Ô Môn, Cần Thơ: Nhiều mô hình làng nghề bền vững
- Bài thuốc hay
- 14:48 - 26/11/2018
Phất lên nhờ đan lú
Từ lâu, nghề đan lưới mang lại nguồn thu ổn định trong nhiều gia đình ở quận Ô Môn. Người dân nơi đây gọi nghề “cứu cánh” ấy bằng tên gọi thân thuộc theo tiếng địa phương: đan lú.
Gia đình chị Lê Thị Thi hối hả đan lú để kịp giao hàng.
Dù đến giờ ăn cơm trưa nhưng chị Lê Thị Thi (khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Long, quận Ô Môn) chưa nỡ buông kim đan lú. “Cả nhà ráng tranh thủ bởi muốn giữ chữ tín, giao hàng đúng hẹn”, chị ngẩng lên và nói khi thấy khách ghé thăm. Mẹ chồng, con trai chị cũng thoắt thoắt đưa kim, luồn dây lưới để kịp giao hàng. Chị Thi chia sẻ nghề đan lú xuất hiện ở khu vực Thới Hòa 2 cách đây 3 năm. Khi đó, một số bà con đến nơi khác học nghề rồi về truyền lại kinh nghiệm. Chỉ mất khoảng 10 ngày “tầm sư học đạo” là người học có thể thao tác thành thục từng công đoạn. Hai năm nay, đan lú mang lại cho gia đình chị Thi cũng như nhiều hộ khác nguồn thu ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng (sau khi trừ tất cả chi phí).
Với gia đình anh Nguyễn Văn Trường (SN 1985), nghề đan lú có nhiều ý nghĩa quý giá hơn khi là “bệ phóng”, giúp gia đình anh từng bước thoát nghèo. Anh Trường bộc bạch cách đây 2 năm, anh và vợ không có việc làm ổn định. Gia đình anh thuộc diện nghèo tại địa phương. Hàng ngày, anh chị đi làm thuê mong kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Mặc dù không ngại bươn chải, đầu tắt mặt tối nhưng cảnh thiếu trước hụt sau vẫn “bủa vây” từng ngày. Từ khi học nghề, vợ chồng anh Trường ở nhà chăm chỉ đan lú. Mỗi ngày, anh chị kiếm khoảng 200.000 đồng sau khi giao hàng. Nhờ mức thu nhập ổn định, anh chị có đủ tiền chăm lo, nuôi nấng hai con nhỏ. Anh Trường phấn khởi: “So với công việc xưa kia, đan lú đỡ cực hơn vì không phải ra ngoài nắng. Từ khi đan lú, tụi tui có tiền chi tiêu hàng ngày. Gia đình dần thoát cảnh chạy ăn từng bữa. Cuối năm nay, gia đình tui sẽ đủ tiêu chuẩn thoát khỏi diện hộ nghèo”.
Qua bao đời, nghề đan lợp tép vẫn là “cần câu” việc làm cho nhiều lao động
Hiện quận Ô Môn có khoảng 120 hộ gia đình làm nghề đan lú. Nhờ địa phương tích cực quảng bá nên cơ sở kinh doanh tìm đến đặt hàng mỗi lúc một nhiều. Nhờ vậy, bà con không lo thất nghiệp trong lúc nông nhàn. Khi mới xuất hiện, đan lú là công việc khi vụ mùa kết thúc. Giờ đây, đan lú trở thành nghề mang lại thu nhập chính đối với nhiều gia đình. Ông Trương Văn Phúc-Trưởng phòng, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, đánh giá đây là một trong những mô hình nghề nghiệp mang đến hiệu quả kinh tế bền vững tại địa phương.
Giữ nghề đan lợp tép
Theo ông Trương Văn Phúc ngoài phát triển những mô hình làng nghề có hiệu quả kinh tế như nghề đan lú, quận Ô Môn vẫn gìn giữ, duy trì những làng nghề có bề dày truyền thống. Điển hình, từ năm 1997 đến nay, nghề đan lợp tép ở khu vực Thới Mỹ (phường Thới Long) vẫn giúp không ít hộ dân sống vững vàng những khi mùa màng kết thúc.
Ngày 19/9/1997, chính quyền địa phương thành lập Hợp tác xã Thành Công. Hợp tác xã tập hợp 182 hộ gia đình làm nghề đan lợp tép. Đến nay, do hoàn cảnh sống thay đổi, số gia đình gắn bó với nghề không nhiều như trước đây. Tuy vậy, đan lợp tép vẫn là “cần câu” việc làm đối với nông dân lúc nông nhàn.
Qua bao đời, nghề đan lợp tép vẫn là “cần câu” việc làm cho nhiều lao động
Được mệnh danh là bậc thầy đan lợp tép, ông Lê Kim Y (76 tuổi) – người có tuổi đời, tuổi nghề lớn nhất, cho hay với mỗi sản phẩm, người làm bỏ tiền vốn 16.000 đồng (mua tre, dây, vận chuyển…). Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thu mua lại với giá 22.000 đồng/cái. Thợ giỏi có khả năng gia công 1.200 sản phẩm/tháng. Làng nghề đan lợp tép hoạt động đến nay nhờ thương hiệu sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, giao hàng đúng hẹn. Ông Y bật mí: “Một cái lợp tép thành hình phải trải qua 24 công đoạn (cưa tre, đan tre, làm móc…). Nguyên liệu phải là tre già, được ngâm phơi đủ ngày, đủ tháng. Chưa hết, tre sau khi chẻ cọng còn qua xử lý rồi mới đan thành lợp. Hàng dỏm thì một ngày nhúng nước lợp tép đã thành lợp… xẹp lép”.
Anh Lê Văn Thành (39 tuổi) tâm sự vào mùa nước nổi, gia đình anh đan miệt mài vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người mua hàng. Anh Thành cho rằng dù bỏ ra không ít công sức, lời lãi không hơn nhiều nghề khác nhưng đan lợp tép vẫn là nghề “cứu cánh” đối với nhiều gia đình nông dân ở đây, nhất là trong những lúc mùa màng thất thu, thời tiết bất lợi.
Đã thành thói quen, người dân Thới Mỹ tranh thủ đan lợp tép những lúc rảnh rỗi, bất kể điều kiện thời tiết, thời gian. Hơn thế nữa, làng nghề còn là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào do biết bao thế hệ đổ mồ hôi gầy dựng, giữ gìn. Chính vì vậy, địa phương luôn tích cực triển khai nhiều giải pháp gìn giữ, mở rộng nghề đan lợp tép.