THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:23

Nước sạch đã về bản Khả

Người hùng của bản

Nói đến nguồn nước ở bản Khả, nhiều người dân trong bản nhắc ngay đến ông Trần Văn Sinh với lòng yêu mến. Bản Khả thường thiếu nước về mùa khô. Trước đây, nhiều hộ khoan giếng sâu tới hàng chục mét nhưng qua sử dụng, bà con mới biết nước ngầm nhiễm phèn, khi nấu cơm gạo chuyển sang màu nâu. Chẳng còn cách nào khác, một số hộ lấy nước ở con suối gần bản dùng. Thế nhưng nguồn nước này thường xuyên bị đàn trâu thả rông đằm làm cho đục ngầu. 

Qua nghe đài, đọc báo, ông Sinh biết rằng sử dụng nước không sạch trong thời gian dài sẽ gây nên nhiều bệnh tật. Bởi vậy, mỗi lần đi rừng lấy thuốc nam, ông luôn để ý tìm nguồn nước thay thế. Một lần đến khe núi Hin Năng cách bản Khả gần chục cây số ông nghe thấy tiếng nước chảy róc rách. Giữa núi rừng hoang vắng, đưa tay hứng dòng nước mát lạnh, ông thầm reo lên: "Đây rồi, đây rồi”. Nhưng định thần lại, ông thất vọng vì nước ở xa thế này thì làm sao đưa về bản. Địa hình phức tạp, đồi núi cheo leo, đi bộ từ bản đến đây mất mấy tiếng, chỉ đi không đã mệt lắm rồi còn hơi sức đâu mà gánh nước? 

Ngày đêm trăn trở, ông nghĩ chỉ còn cách vận động các hộ dân cùng tham gia làm hệ thống đường ống. Ban đầu, khi mới nghe nói chuyện dẫn "nước trời” về bản, nhiều người đã giãy nảy bởi họ không tin rằng có thể làm được một việc  khó như thế.

Tuy nhiên, ông kiên trì giải thích với mọi người trong bản rằng: "Cứ dùng mãi nước bẩn thì hậu quả khôn lường. Nguồn nước sạch ở xa, dẫn về rất khó khăn, nhưng mọi người đồng lòng tìm cách thì sẽ thành công”. Vừa vận động, hằng tháng trời ông một mình vượt núi, leo đồi khảo sát đường, địa hình từng đoạn. Ông như một "kỹ sư” bất đắc dĩ không quản nắng mưa, ngày ngày xuôi ngược trên con đường vào núi Hin Năng, tìm cách bắc đường ống sao cho ngắn nhất, thuận lợi nhất và để ống vắt qua thân cây, vách đá được chắc chắn. 

Thấy ông cất công, nhiều người cũng hiểu ra và ủng hộ. Đầu năm 2012, hơn chục hộ trong bản đóng góp được 37 triệu đồng mua hơn 5 km đường ống và một số vật liệu khác. Từ sáng sớm đến xẩm tối ông cùng với những người dân bắc ống dẫn nước, việc nấu ăn được thực hiện ngay trên "công trường” để tiết kiệm thời gian đi lại. 

Nước mát về bản

Gần một tháng ròng rã đào đắp, lắp đặt đường ống, công trình dẫn nước "có một không hai” của bản Khả đã hoàn thành. Ngày đầu vận hành, cả bản đều đến xem và hồi hộp chờ đợi. Khi giọt nước đầu tiên chảy về đến bể chứa ai nấy đều vui mừng, công lao bỏ ra đã được đền đáp. Để gìn giữ công trình, hơn 2 năm qua, ngày nào ông cũng đi kiểm tra đường ống. 

Nhờ sự kiên trì của ông Sinh mà nước chảy đều về bản cả ngày lẫn đêm. Nhiều hộ không phải đi xa gánh nước như trước nữa. Tuy nhiên, do số tiền đóng góp thi công công trình không nhỏ, mỗi hộ vài triệu đồng, không phải gia đình nào ở bản Khả cũng có đủ. Vì vậy, hiện một số người vẫn dùng nguồn nước cũ. Ông Sinh bày tỏ: "Đường ống chính đã có, chúng tôi mong được Nhà nước hỗ trợ thêm một phần kinh phí để xây dựng bể gom và lọc nước thô ở đầu nguồn, mở thêm mạng lưới đường ống nhánh”.

 Bí thư Chi bộ bản Khả Nông Văn Cử cho biết: "Từ khi ông Sinh dẫn nước sạch về bản, đời sống của nhiều hộ  đã thay đổi rõ rệt. Hiện đã có 50% hộ trong bản đăng ký đấu nối đường ống dẫn nước để sử dụng. Dự kiến từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ triển khai lắp đặt đến các hộ”.

Sau khi nhận được thông tin ông Sinh cùng người dân bản Khả phải vất vả dẫn nước sạch về bản dùng, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang và Phòng Dân tộc huyện Sơn Động đã khảo sát nguồn nước từ núi Hin Năng thuộc bản Khả, xã Vân Sơn. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang dự kiến xây dựng công trình nước sạch trên núi, mức đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Khi hoàn thành vào năm 2016 sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 260 hộ dân bản Khả và bản Gà. 

Được biết, để có nước sinh hoạt, người dân ở bản Khả phải tìm nguồn nước trong núi; đóng góp kinh phí, ngày công tự làm đường ống dẫn nước.

Trịnh Lan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh