòi hỏi một chế độ gì. Ông làm bởi cái tâm của một người lính bộ đội Cụ Hồ. Ông là tấm gương điển hình, luôn tận tình cống hiến hết mình vì xã hội. Việc làm của ông Chiêng vô cùng có ý nghĩa khi đã giúp cho hệ thống tuyên truyền của địa phương thêm phần phong phú, qua đó người dân nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giảm thiểu tệ nạn xã hội, giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông…”.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh