Ðổi mới quản lý, điều hành để nâng cao chất lượng phục vụ
- Huyệt vị
- 15:33 - 17/11/2020
Đồng bộ, hiện đại
Trung tâm Điều hành xe buýt thông minh nằm tại tòa nhà 32 Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) là “đầu não” quản lý hơn 100 tuyến và nhánh tuyến với hơn 1.300 xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đang hằng ngày ngang dọc trên những cung đường Thủ đô. Điều đặc biệt là dù điều hành hàng nghìn xe buýt, nhưng với sự tích hợp đồng bộ công nghệ kết nối hiện đại, trung tâm điều hành này mỗi ngày chỉ có gần chục nhân sự được chia làm việc theo 2 khung thời gian: 5h - 14h và 14h - 22h30.
Anh Vũ Văn Hùng, cán bộ phụ trách công tác điều hành qua hệ thống giám sát hành trình cho biết, tất cả xe buýt đều được lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình, truyền dữ liệu trực tuyến về tình trạng hoạt động của xe tới trung tâm điều hành. Riêng đối với tuyến nhanh BRT còn có kết nối thông tin hình ảnh trên xe và hình ảnh tại các camera lắp đặt dọc hành lang tuyến.
Các màn hình tại đây liên tục hiển thị thông tin về vị trí của xe, tình trạng vận hành, tình trạng ùn tắc giao thông hay trạng thái hoạt động tổng quan của tất cả các tuyến buýt. Từ những thông tin này, nhân viên có thể dự đoán trước các xe buýt có đi vào những cung đường ùn tắc hay không.
Nếu các xe hoạt động trong tình trạng bình thường, biểu tượng xe sẽ hiện màu đỏ; nếu xe dừng lại lâu thì sẽ chuyển sang màu đen; những xe gặp phải tình trạng tắc đường thì màu sắc của xe sẽ tự động chuyển màu đen và có gắn sao vàng. Dựa trên sự phân tích của phần mềm, nhân viên trung tâm sẽ biết được trạng thái hoạt động của các xe và đưa ra quyết định điều hành tối ưu nhằm bảo đảm tốt dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm thông minh còn có chức năng giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm tiêu chí dịch vụ như: Không dừng đỗ đúng điểm, chạy sai lộ trình, xuất bến không đúng giờ, chạy quá tốc độ, mở cửa khi xe đang chạy.
Theo giải thích của các nhân viên điều hành, mỗi tuyến buýt sẽ được thiết lập hai đường hiển thị lộ trình trên màn hình: Chiều đi (màu xanh lá cây) và chiều về (màu xanh dương). Trong lộ trình đó, nếu biểu tượng xe nổi màu đỏ nghĩa là xe đang di chuyển, màu vàng là xe chạy sai lộ trình và màu tím là xe chạy quá tốc độ. Trên cơ sở đó, vi phạm tại bất kỳ tuyến buýt nào cũng bị phát hiện và thông tin sẽ được chuyển cho các đơn vị quản lý tuyến để xử lý kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thủy cho biết, là đơn vị chủ lực của thành phố trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, những năm qua, Transerco luôn xác định ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý điều hành xe buýt. Cụ thể, Transerco hiện đã áp dụng quy trình và phần mềm quản lý kết nối tất cả các mảng hoạt động của xe buýt - từ công tác quản trị nhân sự, lập kế hoạch, điều hành, nghiệm thu đến công tác quản lý kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện - nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, tăng hiệu quả công tác quản lý điều hành.
Thêm nhiều tiện ích cho hành khách
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thủy, cơ sở dữ liệu của hệ thống GPS có được đã tạo tiền đề cho Transerco nghiên cứu phát triển thành công thêm ứng dụng phần mềm hướng dẫn hành khách đi xe buýt (timbus.vn) trên website và ứng dụng trên các kho ứng dụng của smartphone dành cho cả hai hệ điều hành Androi và IOS... Đây là phần mềm công nghệ với nhiều tiện ích như: Tìm đường xe buýt, giúp người dùng dễ dàng chọn điểm đi, điểm đến và gợi ý lộ trình các tuyến buýt cần di chuyển; tính năng hiển thị các tuyến xe buýt sắp đến điểm dừng, khoảng cách, thời gian dự kiến tới điểm dừng; đăng ký làm vé tháng qua mạng, giao vé tận nhà; thông tin về sự thay đổi lộ trình, thay đổi dịch vụ, mở mới các tuyến xe buýt... Đến nay, hàng triệu người đã cài cặt phần mềm này và bình quân mỗi tháng có trên 5 triệu lượt người dùng để tìm kiếm, tra cứu thông tin xe buýt trên ứng dụng.
Đánh giá cao những tiện ích đem lại cho hành khách nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị vận hành buýt, Bùi Đức Anh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, trong số các tiện ích về công nghệ của xe buýt hiện nay, ứng dụng timbus.vn đặc biệt hữu ích đối với học sinh, sinh viên bởi nó thông minh, tiện dụng. Ví dụ, bạn đang đứng ở đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng) mà muốn tìm các tuyến buýt tới đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) thì chỉ cần vài thao tác nhanh gọn, phần mềm sẽ gợi ý cho bạn về tuyến buýt phù hợp. Trong quá trình di chuyển, thông qua hệ thống loa trên xe và bảng điện tử LED kết nối, hành khách sẽ biết được thông tin về điểm dừng tiếp theo trên lộ trình tuyến cũng như các thông tin về đơn vị vận hành, đường dây nóng để hành khách góp ý, phản ánh...
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, việc ra đời và phát triển của Trung tâm Điều hành xe buýt thông minh thuộc Transerco có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển xe buýt Thủ đô theo hướng hiện đại và văn minh, đồng thời giúp công tác quản lý vận tải công cộng hiệu quả hơn rất nhiều. UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông cũng như các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh.
Thực hiện nhiệm vụ này, trung tâm đã cùng các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ như: Triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT làm cơ sở nghiên cứu nhân rộng trên toàn mạng lưới buýt Thủ đô; phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai Dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội; triển khai thí điểm chốt chuyến lượt xe buýt bằng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) cho xe buýt... Có thể nói, những kết quả nói trên là rất đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào mục tiêu từng bước xây dựng giao thông thông minh cho Thủ đô.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội sẽ tập trung xây dựng khung kiến trúc cho hệ thống giao thông thông minh Hà Nội; xây dựng trung tâm giám sát điều hành thuộc hệ thống giao thông thông minh; xây dựng và hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu số hóa cho hệ thống giao thông thông minh (bao gồm nhiệm vụ tích hợp các cơ sở dữ liệu sẵn có và xây dựng các cơ sở dữ liệu còn thiếu về hạ tầng, phương tiện, người sử dụng); triển khai các nội dung cơ bản của hệ thống giao thông thông minh (gồm hệ thống thông tin giao thông, hệ thống quản lý điều hành vận tải công cộng, hệ thống quản lý điều hành giao thông và hệ thống giám sát xử lý vi phạm). Khi đó, xe buýt nói riêng và hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô nói chung sẽ thực sự “thông minh”, hấp dẫn hành khách và tạo động lực để ngày càng có thêm nhiều người dân từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân để sử dụng phương tiện vận tải công cộng.