Omicron - Delta: Trận chiến sống còn giữa các biến thể COVID-19
- Y học 360
- 14:40 - 07/12/2021
Báo Tin tức của TTXVN đưa tin, theo AP, khi biến thể Omicron lây lan ở miền nam châu Phi và xuất hiện ở một loạt quốc gia trên thế giới, các nhà khoa học đang lo lắng theo dõi một trận chiến diễn ra có thể quyết định tương lai của đại dịch COVID-19. Liệu đối thủ cạnh tranh mới nhất của biến thể Delta đang thống trị thế giới có thể lật đổ nó không?
Một số nhà khoa học, đang nghiên cứu dữ liệu từ Nam Phi và Anh, cho rằng Omicron có thể là kẻ chiến thắng. Tiến sĩ Jacob Lemieux, người theo dõi các biến thể COVID-19 trong một hợp tác nghiên cứu do Trường Y Harvard dẫn đầu, cho biết: “Đây mới chỉ là những ngày đầu, nhưng ngày càng nhiều dữ liệu bắt đầu cho thấy biến thể Omicron có khả năng vượt trội hơn Delta ở nhiều nơi, nếu không phải tất cả”.
Tuy nhiên những người khác lại cho rằng còn quá sớm để biết khả năng lây lan của Omicron hiệu quả hơn Delta ra sao, hoặc nếu có, nó có thể thế chân đối thủ nhanh đến mức nào.
Ông Matthew Binnicker, Giám đốc virus học lâm sàng tại bệnh viện Mayo Clinic ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ), cho biết: “Đặc biệt là ở Mỹ, nơi chúng tôi vẫn đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể ở biến thể Delta, liệu Omicron có thay thế nó được không – đó là điều tôi nghĩ chúng ta sẽ biết trong khoảng 2 tuần nữa”.
Lúc này nhiều câu hỏi quan trọng về biến thể Omicron vẫn chưa được trả lời, trong đó có việc biến chủng virus này gây bệnh nhẹ hơn hay nặng hơn và mức độ nó có thể tránh được khả năng miễn dịch từ vaccine COVID-19 hoặc lần nhiễm bệnh trước.
Về vấn đề lây lan, các nhà khoa học đang chú ý tới những gì xảy ra ở Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được phát hiện. Các chuyên gia y tế lo ngại rằng quốc gia này đang ở giai đoạn đầu của một làn sóng mới có thể gây áp lực quá tải lên các bệnh viện.
Biến thể mới đã nhanh chóng đưa Nam Phi từ giai đoạn có mức độ lây truyền thấp, trung bình dưới 200 ca mắc mới mỗi ngày vào giữa tháng 11, lên hơn 16.000 ca mỗi ngày vào cuối tuần qua. Omicron chiếm tới hơn 90% số ca mắc mới ở tỉnh Gauteng, tâm chấn của làn sóng mới. Biến thể này cũng đang nhanh chóng lan rộng và thống trị tại 8 tỉnh khác của Nam Phi.
Một phụ nữ được tiêm vaccine COVID-19 tại Johannesburg, Nam Phi, ngày 6//12/2021. Ảnh AP
Giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế Châu Phi Willem Hanekom cho biết: “Biến thể Omicron đang lây lan cực kỳ nhanh, rất nhanh. Nếu bạn nhìn vào độ dốc của làn sóng mà chúng ta đang đương đầu vào lúc này, thì đó là độ dốc lớn hơn nhiều so với ba làn sóng đầu tiên mà Nam Phi đã trải qua. Điều này cho thấy rằng nó đang lây lan nhanh và do đó nó có thể là một biến chủng virus rất dễ lây lan”.
Nhưng ông Hanekom, đồng chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Các biến thể COVID-19 của Nam Phi, lại cho rằng: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói nó vượt trội hơn Delta”.
Liên quan đến vấn đề này, tạp chí Zing cho hay, trao đổi với Zing, giáo sư người Anh Peter Hunter nhận định virus sẽ tồn tại mãi nhưng Covid-19 sẽ trở thành bệnh cảm thường. Theo ông, giai đoạn đại dịch tồi tệ nhất đã trôi qua.
“SARS-CoV-2 sẽ tồn tại mãi nhưng căn bệnh (Covid-19) rồi cũng sẽ trở thành một nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường”, Peter Hunter, giáo sư y khoa thuộc Trường Y tế Norwich, Đại học East Anglia (Anh), trả lời Zing khi được hỏi về viễn cảnh đại dịch sẽ kết thúc như thế nào khi luôn thường trực nguy cơ xuất hiện biến chủng mới như Omicron.