CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:34

Chuyện ghi ở tâm dịch: Sài Gòn dè dặt bước vào "bình thường mới"

Như vậy sau 123 ngày - kể từ ngày 31/5, khi TP. Hồ Chí Minh chính thức áp dụng Chỉ thị 15 chống dịch (riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 áp dụng Chỉ thị 16), trạng thái “bình thường mới” chính thức được áp dụng với các tiêu chí vừa được UBND thành phố ban hành, có hiệu lực từ 18 giờ ngày 30/9.

  Những tháng qua, thành phố đã trải qua nhiều "tầng nấc" giãn cách xã hội từ thấp đến cao. Đến ngày 9/7, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 cho toàn địa bàn và đỉnh điểm là từ ngày 23/8 đến cuối tháng 9, thành phố áp dụng tăng cường giãn cách với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở yên đó".

  Đi trên những con đường không còn rào chắn, chốt chặn, chị Thanh Trúc, chuyên viên ngoại thương của một doanh nghiệp đã rất xúc động. Những tháng dài ở yên trong nhà, lắng tai nghe ngóng xem hàng xóm quanh mình có ai trở thành F0, lo lắng cho bản thân và những người trong gia đình đã khiến chị (cũng như bao người dân Sài Gòn) hình thành một "phản xạ" đặc biệt, đó là luôn tìm cách dựng một "rào chắn" ngay xung quanh bản thân và gia đình. Mọi tiếp xúc trực tiếp với người khác - kể cả những hành xóm vốn thân thiết, đều bị coi là nguy cơ.

Các tiệm sửa xe đông đúc sáng 1/10 vì rất nhiều xe máy bị trục trặc sau mấy tháng không hoạt động.

Các tiệm sửa xe đông đúc sáng 1/10 vì rất nhiều xe máy bị "trục trặc" sau mấy tháng không hoạt động.

  "Thành phố đã tổ chức rất nhiều đợt xét nghiệm diện rộng. Cứ mỗi lần xét nghiệm thấy mình còn "1 vạch" thì mới dám... thở, tạm yên tâm. Nhưng tâm trạng nặng nề, đầy sợ hãi đeo bám khiến mình cũng như mọi người cảm thấy bất an. Vì vậy, khi thành phố chuyển sang trạng thái "bình thường mới", những thói quen đã hình thành mấy tháng qua vẫn còn ăn sâu trong tâm trí. Phản xạ tự nhiên của tôi là luôn có xu hướng muốn tránh xa những người khác, càng xa càng tốt. Vẫn biết những ngày tới, tôi sẽ có những cuộc gặp gỡ, họp hành với công ty để tiến hành tái khởi động doanh nghiệp. Những "phản xạ có điều kiện" này có thể khiến công việc gặp khó khăn nhưng có lẽ khó có cách nào khác để dung hòa. Bởi chỉ cần một sơ suất là không chỉ bản thân mà cả gia đình mang họa", chị tâm sự.

  Còn anh Ngô Văn Diễn hành nghề môi giới bất động sản, nhà ở phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức, từ sáng sớm đã chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp dòng tin nhắn: "Ra đường, được nghe âm thanh của xe cộ, thấy dòng người ngược xuôi, cảm thấy như bao nặng nề đè nặng suốt mấy tháng qua được rũ bỏ. Cửa đã mở, lên đường thôi!".

Các tiệm hớt tóc đều quá tải, nhiều khách nhận lịch hẹn 3 - 4 ngày sau quay lại.

Các tiệm hớt tóc đều quá tải, nhiều khách nhận lịch hẹn 3 - 4 ngày sau quay lại.

  Anh cho biết, suốt những tháng giãn cách xã hội, anh cùng các đồng nghiệp buộc phải ngừng lại mọi công việc. Không có thu nhập, cuộc sống gia đình trở nên khó khăn. Nghỉ việc kéo dài, những mối mang làm ăn đều bị "đứt gãy". Nhưng đó không phải là tất cả những gì mà anh cũng như các đồng nghiệp phải đối mặt. Dịch bệnh bùng phát kéo dài, nhịp sống của cả thành phố đình trệ khiến thị trường bất động sản khó đoán định. Những môi giới như anh cảm thấy mất phương hướng trong ngày đầu quay trở lại với công việc. "Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu vì quá nhiều việc cần phải làm, quá nhiều điều cần nắm bắt lại và nhất là không biết xu hướng của thị trường những ngày tới sẽ ra sao", anh chia sẻ.

  Không riêng bất động sản, nhiều ngành kinh tế khác cũng trong trạng thái tương tự sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Sáng 1/10, hầu hết phòng giao dịch ngân hàng đều rất đông khách. Chị Hoài Hương, nhân viên phòng giao dịch An Phú, Ngân hàng ACB cho biết, lượng khách tăng đột biến khi rất nhiều người đến rút tiền. Họ chia sẻ "thật tình" là phải nghỉ việc ở nhà quá lâu nên tiền dự trữ đã cạn, giờ phải ra rút tiền tiết kiệm để chi tiêu cho những ngày tới. Dẫu sao, họ vẫn là những người may mắn vì còn có một chỗ dựa tài chính, trong khi rất nhiều người khác chỉ mong sớm có việc làm để trang trải cuộc sống bởi những gì dành dụm được đều đã cạn kiệt từ lâu...

Sáng 1/10, đường phố Sài Gòn trở lại nhộn nhịp nhưng không quá đông đúc vì thành phố chủ trương không mở cửa ồ ạt.

Sáng 1/10, đường phố Sài Gòn trở lại nhộn nhịp nhưng không quá đông đúc vì thành phố chủ trương "không mở cửa ồ ạt".

  Tương tự, các tiệm sửa xe máy và tiệm hớt tóc đều rất đông khách. "Sau mấy tháng trời không đụng đến cái xe, sáng nay dắt xe định đi làm thì nó... chết cứng. Đành phải đưa ra tiệm nhưng khách đông quá, xe ai cũng "trục trặc" vì lâu ngày không sử dụng", anh Ngọc Ứng, cán bộ đơn vị truyền thông cho biết. Đi dọc một tuyến đường ở TP. Thủ Đức, với hơn chục tiệm sửa xe, tiệm nào cũng có hơn 10 chiếc dựng ngổn ngang, cả thợ lẫn chủ đều làm không ngơi tay...

  Những tiệm hớt tóc thì thực sự "quá tải". "Tiệm tôi có 3 thợ mà có hơn trăm khách gọi điện đặt chỗ, không biết 3 - 4 ngày có "xử lý" hết không", anh Đức Khải, chủ một tiệm hớt tóc ở phường An Khánh, TP. Thủ Đức cho biết. Để đảm bảo an toàn cho khách, các thợ của tiệm anh Khải (cũng như nhiều tiệm khác) đều mặc đồ bảo hộ khi làm việc.

  Cũng từ ngày 1/10, hệ thống siêu thị đã đón khách trở lại, trong khi một số chợ truyền thống cũng rục rịch mở cửa. Nhiều tiểu thương vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp tới sẽ lại được buôn bán nhưng lo vì dịch bệnh vẫn rình rập xung quanh. Họ dặn nhau vừa làm ăn nhưng cũng phải vừa tự bảo vệ bản thân và gìn giữ cho cộng đồng...

  TP. Hồ Chí Minh "không ồ ạt mở cửa" mà sẽ mở từng bước để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó. Dần đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới”, như lời ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

VIỆT HÙNG

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh