THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:24

Nước mắt, nỗi lòng của Bầu Đệ trong "tâm bão"

 

Vì lý do gì mà ông lại nghĩ là giải tán Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa?

Hôm vừa rồi Ban chấp hành Hiệp hội giao cho Chủ tịch hội đồng doanh nghiệp thay mặt cho Hiệp hội kiến nghị những khó khăn, vướng mắc để chính quyền tháo gỡ. Tuy nhiên trong một thời gian dài, những vấn đề Hiệp hội kiến nghị không được tháo gỡ, mà sự bao che ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã điện đến cho tôi gay gắt nói: “Ông bảo vệ không được cho hội viên thì triệu tập hội nghị đại hội để giải tán hiệp hội". Đó là nguyện vọng của rất nhiều doanh nghiệp, người ta lo ngại, nếu như chủ tịch hội bị "đánh" như thế, thì hội viên hiệp hội cũng sẽ đến lượt, thế nên là họ lo, họ trăn trở. Từ những tình cảm và thực tế như vậy, nên họ đề nghị nếu mà bảo vệ không được thì nên giải tán hiệp hội.

 Được biết là ông vừa có tâm thư gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước về môi trường đầu tư của Thanh Hóa đang bị o bế, trong đó ông có nêu việc sẽ chỉ rõ những sai phạm, ông có đủ bằng chứng để nói về việc đó không?

Nhìn toàn cảnh của tỉnh Thanh Hóa thì tôi nói có cơ sở, bởi vì tôi muốn thiết lập một cộng đồng doanh nghiệp, muốn đề nghị với Đảng và chính quyền Thanh Hóa thiết lập một cái môi trường tốt để phát huy hết khả năng của nhân dân, khi đã bỏ vốn vào đầu tư, thành lập các doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết 35 của Thủ tướng. Thế nhưng trên địa bàn thực sự mà nói là thực trạng rất nhiều các công trình vi phạm. Nhiều công trình cấp phép sai phạm, có cái thích cấp cho ai thì cấp, không thích cấp thì đánh chết, nếu làm trái ý họ thì đánh chết luôn. Tôi nghĩ là những cái hành xử như thế sẽ không thể tạo lập môi trường tốt được. Cho nên là tôi là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cần phải lên tiếng, lên tiếng để bênh vực những doanh nghiệp yêu thế, để nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin và cho doanh nghiệp hưng phấn làm nhiều sản phẩm, đóng góp ngân sách của nhà nước

Hiện Hiệp hội các Doanh nghiệp Thanh Hóa có nhận được nhiều đơn của các hội viên không ông?

 Không những là  đơn, mà họ còn điện thoại và những tâm sự rất là chính đáng. Tôi khẳng định là những nguyện vọng của anh em đều  chính đáng cả. Theo tôi việc triệu tập hội nghị chỉ ngày một ngày hai thôi. Phải triệu tập hội nghị để xin ý kiến hội viên. Nếu cảm thấy cần thiết phải có cái Hiệp hội thì Tỉnh ủy và UBND tỉnh phải có cái giải pháp để giúp đỡ. Nếu không được thì cũng phải thuận theo ý hội viên thôi.

Ông ngồi ghế Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa được bao nhiêu thời gian rồi?

 Tôi làm đến nay là 4 khóa, trên 17 năm rồi. Thế nhưng mà mỗi lần đại hội tôi đều có nguyện vọng là xin nghỉ. Nhưng mà hội viên bảo, nếu ông thôi chức chủ tịch thì giải tán hội đi, vì họ nói là chúng tôi không theo ai cả. Phải theo người có khả năng để bảo vệ được hội viên. Tôi cũng thấy đó là cái vinh dự, nhưng cũng là cái trách nhiệm rất cao. Nhưng trong quá trình điều hành 17 năm, rất nhiều việc tôi đứng lên bảo vệ cho doanh nghiệp, thì các cấp chính quyền người ta vào cuộc, nhiều trường hợp vi phạm người ta nhận ra vấn đề, làm sai họ xin lỗi và điều chỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì có thể nói rằng, tôi không hiểu họ chống lưng từ ai, nhưng cái tính hợp tác và tính sửa chữa nó không còn. Cái tôi quá lớn và chữ quyền lực quá lớn thế nên là họ bất chấp nghe ý kiến của doanh nghiệp. Thế nên sự o ép doanh nghiệp có dấu hiệu ngày càng gia tăng. 

                                               Bầu Đệ nhiều lần nghẹn ngào trong buổi trả lời phỏng vấn

Dư luận cho  rằng, sau cuộc đối đầu với Sở Xây dựng, ông Đệ cũng như doanh nghiệp của ông Đệ chỉ còn nước là từ bỏ công việc kinh doanh và chuyển đến nơi khác sống. Theo ông dư luận ấy có cơ sở không?

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói rằng, chúng ta đừng làm những việc để cho Đảng bộ buồn, nhân dân buồn.  20 năm nay tôi luôn tâm niệm, mình phải có trách nhiệm xây dựng quê hương bằng cả tấm lòng, nghị lực của mình. Ví như khi đội bóng đá Thanh Hóa gặp khó, tôi đã lao vào cuộc giúp cho bóng đá Thanh Hóa có thứ hạng cao. Theo tình thần chỉ đạo của đồng chí Trịnh Văn Chiến: “Nếu bóng đá  Thanh Hóa phát triển thì Thanh Hóa phát triển". Với tình cảm như vậy tôi đã lao vào bóng đá làm với cái tinh thần nhiệt huyết. Và đúng như vây, 5 năm tôi làm, thì 5 năm bóng đá cũng như kinh tế Thanh Hóa phát triển khá tốt. Ngoài ra, tôi còn tham gia cùng chính quyền và các ngành chức năng giải quyết nhiều "điểm nóng" xẩy ra trên địa bàn. Tôi còn là thủ trưởng Quỹ An ninh của cộng đồng doanh nghiệp tức là cùng đồng hành với chính quyền và cơ quan công an mỗi khi triệt phá những ổ tội phạm lớn thì cộng đồng doanh nghiệp bằng cái quỹ của mình đến thăm hỏi, động viên. Có nghĩa là tôi không những chỉ lo kinh doanh cho doanh nghiệp, mà tôi còn có trách nhiệm với xã hội. Tôi nghĩ rằng, từ 260 doanh nghiệp năm 2006, đến nay Thanh Hóa có trên 9000 doanh nghiệp đang thực thụ kinh doanh. Tất nhiên thành tích này là của cả hệ thống chính trị, nhưng bên cạnh đó có sự đóng góp của Hiệp hội Doanh nghiệp, đóng góp của cá nhân tôi. Công lao đóng góp đó chắc chắn là nhân dân ghi nhận và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. 

Có câu "đấu tranh thì tránh đâu", vậy ông có sợ không và có đấu tranh quyết liệt làm đến cùng không?

Tôi nghĩ là với bản lĩnh kiên cường của người lính, tôi đã được Đảng, Nhà nước đào tạo hơn 20 năm trong ngành công an, nên khi về làm kinh tế thì mục đích của tôi là xây dựng đất nước, đặc biệt là chia sẻ với người dân. Ví dụ như doanh nghiệp của tôi làm bệnh viện để cứu người, xây dựng trường để đào tạo, làm hỏa táng và nghĩa trang để chia sẻ với người mất mát, toàn là những dịch vụ phục vụ con người thôi. Tôi nghĩ là nhân dân Thanh Hóa không bỏ rơi tôi. 

Ngọc Tân/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh