THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:08

Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh

Ở hai chương đầu của cuốn sách, Giáo sư Yoshihiko khái quát những thay đổi to lớn của đời sống xã hội kể từ khi xuất hiện điện thoại thông minh và những phiền não phát sinh từ thiết bị này trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Theo đó, điện thoại thông minh cùng những ứng dụng đi kèm, đặc biệt là mạng xã hội, đã tạo ra cuộc cách mạng về liên lạc, giao tiếp, thậm chí cả quá trình làm việc, giải trí của con người. Tuy nhiên, điện thoại thông minh cũng kéo theo không ít rắc rối đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh - Ảnh 1.

Bằng các ví dụ và kết quả nghiên cứu cụ thể, Giáo sư Yoshihiko đã chứng minh cho độc giả thấy rằng: điện thoại thông minh gây ra 6 tác hại lớn tới trẻ em. Thứ nhất là tạo ra sự lệ thuộc, khiến hoạt động não bộ trở nên bất bình thường. Thứ hai là giảm sút học lực do trẻ bị cuốn theo thông tin trên mạng và không còn nhiều thời gian dành cho học hành. Thứ ba là tạo ra các rắc rối liên quan đến mối quan hệ của trẻ với bạn bè, gia đình, xã hội. Thứ tư là khiến trẻ dễ phải đối mặt với nạn bắt nạt trên mạng xã hội; kéo theo ảnh hưởng thứ năm là những rắc rối tổn thương có thể hoặc chưa thể cấu thành tội phạm. Cuối cùng ảnh hưởng thứ sáu là khiến trẻ mất đi khả năng suy nghĩ, năng lực sống do lệ thuộc vào điện thoại thông minh.

Thực tế đây cũng là những điều khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi phải cho con sử dụng điện thoại thông minh.

Thấu hiểu sự lo lắng của các bậc phụ huynh, trong 4 chương tiếp theo của cuốn sách, tác giả sẽ bày cho các bậc phụ huynh các quy tắc hữu ích để giúp trẻ sử dụng hiệu quả mà không bị lệ thuộc vào điện thoại thông minh, cách giải quyết những rắc rối xoay quanh việc sử dụng thiết bị này.

Theo Giáo sư Yoshihiko, để không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, cha mẹ cần lưu ý 8 hướng dẫn sau:

●    Không nên nói với con rằng: bố mẹ mua điện thoại này cho con. Hãy nói: bố mẹ cho con mượn chiếc điện thoại này của bố mẹ và con phải tuân thủ các quy tắc chúng ta sẽ cùng thảo luận sau đây.

●    Hãy cùng con quyết định các quy tắc sử dụng trước khi cho con dùng điện thoại.

●    Hãy hạn chế con sử dụng điện thoại trong phòng riêng. Tốt nhất là cho phép con sử dụng điện thoại dưới sự có mặt của cả gia đình.

●    Quy định thời gian dùng tối đa 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và hai tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh trung học phổ thông. Không dùng sau 9 giờ tối.

●    Sử dụng bộ lọc quy định những nội dung cấm.

●    Quy định hạn mức tiền cho các khoản như nạp tiền liên lạc, chơi trò chơi điện tử hay các ứng dụng khác.

●    Thảo luận sẵn phương án xử lý khi con không tuân theo các quy tắc đã đề ra. Hãy in nội dung này và dán vào những nơi dễ nhìn thấy như trên cửa tủ lạnh.

●    Không chỉ con trẻ mà ngay cả bố mẹ cũng cần phải tuân thủ các quy tắc đã đề ra về sử dụng điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó 8 quy tắc về sử dụng điện thoại thông minh của một bà mẹ tại Boston (Mỹ) với con trai được đưa vào cuốn sách, việc nên hạn chế tuyệt đối việc sử dụng điện thoại với trẻ mầm non, cách giải quyết những rắc rối xoay quanh việc sử dụng điện thoại di động, cách rèn luyện những phẩm chất tính cách cần thiết (sự tự tin, tự chủ, tính tự quyết) giúp con chủ động trong việc sử dụng điện thoại… là những lời khuyên vô cùng hữu ích khác của tác giả với các bậc phụ huynh quan tâm chủ đề này.

Internet và những thiết bị tiên tiến giúp cuộc sống mỗi người hiện nay đều tràn ngập thông tin và các quan hệ kết nối. Vì thế các thiết bị như điện thoại thông minh là công cụ không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu mong chờ một cuộc sống tự chủ, đầy trải nghiệm, thì mỗi người cần kiểm soát được thời gian sử dụng điện thoại thông minh/ internet của bản thân. Và cuốn sách “Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh” chính là nguồn tham khảo hữu ích dành cho mọi phụ huynh muốn dạy con trở thành người trưởng thành, biết làm chủ chứ không phải lệ thuộc vào công nghệ.

Tác giả Yoshihiko Morotomi là một tiến sĩ, nhà nghiên cứu giáo dục. Ông tốt nghiệp Khoa nhân chủng học và hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Tsukuba. Ông từng là nghiên cứu sinh của Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học Transpersonal tại Mỹ và Đại học East Anglia tại Anh. Hiện nay ông đang là giảng viên tại Đại học Meiji, Nhật Bản. Tác giả Yoshihiko Morotomi đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn sách “Nuôi dạy trẻ không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh” được độc giả đánh giá cao.

Phương Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh