THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:14

OceanBank tăng trưởng “thần tốc” từ khi nào?

Theo cáo trạng của VKSND tối cao mãi đến cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược của ngân hàng này, và thời điểm này ông Nguyễn Xuân Sơn - Tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) được PVN giới thiệu cử làm thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc OceanBank.

Tuy nhiên, theo bảng cân đối thể hiện trong báo cáo tài chính năm 2007 của OceanBank thời điểm 1/1/2007, tổng tài sản mới của ngân hàng này là 1.001 tỷ đồng nhưng tới 31/12 tổng tài sản có của OceanBank đã tăng đột biến lên tới 13.680 tỷ đồng (hơn 10 lần). Trong sự tăng trưởng đột biến này, đáng ngạc nhiên, có sự đóng góp từ 9570 tỷ đồng tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác.

Sau đó, giai đoạn (2009 - 2010), OceanBank có bước vào giai đoạn phát triển “thăng hoa” nhất. Cụ thể, trong năm 2008, tăng trưởng tổng tài sản của OceanBank rơi vào khoảng 1.600 tỷ đồng, đạt 14.091 tỷ đồng (31/12/2008), thì tới thời điểm 31/12/2009 đã vọt lên 33.784 tỷ đồng (31/12/2009), tức là tăng hơn 230% chỉ trong 12 tháng.

Về lãi, nếu như năm 2007 ngân hàng mới đạt lợi nhuận 97,4 tỷ đồng, sang năm 2008 – dù huy động tăng vọt – nhưng mức lợi nhuận cũng chỉ là 45,2 tỷ đồng. Sang năm 2009, lợi nhuận sau thuế đã đạt mức nhảy vọt: 227,3 tỷ đồng.

Tới năm 2010, tổng tài sản của OceanBank tiếp tục đạt mức tăng trưởng nóng, khi lên tới 55.138 tỷ đồng, với lợi nhuận tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước, lên mức hơn 520 tỷ đồng. Tới năm 2011 và 2012, đà tăng trưởng của OceanBank tiếp tục nhưng chậm dần, đáng lưu ý là hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh.

Tuy nhiên, kết thúc niên độ 2014, tổng tài sản của ngân hàng giảm sốc gần 24.000 tỷ đồng, xuống còn 43.088 tỷ đồng, báo cáo tài chính của OceanBank ghi nhận khoản lỗ khủng khiếp, lên tới 15.295 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/12/2014, chỉ riêng nợ có khả năng mất vốn của OceanBank đã vọt từ 600 tỷ (31/12/2013) lên tới 14.805 tỷ đồng.

Để xảy ra tình trạng này, đến ngày 06/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã phải quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm khai nhận đầu năm 2009 Nguyễn Xuân Sơn đặt vấn đề với Thắm về việc để huy động được tiền từ PVN, OceanBank cần chi thêm tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng/tổng số tiền gửi và giao cho Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần phải trao đổi chi tiết. Hà Văn Thắm tính toán mức chi thêm lãi suất này sẽ khoảng trên dưới 01%/năm/tổng số tiền gửi của các khách hàng doanh nghiệp dầu khí nên đã đồng ý.

Quả thực, sau đó số vốn OceanBank huy động được tăng một cách ấn tượng. Theo các báo cáo tài chính của OceanBank, trong giai đoạn ông Sơn nắm quyền Tổng giám đốc ngân hàng (2009 – 2010), tổng tiền gửi của khách hàng trong hai năm là gần 65.715 tỷ đồng.

Trong đó, tổng huy động vốn của năm 2009 (gần 23.377 tỷ đồng) là gấp 3,6 lần so với tổng huy động vốn của năm 2008 (gần 6412 tỷ đồng). Tương tự, tổng huy động vốn của năm 2010 (gần 42.338 tỷ đồng) gấp hơn 1,8 lần tổng huy động vốn của năm 2009.

Trong sự tăng trưởng huy động vốn cực kỳ ấn tượng này của OceanBank, không khó để nhận ra dấu ấn dòng tiền gửi tăng đột biến của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, năm 2010, tổng tiền gửi có kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của OceanBank tăng hơn 3 lần so với năm 2009 (28.503 tỷ đồng so với 9002 tỷ đồng).

Nếu như theo thỏa thuận giữa Thắm và Sơn về phần chi cho Sơn sẽ là 01%/năm/tổng số tiền gửi của các khách hàng doanh nghiệp dầu khí. Vậy, trong tổng số tiền gửi của khách hàng trong hai năm (2009 - 2010) là gần 65.715 tỷ đồng thì số tiền mà OceanBank huy động được từ các doanh nghiệp dầu khí là bao nhiêu? Và con số này có trùng khớp với con số gần 69,4 tỷ đồng mà cơ quan điều tra cho rằng đây chính là số tiền mà BSC chi cho Sơn để chi “chăm sóc khách hàng” hay không?

HUYỀN NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh