THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:56

Nước mắt Khâu Vai

Người ở đâu đông thế, háo hức về Hội tình dang dở. Từ Mèo Vạc vào đây những 24km, vậy mà từ trước Hội một hôm, hàng ngàn người từ dưới xuôi, từ các tỉnh bạn, từ Trung Quốc sang đã về với Khau Vai, ăn, ngủ, hát và đi tìm nhau. Tận nửa đêm, bên những đống lửa đốt lên bập bùng, từng nhóm người uống rượu trong im lặng. Hàng trăm người lang thang ra rừng, đến bên các cây cổ thụ, tay vuốt ve thân cây, miệng thầm thào những lời không ai hiểu nổi. Trên một tảng đá khổng lồ có hình dáng tựa một trái tim, một cụ già tầm bảy mươi tuổi, tóc trắng như mây, ngồi thổi sáo H'Mông, tiếng sáo lạnh và buồn như nước nguồn chảy ra từ ruột núi, như nước tuyết tan khi xuân về, cứ chầm chậm bay qua bao cánh rừng, lay gọi từng trái tim không ngủ, lay khẽ những cánh đào rừng nở muộn, như cố níu kéo mùa xuân ở lại lâu hơn với vùng đồi núi này. Có người gọi giống Đào mọc ở đây là "Đào tương tư", chỉ sau khi kết thúc hội Khau Vai mới chịu lìa cành bay theo gió.

- Anh có biết bài dân ca mà người thổi sáo kia đang thổi không? - Hắn rụt rè hỏi.

Người đàn ông H'Mông cao lớn, rắn rỏi như thân cây Pơmu trưởng thành, lắng nghe hồi lâu, rồi gật đầu:

- Đây là giai điệu bài dân ca H'Mông nổi tiếng, lời của bài dân ca là:Nếu ta là giọt sươngTa xin tan trên tay nàng……Sáng mai lê bước về nhàHồn còn ngủ ở thắt lưng em

Hắn reo lên: - Trời ơi! Hay thế, hiện đại thế. Dân tộc H'Mông các anh thật lạ lùng, vừa thượng võ vừa phong tình. Bài dân ca này có thể xếp vào một số ít những bài thơ tình hay nhất thế giới anh ạ.

Người đàn ông H'Mông cười khẽ:- Phải thêm vào là dân tộc có lịch sử bi thương với bao cuộc thiên di…

- Thôi anh ơi. Bàn chuyện lịch sử xa xưa mệt lắm. Anh kể đi, anh đi gặp cô gái Tày này đã mười Hội rồi phải không? Sao chị ấy vẫn chưa lấy chồng?Người đàn ông H'Mông không trả lời, đến bên ông già đang thổi sao trên mỏm đá, rút cây sáo ra thổi, hai tiếng sáo, một đục, một trong, một đau buồn khắc khoải, một mong nhớ chơi vơi bỗng quện hòa trầm bổng, rồi cứ men theo núi đá mà đi. Hắn thầm nghĩ: Nếu người yêu của họ nghe được tiếng sáo này thì sao nhỉ? Hắn cũng có một mối tình dang dở gửi lại vùng núi đá biên thùy. Năm đó, hắn đi hội Khau Vai một mình, rồi gặp một thiếu nữ người Dao Tiền theo chị đi chơi Hội. Có lẽ đây là người con gái đẹp nhất trong hàng nghìn người đi Hội năm ấy. Khi hắn ngắm nàng đắm đuối, nàng cũng nhìn lại say mê không kém. Thế rồi cả buổi sáng hôm ấy, nàng lẽo đẽo đi theo hắn.

 Hắn bắt chuyện làm quen:- Em có ở gần đây không? Đi hội từ mấy giờ mà bây giờ đã đến nơi?- Gần thôi mà. Chỉ vài chục con dao quăng thôi. Đi từ 12h đêm đấy.- Thế có mang nhiều tiền đi chơi hội không?- Nhiều lắm đấyNàng bỏ tất cả tiền ra đếm, hầu hết là tiền lẻ, thấy nàng đếm chậm quá, hắn phải đếm hộ, có tất cả sáu mươi mốt ngàn đồng, hắn trêu:- Nhiều quá! Nhiều quá. Anh không có nhiều như vậy đâu…Nàng cười rạng rỡ:- Nhiều chứ. Để dành lâu lắm rồi. Mua được nhiều kem lắm đấy. Thấy hắn thích thú và đưa tay cầm những đồng bạc trắng lấp lánh trên trang phục của nàng, nàng cười bẽn lẽn:- Có thích không? Thích thì bán cho đấy! Vào trong bụi cây kia mà lấy ra. Đêm hôm đó, trên thảm cỏ mênh mang, hắn và nàng đã yêu nhau cuồng nhiệt dưới sao trời. Nàng thầm thì bảo:- Đã lót cái lá dưới lưng rồi. Không sao đâu, ở bản có tục lệ "Chọc sàn" cho ai ngủ cùng cũng phải có cái lá ấy. Hắn đã hẹn nàng năm nào cũng về hội. Vậy mà… Đã vấp một lần đổ vỡ trong hạnh phúc gia đình, đã quá sợ hãi sự giả dối và toan tính. Giờ đây gặp sự mộc mạc, chân thành, trong veo như nước suối đầu nguồn của cô gái này, trong trái tim hắn nhen nhóm một hi vọng mơ hồ. 

Nước mắt Khâu Vai - Ảnh 1.

Nhưng mỗi năm về Hội sau lần gặp ấy, chỉ nhìn thấy một con thuyền nhỏ xíu lặng lẽ trôi trên dòng sông Nho Quế, về đâu không rõ nữa.Sáng sớm ngày chính Hội 27 tháng 3 âm lịch, hàng nghìn người đổ về Khau Vai. Những chàng trai - cô gái người Kinh hăm hở. Những chàng trai H'Mông vừa đi vừa múa khèn. Mấy bác người Trung Quốc béo quay, bụng phệ, tay cầm ô, cứ đi một đoạn lại dừng lại, rút cái phích nhỏ pha trà Sâm, uống vài ngụm rồi đi tiếp. Một cụ già tóc bạc phơ, ngồi trên lưng ngựa, cậu thanh niên dắt ngựa mặt tròn xoe, cái mũ nồi xinh xinh trên chỏm đầu, thi thoảng lại hét to vui vẻ.

- Hây za. Cho đi nhờ nào, kẻo ngựa giẫm vào là đau đấy.

Mấy cô gái Tày nhìn chàng trai thầm thì rồi che miệng cười khúc khích. Lạ nhất có mấy thiếu phụ người Dao, người H'Mông đi hội nhưng dắt theo mấy cô bé, cậu bé tóc vàng ươm, da trắng, mắt xanh. Có một đôi vợ chồng cưỡi chung một con ngựa dừng lại bên suối, họ rửa mặt, rửa tay, rồi mang tiền ra đếm, chia đều cho nhau, sau khi buộc ngựa vào gốc cây Dẻ cổ thụ mọc cheo leo, nhìn xuống dòng Nho Quế mảnh như một sợi chỉ xanh, họ chia tay nhau để vào Hội. Thấy lạ, hắn tò mò đi theo họ vào một đoạn, chỉ một lát, hắn thấy người vợ đã ôm chầm lấy một bác người Dao tóc hoa râm, nghẹn ngào:

- Sao bây giờ anh mới về hội? Em đi tìm anh đã sáu Hội rồi.

Rồi họ cầm tay nhau vào hàng rượu, hai bát rượu ngô rót đầy, để chéo tay nhau rồi cùng uống, có hai giọt nước mắt trong vắt khẽ rơi vào bát rượu. Họ uống liền ba bát như thế trong im lặng, rồi dắt tay nhau ra một gốc cây, cất tiếng hát bằng thứ tiếng hắn không hiểu được, chỉ biết rằng tiếng hát ấy nghe thật não nề.

Chồng người thiếu phụ ấy không tìm thấy người yêu cũ, anh ta ra nhập đám đàn ông, đàn bà cùng cảnh ngộ với mình. Họ uống rượu rồi lặng ngắm những đôi lứa may mắn tìm thấy nhau. Anh chồng, sau khi ngửa cổ cạn một bát rượu thứ bao nhiêu không rõ, đập tan cái bát, rồi ôm mặt khóc... Chợt nhớ ra sáng hôm qua, trước khi đi Hội, thấy chị Sùng Thị Hương dậy sớm, gói xôi, gà luộc cho hai anh em, lại còn gửi gương, lược, đôi dép nhựa cho người yêu cũ của chồng, hắn đã đùa:

- Trời ơi! Chị không ghen sao? Các bà vợ người Kinh mà biết chồng đi Khau Vai tìm người yêu cũ thì thôi rồi. Cháy nhà ngay và luôn. 

Chị cười hiền hậu:- Không ghen đâu. Được "tháo khoán" một ngày một đêm thôi mà. Phong tục đấy. Mình không có thôi, có thì mình cũng đi mà. 

Hắn nhìn chị ngưỡng mộ rồi quay sang anh Vừ Mí Vư tấm tắc:- Phong tục tập quán quá nhân văn. Một năm có một ngày. Sướng thế, giá như quê em cũng có hội tình dang dở này thì hay biết mấy. Ai mà chẳng có những mối tình dang dở.Anh Vư cười: Không được đâu. Mang hội về dưới xuôi, rồi đánh nhau, chém nhau mất, để trên này thôi…Đêm trước hội, hắn nằn nì mãi, anh Vư mới kể cho hắn nghe câu chuyện tình dang dở đẫm nước mắt của mình, để rồi cứ đến hội là anh đi tìm người con gái Tày năm ấy…

Nước mắt Khâu Vai - Ảnh 2.

Vào năm 1972, khi anh Vư học năm thứ tư, khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, anh trúng tuyển lên đường nhập ngũ. Thời gian ngắn ngủi trước khi lên đường, anh đã vẫy và thay đổi bốn chuyến xe tải mới về đến bờ sông Nho Quế. Trận lũ vừa qua đã cuốn đi cây cầu phao bắc qua sông, chiều đã tối dần, gọi khản cả giọng mà không thấy bóng một con thuyền. Anh đã bơi qua sông, bơi gần đến bờ thì kiệt sức, sóng đánh xô dạt về xuôi hơn 2 km mới vào được bờ. Đói rét, đêm tối như mực, chỉ thấy cây rừng bủa vây bốn phía. Đang hoang mang anh gặp một cô gái Tày tên là Lả đi gánh nước. Lả đã mời anh về nhà mình. Đêm ấy, trên ngôi nhà sàn rộng mênh mông, sau khi nghe anh Vư kể lại chuyện vội vã về quê để kịp quay lại trường nhập ngũ, ông bố cô gái đã thịt gà, mời cơm rượu, cho mượn bộ quần áo của ông vì tư trang của anh đã ướt sũng… 

 Anh Vư vạm vỡ, cao lớn, nên như không thở được trong bộ quần áo đi mượn chật ninh ních. Cô Lả đẹp, vẻ đẹp truyền thống của các cô gái Tày. Mặt tròn, trắng sáng như trăng rằm, mắt đen lay láy nhìn xuống vì e thẹn, chuyện trò với anh mà tay run rẩy, vò mãi vạt áo chàm. Đêm ấy, cô thức trắng đêm, đốt lửa to, hong khô quần áo cho anh. Anh Vư lạ nhà không ngủ được, ra ngồi cạnh bếp lửa, lặng lẽ nhìn Lả. Ở buồng gần bếp lửa, ông bố hình như khó ngủ, thi thoảng ho húng hắng. Họ cứ lặng lẽ nhìn nhau, chỉ có một lần, anh vờ đẩy thêm củi vào bếp, rồi khẽ nắm lấy bàn tay của Lả. Cô gái đỏ bừng mặt, thở gấp gáp, mắt liếc vội về buồng của bố, khẽ rút tay về. Sáng hôm sau, ăn vội bát cơm nóng với cá kho, anh nôn nóng cảm ơn và xin phép trở về nhà. Lả e thẹn tiễn anh một đoạn đường, đến cánh rừng đầu bản, anh quay lại cầm chặt hai bàn tay Lả, tha thiết:- Đợi anh Lả nhé! Anh đi bộ đội, rồi anh sẽ về tìm em.Lả nhìn anh, mắt nhòe lệ, rồi gật đầu. Mấy năm trời chiến trận triền miên, hòa bình rồi, anh được gọi về làm việc tai Bộ giáo dục và Đào tạo, với tư cách là một "hạt giống đỏ" của người H'Mông. Anh đã quên dần Lả, có lúc thoáng nhớ tới rồi lại chặc lưỡi: Một lời hẹn vu vơ, ai đợi? Chắc cô ấy đã lấy chồng rồi.

Anh lấy vợ, sinh con và mười mấy năm sau mới trở về công tác tại quê nhà. Năm đó, anh đưa đoàn cán bộ của Bộ Văn hóa đi thăm hội. Đang say sưa giới thiệu về Khau Vai và dịch từ "Khau Vai" là "Hội tình dang dở" chứ không phải là "Chợ tình" như nhiều người nhầm lẫn, rằng nơi đây là để các lứa đôi dang dở tìm gặp nhau chứ không phải đi tìm tình yêu mới như ở chợ tình SaPa, bỗng một thiếu phụ chạy đến ôm lấy anh mà khóc, mà đấm thùm thụp vào ngực anh:- Anh ơi! Sao bây giờ anh mới đến? anh ác lắm. Em chờ anh, đi tìm anh mấy chục Hội rồi…Nhìn mãi, anh mới nhận ra cô Lả ngày xưa, cô đã già và tiều tụy đi nhiều, và đau đớn hơn, trách mình nhiều hơn khi đến giờ cô vẫn chưa lấy chồng.

Từ đó, năm nào anh cũng đi Hội. Họ đã khóc rất nhiều. Nếu gom tất cả nước mắt mấy trăm năm của các lứa đôi dang dở tìm nhau, rồi rỏ xuống nơi này, có lẽ thứ nước linh thiêng kì diệu ấy đã đủ làm ngập cả vùng núi đá Khau Vai này.Đêm hôm đó, anh Vư và cô Lả đã cầm tay nhau đi sâu vào rừng Đào, những đóa hoa Đào cuối xuân cũng bừng nở lần cuối trước khi rụng xuống. Hắn cũng đi tìm người yêu cũ của hắn, đã nhiều Hội rồi em không đến? Em ở đâu? Sao em không về với Hội? Anh tìm em đã bao mùa xuân rồi? Tảng đá chúng mình từng ngồi đã có lứa đôi khác đang chụm đầu tình tự. Cũng giống chúng mình, nước mắt của họ chảy xuống gò má, vào miệng mặn lắm nước mắt ơi!Đã gần hai giờ sáng, hắn lang thang khắp nơi với bước chân vô định. Đúng vào ngày này, thời gian ở đây trôi nhanh lắm. Vừa uống hết vài bát rượu, hỏi nhau dăm ba câu, hát cho nhau nghe một bài hát đắng nghẹn lòng đã hết một ngày. Trong các lùm cây, hình như có tiếng thì thầm, tiếng thở hổn hển, rồi cây lá rung lên bần bật như gặp một cơn dông… Bỗng nhìn thấy người con gái Dao Tiền của hắn chập chờn trước mặt, hét to tên nàng, đuổi theo mà không kịp. Thi thoảng nàng quay lại nhìn hắn, gương mặt đầm đìa nước mắt, rồi lại vùn vụt lướt đi. Hắn cố hết sức đuổi theo, vừa kịp ôm choàng lấy nàng thì nàng tan biến, chỉ còn có gió vùng vằng trong vòng tay. Ai đó vừa rung mạnh hàng trăm cây Đào cổ thụ ven bìa rừng, hàng vạn cánh hoa đỏ thắm bỗng ào ạt đổ xuống, phủ trùm lên hắn một thác lũ hoa, rồi những cánh hoa Đào đỏ tươi như máu theo gió cuồn cuộn trôi về một nơi xa lắm.

Nguyễn Đức Hạnh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh