THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:56

Sống mòn trong các làng nghề ô nhiễm

 

Khí thải đe dọa cuộc sống người dân

Cách trung tâm TP. Hà Nội  chừng gần 10km, làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là một làng nghề truyền thống lâu đời có khởi phát với nghề dệt nón quai thao, đến nay phát triển với thế mạnh sản xuất đa dạng hàng hóa, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân. Thế nhưng, ở Triều Khúc, từ đầu làng tới cuối xóm chỗ nào cũng tràn ngập bao tải phế liệu. Dọc đoạn đường dài dẫn vào khu nghĩa trang Giò Gà, nơi có 7 hộ dân làm nghề sản xuất lông vũ, phơi đầy lông gà, lông vịt, ruồi nhặng bu kín. Bà Triệu Thị Loan (68 tuổi), cho biết: Lông gia cầm được thu gom từ khắp các nơi, sau đó rửa sạch, phơi rồi mới đem đi chế biến. Nước rửa lông gà, lông vịt xả thẳng ra cống thải của làng. Làm nghề này chỉ có ốm nhừ mà chết non, lúc nào cũng đau lưng, khó thở. Thế nên tôi mới bỏ nghề, dựng quán nước gần nhà để mưu sinh.

Đến cuối năm 2013, toàn xã Tân Triều có 201 cơ sở sản xuất thuộc 8 ngành nghề khác nhau: Thu mua phế liệu, sơ chế lông vũ, tái chế nhựa, nhuộm hấp chỉ, xay xát nhựa phế liệu, sản xuất nước uống đóng chai, rút chỉ đồng. Trong đó, nghề xay xát và tái chế nhựa thu hút nhiều hộ tham gia. Làng nghề phát triển thì môi trường cũng bị hủy hoại. Theo báo cáo của làng nghề  gửi UBND huyện Thanh Trì vào năm 2014 thì 100% nước thải trong sinh hoạt và sản xuất chưa được thu gom và xử lý tập trung; rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất được đội vệ sinh thu gom bằng xe đẩy, ước tính khoảng 17-18 tấn/ngày đêm, được tập kết tại 2 thôn trong xã.

Phế liệu được tập kết về Triều Khúc đợi tái chế, khiến làng nghề luôn bị ô nhiễm.

Bát Tràng cũng là làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, có khoảng 2000 hộ với gần 9.000 nhân khẩu, trong đó gần 1.000 hộ sản xuất và kinh doanh gốm sứ. Từ năm 2.000, làng nghề Bát Tràng đã sử dụng lò nung gốm bằng gas, tuy nhiên, do chi phí xây dựng, lắp đặt cao (khoảng 100 - 150 triệu đồng/lò), nên nhiều gia đình không đầu tư xây. Do vậy, không khí ở Bát Tràng là mối đe dọa nguy hiểm đối với cuộc sống người dân ở trong và ngoài làng nghề. Ngoài thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung.Ông Hà Văn Lâm, Trưởng Ban đại diện Làng nghề gốm Bát Tràng cho biết, làng nghề có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 là lò gas hiện đại, còn lại là lò truyền thống nung bằng than củi. Hàng ngày, lượng khói than thải ra rất lớn. Nếu không sớm áp dụng những phương pháp sản xuất sạch nhằm giảm ô nhiễm môi trường, thì sự phát triển bền vững tại Bát Tràng bị đe dọa. 

Báo động với tỷ lệ độc hại gấp... hơn 3.000 lần!

Theo các chuyên gia, các làng nghề đang đối mặt rất nhiều khó khăn, hạn chế mà không thể khắc phục trong ngày một, ngày hai; trong đó đáng lưu ý là tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý triệt để, thậm chí có nơi còn buông lỏng. Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cho biết, qua điều tra, Bộ đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để đến năm 2020. Trong đó có những địa phương mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Đây thực sự là con số đáng báo động. Trong khi tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm gia tăng thì hầu hết các cơ sở tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp... đang là vấn đề bức xúc, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.Để ngăn ngừa thực trạng này, ông Tuyến đề nghị, trước mắt cần triển khai cụ thể theo lộ trình đã được xác định tại Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề trở lại giá trị truyền thống, phát huy vai trò cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, không để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và sức khỏe con người.

Châu Anh/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh