Hà Nội: Tập trung xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường
- Tây Y
- 13:05 - 16/10/2016
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội luôn được thành phố quan tâm và có giải pháp xử lý kịp thời. Thời gian qua, thành phố đã tiếp nhận dự án quản lý chất lượng không khí trên địa bàn do Chính phủ Pháp tài trợ; thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động; đồng thời, tiến hành rà soát cơ sở hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường để áp dụng cơ giới hóa trong công tác vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, thành phố đang tiếp tục tập trung hoàn thành hồ sơ đặt hàng năm 2016, về công tác duy trì vệ sinh môi trường và công tác quản lý vận hành các khu xử lý chất thải, nhà máy xử lý chất thải theo đúng tiến độ. Tổ chức vận hành tốt các khu xử lý rác như khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn.
Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của các quận và thị xã Sơn Tây được thu gom và xử lý đạt khoảng 98%; trong đó, bốn quận nội thành cũ được thu gom và xử lý theo quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn 17 huyện đạt 87%.
Hà Nội đã triển khai thí điểm tăng cường cơ giới hóa công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, giúp giảm được 44/44 xe gom không tham gia thu rác nhà dân từ 19-22 giờ; giảm 3/6 điểm tập kết xe gom. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác ra đường, thực hiện đổ rác đúng giờ diễn ra thường xuyên, nghiêm túc.
Thu gom cá chết ở hồ Tây
Sau sự kiện cá chết hàng loạt ở hồ Tây, thành phố đã gấp rút thực hiện nhiều biện pháp nhằm khẩn trương xác minh nguyên nhân gây ra cá chết và xử lý môi trường nước Hồ Tây.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc tập trung rà soát, phòng chống ô nhiễm sông, hồ trên toàn địa bàn thành phố rất kịp thời và cần thiết tại thời điểm này. Bà Khánh đề nghị Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy cũng như đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống cống ngầm dưới đáy sông Hồng, nhằm cải thiện chất lượng môi trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan kiến nghị, thành phố cần có biện pháp xử lý đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề phía Nam Hà Nội; đồng thời cần có những biện pháp hiệu quả để kiểm soát lượng thuốc trừ sâu, phân bón nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ba tháng cuối năm 2016, Hà Nội tập trung thực hiện tốt “Năm trật tự, văn minh đô thị,” trọng tâm là các vấn đề về hạ tầng, cây xanh, công viên, vệ sinh môi trường... Trong đó, thành phố tiếp tục tập trung các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng cá chết tại Hồ Tây; phấn đấu thực hiện tốt đề án trồng mới một triệu cây xanh đã đặt ra; tiến hành rà soát, điều chỉnh các điểm tập kết rác; hoàn thiện quy trình, định mức, đơn giá công tác duy trì vệ sinh, thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng tăng cường cơ giới hóa.
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng các giải pháp đảm bảo vệ sinh tại các khu công cộng, các tuyên đường, các công trình xây dựng...; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường, thực hiện các đề án về bảo vệ môi trường.
Xử lý nghiêm những trường hợp xả thải ra Hồ Tây Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội về việc xử lý tình trạng cá chết số lượng lớn tại Hồ Tây xảy ra gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục giao Công an thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh nguyên nhân gây ra cá chết và đưa ra giải pháp xử lý nước, báo cáo Thường trực Thành ủy và thông tin để nhân dân được biết.Theo đó, Ủy ban Nhân dân các quận Tây Hồ và Ba Đình phải đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thuộc khu vực xung quanh Hồ Tây thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, làm sạch môi trường ở các khu dân cư sau sự cố cá chết; đặc biệt nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý hồ như Ban Quản lý Hồ Tây, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hồ Tây... tiếp tục thực hiện làm sạch mặt hồ, đảm bảo không còn rác thải, xác cá chết, sớm trả lại môi trường nước sạch cho Hồ Tây. Đáng chú ý, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc xả thải đối với các nhà hàng, khách sạn, các nhà nổi khu vực Hồ Tây, xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện những bất thường hoặc các vi phạm vượt quá thẩm quyền, phải báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố. |