Ổn định thị trường, đảm bảo đời sống người dân
- Tây Y
- 10:39 - 18/11/2021
So với đầu năm, giá xăng dầu đã tăng khoảng 30%. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị hàng hóa, dịch vụ. Việc giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tạo áp lực tăng giá lên hầu hết các sản phẩm, dịch vụ, thúc đẩy mặt bằng giá cả thị trường tăng cao. Cùng thời điểm, giá nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất như xi măng, sắt thép, một số loại lương thực... cũng đồng loạt tăng giá. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thường có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên cung cầu.
Hiện một số loại mặt hàng tiêu dùng cũng đã tăng giá từ 6 - 12%. Đơn cử như nhóm hàng hóa mỹ phẩm, đây là mặt hàng vẫn bán tốt trong dịch nên đã điều chỉnh từ giữa tháng 10 với mức tăng 6 - 12%. Cá biệt nhiều hãng, để giảm cảm giác tăng giá quá nhiều, đã kết hợp vừa điều chỉnh giá vừa giảm kích thước, trọng lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nguồn lao động cũng là nguyên nhân khiến giá cả nhiều mặt hàng có thể sẽ tăng giá đáng kể thời gian tới.
"Trong suốt mùa dịch, các doanh nghiệp này đã nỗ lực không tăng giá đồng nào, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Nhưng bước vào tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuấn rất lớn", bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Theo các nhà bán lẻ, với vai trò trung gian đưa hàng hóa đến người dùng, không ít hệ thống bán lẻ đang phải đối diện với lựa chọn tạm ngưng nhập hàng có mức tăng giá quá cao hoặc chấp nhận giá mới và chuyển sang người tiêu dùng.
Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng những tháng mà hàng chục tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội đã giảm kỷ lục. Chính vì sức mua không có nên khiến lạm phát được giữ ở mức thấp. Đó cũng là lý do khiến giá xăng dầu dù tăng sốc nhưng chưa phản ánh hết được vào giá cả hàng hóa, dù rằng với người dân, doanh nghiệp, “sức nóng” của giá xăng dầu đã phả hầm hập vào đời sống cũng như sản xuất.
Phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, trong tổ chức điều hành Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực. Thống đốc cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay có thể đạt được (lạm phát đến hết tháng 10 là 1,81%). Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.
Đó là một cảnh báo mang tính thực tế cao, bởi hiện nay, tại các nước phát triển, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Lạm phát tại Mỹ trong tháng 9 tăng 5,3%.
Vì vậy, một trong những nhiệm vụ giai đoạn tới là cần duy trì tính ổn định của giá cả thị trường ở mức tương đối trong những tháng cuối năm 2021, đầu 2022. Mặc dù hầu hết các địa phương đã bước sang giai đoạn "bình thường mới", hoạt động sản xuất - kinh doanh đã từng bước được khôi phục. Nhưng nhìn chung, mặt bằng thu nhập của người dân đã giảm sút rất mạnh, nếu giờ phải tiếp tục đối diện với tình hình giá cả leo thang thì đời sống người dân sẽ hết sức khó khăn.