THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:25

Ô nhiễm môi trường: Hậu quả của sự phát triển “nóng”

Ô nhiễm môi trường đã vượt ngưỡng

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hiện cả nước có 283 khu công nghiệp, 615 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 5.000 làng nghề, hơn 13.500 cơ sở y tế, hơn 2 triệu ô tô, 40 triệu xe gắn máy, hơn 36 triệu gia súc, gia cầm, hơn 1 triệu ha nuôi trồng thủy sản...

Hàng năm cả nước phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Mỗi năm có hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó có 80% sử dụng sai mục đích, không đúng kỹ thuật; 50%-70% số hóa chất này không được cây trồng hấp thụ, thải ra môi trường; phát sinh 76 triệu tấn rơm rạ, 85-90 triệu tấn chất thải chăn nuôi, 80 triệu tấn khí thải...

Ngoài ra, hiện trên cả nước vẫn tồn tại nhiều loại hình sản xuất công nghệ thấp, gây ô nhiễm lớn. Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, qua kiểm tra, trên toàn quốc vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiệm trọng kéo dài, 268/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường năm 2011 là 45,9% và năm 2015 là 24,5%.Cũng trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016, Bộ TN&MT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra đối với 4.121 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, phát hiện và xử phạt với số tiền 226 tỷ đồng.

Cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động, nhưng mới chỉ có 212 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Số còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra 137 cơ sở có nước thải trên 200m3 trở lên thì có ít nhất 60% cơ sở vi phạm hoặc có hạ tầng nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Riêng với hoạt đồng của làng nghề, hiện nay cả nước có hơn 4.500 làng nghề sản xuất nhưng hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

 

Ô nhiễm môi trường đang trở thành "gánh nặng" của sự phát triển

 

“Vi phạm đối với môi trường diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương khi nhận thức và tư duy bảo vệ môi trường chưa thành thói quen hoặc vì lợi ích kinh tế, cuộc sống nhân sinh bất chấp tất cả, kể cả việc hủy hoại nguồn sống.  Đến nay, vẫn còn có cấp ủy, chính quyền có tư tưởng ưu tiên tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ thậm chí bỏ qua yêu cầu bảo vệ môi trường.  Sự trả giá sẽ giành cho nhiều thế hệ”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh, nếu môi trường có ngưỡng, thì hiện tại đối với Việt Nam, ngưỡng đó đã là quá tải và không thể chịu hơn được nữa. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, chúng ta phải có đánh giá, nhìn thẳng vào sự thật khi môi trường chính là áp lực và thách thức sống còn.

Cần lựa chọn mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nguyên nhân dẫn tới các sự cố ô nhiễm môi trường trong thời gian qua là do Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển “nóng." Trong khi, nhiều khu-cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. 

Thời gian qua đã xảy ra sự cố môi trường lớn, tác động trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng Tư vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thuỷ, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch...

 “Đã đến lúc chúng ta không thể đi theo mô hình phát triển cũ. Trước đây, phát triển kinh tế trong bảo vệ môi trường, nhưng bây giờ phải bảo vệ môi trường trong phát triển, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược, quy hoạch. Bởi vậy, cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế các bon thấp, đó cũng là khẳng định mối quan hệ cơ cấu giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó ngành công nghiệp môi trường rất được nhấn mạnh” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cũng cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá sản phẩm và danh mục công bố công khai các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm lớn để có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể xảy ra…

 

Cần giáo dục cho lớp trẻ ý thức bảo vệ môi trường

 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu phát triển mang tính bền vững trong tương lai chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.Trước hết, phải phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật liên quan phải định hướng cho một giai đoạn phát triển bền vững. Khi mời gọi đầu tư, kiểm soát công nghệ, kiểm soát môi trường phải được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, thì hoạt động thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý cũng phải song hành.

Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị thì, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội cần phải được gắn với bảo vệ môi trường bền chặt. Lâu nay một số địa phương, một số cơ sở sản xuất chưa thật sự quan tâm về môi trường,  vì quá mải chạy theo kinh tế mà xem nhẹ công tác giám sát, thanh, kiểm tra. Nhiều vụ việc xảy ra thời gian gần đây đang làm xói mòi lòng tin của xã hội, đã trở thành bài học quá lớn, ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ người dân. “Riêng với môi trường, việc siết chặt công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra sẽ không bao giờ là muộn. Theo tôi, chúng ta cần khung pháp lý, xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá tác động môi trường theo tinh thần chặt chẽ, nghiêm khắc, phải coi lợi ích của người dân là trên hết” - ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh