Nước nào đang cạnh tranh với Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu gạo sang Châu Phi?
- Huyệt vị
- 21:12 - 08/09/2020
Năm nay, Trung Quốc đang dẫn đầu trong cuộc đua này, giữa bối cảnh sản lượng gạo nội địa của các nước Châu Phi vẫn thấp hơn nhu cầu.
Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước này đang bị thu hẹp nhanh chóng, khi sụt giảm 35,78% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân do sự cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc.
Africansonchina dẫn số liệu của Hải quan Trung Quốc cho biết, xuất khẩu gạo sang các nước Châu Phi, bao gồm Bờ Biển Ngà và Senegal, trong năm 2017 đạt 781.000 tấn, tăng gấp 10 lần so với mức 74.000 tấn của năm 2016. Tỷ trọng gạo xuất khẩu sang Châu Phi trong tổng xuất khẩu gạo của Trung Quốc đã tăng lên 70% trong năm 2017, so với chỉ 19% của năm 2016. Trong 6 tháng cuối năm 2019, Trung Quốc đã xuất hơn 3 triệu tấn gạo trắng từ các kho dự trữ của Chính phủ, phần lớn số gạo đó đã được chuyển đến các nước Châu Phi.
Trên thực tế, gạo mà Ấn Độ và Trung Quốc đang xuất khẩu sang Châu Phi vốn không phải dành để xuất khẩu sang Châu Phi, mà đó là một phần gạo trong kho dự trữ của hai nước này.
Theo Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Nông sản và Thực phẩm chế biến Trung Quốc (APEDA), nước này đang bán bớt gạo dự trữ sang Châu Phi. Đó là số gạo Chính phủ thu mua từ nhiều năm trước. Người tiêu dùng Trung Quốc ăn gạo mới, dẻo và thơm. Gạo cũ đã bị mất vị, cũng không còn dẻo nữa nên cần tìm cách tiêu thụ ở nơi khác, đó là xuất khẩu ra nước ngoài, và Châu Phi là thị trường rất phù hợp.
Theo các báo cáo của ngành, tập đoàn COFCO – thuộc sở hữu của Nhà nước Trung Quốc đang "nhắm" đến các thị trường mới ở châu Phi để thanh lý các kho dự trữ gạo cũ – khoảng 3 đến 4 triệu tấn. COFCO đang tập trung vào các thị trường Ai Cập, Benin, Sengal, Bờ Biển Ngà, Somalia và Liberia.
Năm 2018, Trung Quốc có khoảng 94 triệu tấn gạo tồn trữ, tương đương 2/3 tổng lượng gạo dự trữ của toàn cầu. Số gạo này đủ để nuôi sống toàn bộ dân số Ấn Độ trong một năm. Cũng trong năm 2018, Trung Quốc bắt đầu cải tổ chương trình trợ cấp bằng cách cắt giảm giá tối thiểu cho mặt hàng gạo và lúa mì. Năm trước đó, 2017, Bờ Biển Ngà đã vượt qua Hàn Quốc trở thành thị trường tiêu thụ gạo xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, với 309.200 tấn.
Cung - cầu gạo của Châu Phi hiện nay ra sao?
An ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu của các nước châu Phi vì điều đó rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và cả châu lục nói chung. Theo Ghanaweb, ở một số nơi của châu lục Đen, lúa đã được trồng từ cách đây hơn 3000 năm. Đất đai của Châu Phi màu mỡ, nhưng hầu hết các nước vẫn thiếu lương thực vì cơ sở hạ tầng nông nghiệp yếu kém, thiếu kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến và thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng.
Gạo là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong bữa ăn của người dân Tây Phi và là nguồn cung cấp calo quan trọng thứ 2 cho toàn bộ người dân Châu Phi. Chẳng hạn như ở Senegal, gạo là thức ăn cơ bản của người dân, nhưng do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của quốc gia Tây Phi này chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước. Mỗi năm, Senegal vẫn phải nhập khẩu từ 800.000 - 900.000 tấn gạo, trong đó hơn 90% là loại tấm. Tương tự, Mozambique có môi trường tự nhiên, đất đai màu mỡ với hơn 900.000 ha đất canh tác thích hợp cho trồng lúa. Tuy nhiên, Mozambique vẫn thiếu lương thực, bởi trên thực tế chỉ có khoảng 300.000 đất trồng lúa với sản lượng chỉ khoảng 1,3 tấn/năm.
Nhu cầu gạo ở châu Phi tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới, trong khi sản xuất không đủ dùng mặc dù đa số các nước trong khu vực đã và đang nỗ lực không ngừng để sản xuất, trồng trọt và tiến tới xuất khẩu gạo. Vì vậy, châu lục này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là khu vực Tây Phi, nhất là những năm xảy ra tình trạng thiên tai, mất mùa, bất ổn chính trị hay dịch bệnh.
Châu Phi đã trở thành nhân tố quan trọng trong thương mại gạo quốc tế, chiếm 20-30% tổng lượng gạo nhập khẩu toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhu cầu nhập khẩu gạo của toàn châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn, , trong đó Senegal phải nhập khẩu 1,25 triệu tấn (tăng 13,6%), Mali nhập khẩu 350.000 tấn (tăng 16,6%),... Đến năm 2021, dự báo, nhập khẩu gạo của khu vực này sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa.
Không chỉ quan trọng, Châu Phi đang trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới. Sở dĩ Ấn Độ và Trung Quốc nổi bật trong số những nước cạnh tranh xuất khẩu gạo ở Châu Phi là bởi yếu tố giá cả. Trung Quốc có lượng gạo tồn kho lớn nhất thế giới, gạo này không chỉ có nguồn cung dồi dào mà giá lại rẻ nên tất yếu Châu Phi trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Trung Quốc. Còn Ấn Độ,với vị trí địa lý gần Châu Phi giúp tiết kiệm chi phí vận tải, và nguồn dự trữ cũng đang dồi dào sau nhiều năm được mùa nên có cơ hội lớn trong việc xuất khẩu sang châu lục Đen. Mặc dù xuất khẩu gạo nói chung của Ấn Độ ở Châu Phi bị giảm thị phần về tay Trung Quốc, song ở phân khúc gạo đồ, cùng với Thái Lan, Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp chủ chốt cho Châu Phi.
Việt Nam xuất khẩu lượng lớn gạo sang Châu Phi
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Châu Phi năm 2019 tới 35 trên tổng số 55 quốc gia trên toàn châu lục, với kim ngạch gần 630 triệu USD, trong đó các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất gồm Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Mozambique, Cameroon, Gabon, Tanzania, Ai Cập… Đáng chú ý là trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam sang thị trường châu Phi tiếp tục tăng nhanh, và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới và ngay cả trong năm 2021. Riêng xuất khẩu sang Senegal 6 tháng đầu năm nay đã đạt 41.149 tấn, thu về 14,58 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo nhu cầu gạo của Châu Phi sẽ còn tiếp tục cao. Để chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần ở châu lục này, theo các chuyên gia, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý nhất tới yếu tố giá cả và đảm bảo nguồn cung ổn định để có thể xuất khẩu vào bất cứ thời điểm nào khi thị trường này có nhu cầu.