Ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đảm bảo quyền, lợi ích cho người lao động
- Bài thuốc hay
- 15:19 - 10/08/2021
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 13/ 11/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Có thể nói Luật được thông qua đã tạo ra tính minh bạch thông tin, góp phần thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. So với Luật cũ năm 2006 (còn gọi là Luật số 72), một trong những điểm nhấn của Luật mới là tạo điều kiện để người lao động tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin tuyển dụng, Luật yêu cầu doanh nghiệp phải công khai minh bạch các thông tin tuyển dụng trên website; tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp; cấm đưa thông tin sai sự thật; doanh nghiệp chỉ được thu phí dịch vụ, Luật không cho phép thu phí môi giới của người lao động. Điều này góp phần giảm chi phí cho người lao động, tăng tính minh bạch trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Luật cũng thắt chặt quản lý và nâng cao điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Luật lần này cũng mở ra cơ hội cho người lao động được đi làm việc ở nước ngoài ngắn hạn theo thỏa thuận giữa các địa phương của 2 nước (trước đây, một số địa phương đã triển khai thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ ở Hàn Quốc và đã đạt được kết quả khả quan).
Tuy nhiên, 2 năm nay, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Để ứng phó trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước tiếp nhận lao động, với Cơ quan đại diện ngoại giao, chỉ đạo các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp và tổ chức sự nghiệp theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trước những ảnh hưởng của dịch bệnh và tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ; kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài an toàn trong điều kiện dịch bệnh chưa chấm dứt và các nước/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động thường xuyên điều chỉnh các quy định về tiếp nhận lao động nước ngoài nằm đối phó với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Với tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn với hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm nay, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thể chế, xây dựng dự thảo trình Bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tổ chức đưa người lao động hết hạn hợp đồng về nước theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như kịp thời thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp tại các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.
Đồng thời, tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; từng bước nâng cấp cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ổn định thị trường lao động ngoài nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...