CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:18

Nước mắt dân nghèo vùng rốn lũ!

 

Nằm trong vùng rốn lũ huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), những ngày này với người dân nơi đây hầu như không ai ngủ, họ phải thức trắng đêm để canh lũ. Mà ngủ làm sao yên được vì sông Bưởi thường ngày mang dòng nước ngọt tưới cho những cánh đồng thêm tươi tốt, bình yên bao nhiêu thì ngày lũ về lại hung dữ bấy nhiêu. Dòng nước lũ cuồn cuộn vượt đỉnh lịch sử cách đây 10 năm đã làm ngập hàng nghìn ngôi nhà ven đê sông Bưởi, cuốn trôi đi biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt của dân nghèo. Ai cũng mong nước rút để trở về nhà…

 

Bị cô lập trong lũ, gần 1.000 hộ dân xã Thạch Định ngập sâu trong nước. 

Gánh lo... mùa bão lũ

Năm nào cũng vậy dù không phải bão, lũ nhưng xã Thạch Định là vùng trũng ven sông, mưa lớn kéo dài thường gây ngập úng cục bộ. Với những người dân xã Thạch Định, lũ lụt có lẽ là một phần gì đó gắn liền với cuộc sống họ. Thế nhưng năm nay lũ lớn, nước sông dâng cao tràn đê, lo ngại sẽ tái diễn tình trạng vỡ đê gây lũ lụt kinh hoàng như trận lụt lịch sử cách đây 10 năm nên nhiều hộ dân xã Thạch Định và các vùng lân cận như: Thành Kim, thị trấn Kim Tân, Thành Hưng...  đã chủ động thu gom đồ đạc, dùng xe tải, xe máy chuyên chở tài sản đến các địa điểm an toàn.

Chị Lê Thị Nhung, cán bộ văn phòng UBND xã Thạch Định cho biết vào sáng 11/10, chị nghe tin thông báo nước lũ tiếp tục tăng, nguy cơ cao nước tràn đê gây ngập lụt nghiêm trọng. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị cũng chỉ kịp chạy về nhà cách đó mấy km ở bên Thị trấn Kim Tân để thu gom đồ đạc, chằng chống lại nhà cửa xong khóa lại, đem hai đứa con sang bên ngoại gửi rồi chị lại tất tả trở về ủy ban xã chống lụt.

"Đầu tối nước bắt đầu tràn qua đê, xã Thạch Định là vùng hứng chịu đầu tiên, vừa chạy đồ chống lũ với bà con trong xã, vừa túc trực lũ lụt với anh em cán bộ ở ủy ban mà lòng nóng như lửa đốt. Nước cứ ngày một lên cao, đến nửa đêm bốn bề bao quanh nước lên trắng băng. Chỉ duy nhất khu vực trung tâm UBND xã, trường học tại đồi Rú là cao nhất, còn tất cả các hộ dân trong xã đều bị nước ngập, nhấn chìm” - chị Nhung nói.

Gửi con ở nhà ngoại, chị Lê Thị Nhung túc trực tại UBND xã, hỗ trợ bà con vùng lũ 

Tại đồi Rú ngày 12/10, nói trong dòng nước mắt bà Lưu Thị Lương, 56 tuổi, trú tại thôn 4 Định Tường, xã Thạch Định kể: “Hôm nay là ngày thứ 2 tôi phải chạy lên đây để tránh lũ, cơm nước không có, may mà ăn ké được với đứa cháu lưng cơm lót dạ để cầm hơi. Ở trên này ngoài tôi ra còn có rất nhiều người chạy lên tránh lũ, thiếu thốn đủ thứ, không có chăn màn, thiếu cơm, nước sạch, giường, chiếu.. Đêm đến luôn phải thức trắng vì muỗi, vì lo sợ nước lũ tiếp tục dâng".

Theo lời bà Lương, gia đình bà thuộc diện khó khăn của xã, hôm lũ tràn về bà chỉ có một mình ở nhà, khi chạy lũ bà chẳng kịp mang theo thứ gì ngoài dắt theo con trâu nghé - thứ tài sản lớn nhất của gia đình mà bà mang theo được. Ngoài ra, mấy sào lúa mới cắt về bà không phơi kịp, lúa đắp đống đấy cùng với mấy con gà, con vịt nuôi thả vườn không kịp bắt đi, giờ đã ngập cả, trôi hết.

"Hoàn cảnh gia đình thì nghèo khó, chồng ốm, vợ cũng ốm đi chữa mãi chưa khỏi, con thì bị đau mắt. Nhà neo người, ông ấy ốm mà phải đi làm xa mãi đêm qua khi nước ngập hết ông ấy mới về đến nơi, sáng nay ông ấy vẫn còn lặn, ngụp dưới nước xem có vớt vát lại được bao lúa nào không. Nước ngập sâu, nhà thì mối mọt mà ngâm lâu không biết có bị sập không? Giờ nhà cửa đành phó mặc cho nước lũ thôi” - bà Lương nói.

Nhà bị ngập hết, bà Lưu Thị Lương phải chạy lên tránh lũ ở đồi Rú 

Có gạo nhưng chẳng thể nấu cơm, bởi củi ướt, bếp chẳng có, ngồi co ro bên hông chiếc xe bò chở rơm được phủ bạt tránh ướt, nhai những hạt lạc sống mang theo khi chạy lũ, chị Trương Thị Ngoan ở thôn 4, Định Tường không khỏi xót xa. Chị cho biết vừa rồi chị được cán bộ xã chuyển cho ít gói mỳ tôm, cùng chai nước cứu trợ, lũ lên cao quá chị cũng chẳng kịp chạy đồ mang theo, lên trên này chị cùng mấy hộ tập trung lại thành một chòi, ăn ở chung với nhau. Lo ăn cho người rồi, hộ nào có trâu, bò lại còn phải lo thức ăn cho trâu bò nữa. Bởi nếu lụt kéo dài, trâu bò không có thức ăn cũng suy kiệt rồi chết đói. Thế nên cũng giống như các hộ khác lên đây, dù chẳng mang được cho mình nhiều chị cũng cố chất được ít rơm khô lên xe để làm thức ăn dự trữ cho chúng.

"Nhà nào có gạo, có nồi niêu, bát đũa thì gom lại sử dụng chung. Có bữa còn phải nhường nhau, chia bữa ăn thành từng đợt, người ăn trước, người ăn sau mới đủ bát đũa ăn. Nước thì hứng nước mưa, một phần được hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đoàn thể. Mọi người cùng cảnh ngộ nên giúp đỡ nhau, bữa ăn cháo, ăn cơm, bữa ăn mì tôm, ai cũng mong nước rút mau để trở về nhà…" - chị Ngoan kể.

Người dân xã Thạch Định dựng lán, làm chòi trên đồi cao để tránh lũ 

 

Cũng về núi Rú tránh lũ đợt này, nhớ lại đêm nước lũ tràn về, bà Bùi Thị Duyên, 76 tuổi, trú ở thôn 4 Định Tường không cầm nổi nước mắt: “Nghe báo động nước lũ dâng lên, giữa đêm tối gia đình tôi gồm cả 2 ông bà già, 2 vợ chồng đứa con trai thứ hai cùng đứa cháu 3 tuổi bồng bế nhau chạy trong đêm tối. Lúc đó chúng tôi chỉ vơ được thêm một bộ quần áo, còn lúa thóc mới thu hoạch, ngan, gà, vịt đều bỏ lại hết. Giờ thì tất cả bị nước nhấn chìm, xem như trắng tay. Đến được nơi an toàn, đêm ấy chẳng ai ngủ được bởi ai cũng lo nước lũ dâng cao. Trong mỗi phòng học, mọi người ngồi quây quần với nhau, chốc chốc lại đón thêm những người khác sơ tán đến đây…”.

Lũ chưa qua lại lo bão đến

Ông Vũ Trọng Hùng – Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết: “Thạch Định là vùng rốn lũ của huyện, vì vậy đây là nơi ảnh hưởng nhiều nhất. Sau khi nước lũ dâng cao, chúng tôi đã cho di tản người dân đến các khu vực an toàn để tránh lũ. Lương thực chủ yếu vẫn người dân tự lo, một số thì do chính quyền hỗ trợ. Sau khi đạt đỉnh lũ, vượt mức lịch sử cách đây 10 năm nước lũ rút rất chậm, nhà cửa của người dân vẫn bị ngập sâu trong nước, nhiều hộ dân vẫn còn đang sơ tán, sống tạm bợ tại các trường học, hoặc dựng lán tạm tại đồi Rú. Các cấp chính quyền, rồi các đoàn cứu trợ đang tích cực hỗ trợ mì tôm và nước sạch để sống qua ngày. Chúng tôi đang chờ lũ xuống mới có thể dọn dẹp được nhà cửa, khắc phục môi trường để sớm ổn định cuộc sống cho bà con, với tình hình này, chắc phải một tuần nữa nước lũ mới rút hết được".

Người dân xã Thạch Định tập trung di chuyển đồ đạc, vật nuôi,tiếp tế nhu yếu phẩm những ngày nước lũ lên cao.

 

Bà Bùi Thị Mười, Bí thư huyện ủy Thạch Thành cho biết thêm: Do ảnh hưởng của mưa lũ nên tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã qua địa bàn nhiều nơi bị chia cắt. Toàn huyện có đến 165/243 thôn bị cô lập, 67 hồ đập bị tràn phải xả lũ. Có những vị trí cô lập phải dùng xuồng di chuyển tới 30-40km mới tới nơi. Riêng xã Thạch Định bị cô lập hoàn toàn, các cấp chính quyền cũng đã tăng cường để hỗ trợ cho người dân đảm bảo không có ai bị đói, khát.

“Trước lũ, huyện đã chủ động sơ tán người đến nơi an toàn nên không có thiệt hại về người. Sau lũ, nước rút đến đâu chúng tôi sẽ tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện, thuốc men…để hỗ trợ người dân, dọn dẹp, vệ sinh môi trường phòng tránh dịch bệnh, sớm ổn định cuộc sống cho các hộ dân.

Hiện tại, nhu cầu cần nhất của người dân là nước sạch, mỳ tôm và thuốc chữa bệnh. Mặc dù năm nay lũ sông Bưởi vượt đỉnh lũ năm 2007 tới 0,39m, tuy nhiên nhiều tuyến đê trên địa bàn đã được Trung ương hỗ trợ đầu tư nên không xảy ra sự cố vỡ đê như 10 năm trước. Nước lũ đã rút nhưng nhiều nơi vẫn ngập, nước sông vẫn cao. 

Các lực lượng dân quân tự vệ, người dân…tập trung hộ đê, xử lý các sự cố tràn đê 

 

Vừa khắc phục hậu quả lũ lụt, huyện Thạch Thành cũng tập trung cao độ để phòng tránh thiệt hại do cơn bão số 11 sắp tới. Bởi hầu hết các vị trí xung yếu, các tuyến đê trên địa bàn đã no nước, nhà dân trong vùng ngập đã ngâm nước lâu nếu bão tiếp tục vào thì hậu quả sẽ không thể lường hết được. Huyện vẫn đang tiếp tục huy động các lực lượng tập trung kiểm tra xử lý hộ đê, đảm bảo an toàn cho người dân và lên phương án di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra...” – bà Mười nói.

Rời đồi Rú trong ánh nắng chiều muộn giữa bốn bề mênh mông nước lũ vẩn đục phù xa, chia tay những người dân nghèo nơi đây mà lòng chúng tôi thêm nhói khi hay tin bão phương xa. Mỗi cơn bão qua, mỗi mùa lũ về, con đường thoát nghèo của nhiều người dân vùng rốn lũ Thạch Thành như lại xa thêm. Trên chặng đường đầy gian nan ấy, những người dân nơi đây rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để họ bớt đi phần nào khó khăn, có thêm nghị lực sống chung với lũ và yên tâm sản xuất, từng bước thoát nghèo. Có như thế cuộc vượt khó, xóa đói, giảm nghèo mới thật sự bền vững.

 

16h ngày 12/10, nước lũ trên sông Bưởi tại thị trấn Kim Tân đạt đỉnh 13,89m, trên mức báo động III là 1,89m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2007 là 0,39m. 5.755 hộ với 16.437 nhân khẩu phải sơ tán. Mưa to đã làm nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm trong huyện bị ngập úng, chia cắt cục bộ. 165/243 thôn trong toàn huyện bị cô lập, 4.308 ngôi nhà ngập sâu trong nước, nhiều công trình sạt lở, hư hỏng….gây thiệt hại lớn cho người dân.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh