THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:25

Nước mắt cậu bé 13 tuổi chăn bò thuê nuôi mẹ

 

Câu chuyện về cậu bé dân tộc Mường ở vùng cao Bản Lụ 2, xã Phúc Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đi chăn bò thuê, kiếm cái ăn nuôi mẹ khiến chúng tôi không ai cầm được nước mắt khi đến thăm. Theo chân của Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, chị Hà Thị Luận chỉ căn nhà nhỏ nằm trơ trọi một mình ở góc một cái hồ to của làng và bảo: “Hai mẹ con em Nghĩa đến chỗ ở cũng không có, nên năm 2014 xã mới xây căn nhà nhỏ này làm nơi trú mưa, trú nắng cho hai hộ gia đình ở chung đó là mẹ con em Nghĩa và một bà cụ sống đơn thân không nơi nương tựa. Hoàn cảnh của gia đình em Nghĩa thì cả vùng ai ai cũng biết, thương lắm, em sinh ra không có bố, mẹ thì không được bình thường như người ta, hàng ngày em đi chăn bò thuê cho một người cùng làng để có cái ăn cho hai mẹ con”.

Sinh ra đã không biết mặt cha, cậu bé Nghĩa lớn lên nhờ từng bữa đi xin ăn của bà ngoại.

Hàng ngày em đi chăn bò thuê, kiếm bữa ăn cho mẹ bởi mẹ yếu không làm được gì.

Mặc dù đã được giới thiệu trước về mẹ bé Nghĩa, nhưng khi gặp trực tiếp chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước cái hình hài quá ư bé nhỏ và có phần “thô kệch” của chị. Hàm răng vẩu, chìa cả ra ngoài, nước da lấm tấm đen cùng chiều cao 1,1 mét, nặng 21 kg, chị hồn nhiên kể: “Lúc nào có cơm ăn thì 22 kg, nhưng bây giờ đói rồi nên chỉ còn 21kg thôi”.

Mẹ không biết chữ nên giấy khen và chứng nhận danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ của con cũng vò nát, cất lẫn đống quần áo bẩn.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố mất sớm, mẹ chỉ sinh được mình chị, giờ chị lại sinh được mình Nghĩa nên nhà neo người không có ai để bấu víu. Kể về việc mang bầu Nghĩa, chị không giấu diếm: “Hôm đó nó say rượu nên vào nhà em, em cũng chẳng biết nó là ai và ở đâu nữa, em chỉ biết dân làng bảo sau khi biết em có bầu nó cũng tự tử chết sau đó rồi”.

Không có anh em để bấu víu, cuộc sống của mẹ con chị Cúc vô cùng khó khăn.

Không có đủ gạo ăn nên chị nấu 1 nồi cơm có khi ăn đến 2 ngày.

Thức ăn của chị Cúc những hôm con không mang cơm về được.

 Nhớ lại ngày người phụ nữ này đi sinh con, chị Luận thương xót: “Chị Cúc đã bé nhỏ, khác người nên khi có bầu rất là khó khăn. Nhà nghèo không có tiền đi đẻ, mà bản thân chị cũng không biết xoay sở ra sao nên các cô giáo trong làng đã hỗ trợ tích cực mới cứu sống được cả hai mẹ con”.

Nghĩa ra đời trong sự cưu mang, đùm bọc của bà con hàng xóm và ăn những gì mà bà ngoại đi khắp nơi xin được về, nhưng giờ thì bà cũng qua đời rồi. Nhớ đến bà ngoại, em khóc nức nở: “Em nhớ những ngày bà ngoại đi xin ăn cho hai mẹ con, bà không ăn đâu vì bà còn để dành cho em nữa. Giờ bà chết rồi, em cũng lớn rồi nên em đi làm để hai mẹ con có cơm ăn”.

Không có cả nước sinh hoạt, chị dùng chiếc can bé xíu, cáu bẩn vào trong làng xin nước.

Mẹ chết đã 3 năm nhưng chị Cúc chưa một lần nào làm giỗ cho mẹ.

Không có bất kì một sự trợ giúp hay thu nhập gì cả, công việc hàng ngày của Nghĩa là sau giờ đi học em lại đi chăn bò, giúp việc thuê cho một gia đình gần đó để có cái ăn. Để tạo điều kiện cho em được tiếp tục đến trường và sinh hoạt hàng ngày, sau giờ làm việc Nghĩa ở lại luôn gia đình người chủ bởi: “Trong nhà em không có nước ăn, không có chỗ tắm rửa, điện thì tối lắm không học được nên mẹ xin cho em ở lại nhà anh chị chủ. Ngày nào em cũng về với mẹ và mang cơm cho mẹ nữa” – Cậu bé Nghĩa kể.

Chia sẻ về việc học hành của em Nghĩa, cô giáo Lan Anh – Tổng phụ trách đội của trường THCS xã Phúc Sơn tỏ ra vô cùng lo lắng: “Hiện tại em Nghĩa đang học lớp 8, nếu cứ theo đà này chắc chắn em chỉ có thể học được hết lớp 9 mà thôi. Cá nhân Nghĩa là một bạn ngoan ngoãn, thông minh và chăm chỉ học tập, ở trường ở lớp ai cũng yêu quý em. Hiện tại trường THCS ở gần nhà nên em vừa đi học, vừa có thể đi làm  để có cái ăn hàng ngày, nhưng khi bắt đầu học đến cấp THPT thì phải đi 8km, nếu có đi học thì em sẽ không đi làm được nữa và như vậy là không có cái ăn hàng ngày nên em sẽ nghỉ học mất thôi. Nếu như em Nghĩa không được học lên tiếp sẽ là một điều vô cùng đáng tiếc vì lực học của em rất khá và hoàn toàn có khả năng học lên”.

Nghĩa nhớ những ngày bà ngoại đi xin ăn nuôi em lớn.

Cậu bé Nghĩa thương mẹ, thương bà nên hàng ngày chăm chỉ đi chăn bò thuê kiếm cái ăn cho hai mẹ con.

Tha thiết mong muốn các cơ quan, đoàn thể giúp đỡ cho em Nghĩa, để em có điều kiện tiếp tục đến trường, anh Hoàng Văn Dào- Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Hoàn cảnh của em Nghĩa là điển hình, đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Tuy nhiên chúng tôi chỉ có thể giúp mẹ con em về chỗ ở, đó là căn nhà tình nghĩa được xây năm 2014, còn về mọi vấn đề khác chúng tôi không giúp được nên rất mong mọi người thương em, giúp em để em tiếp tục được đi học”.

Gương mặt sáng và nụ cười này của em cứ ám ảnh tôi mãi nếu như em phải bỏ học giữa chừng.

Tạm chia tay cậu bé Nghĩa trở về thủ đô, trong lòng tôi ngổn ngang nhiều điều khi nghĩ đến em- cậu bé 13 tuổi với gương mặt sáng, được sinh ra và lớn lên như một “kì tích” bởi cảnh nghèo kiết xác cùng người mẹ không được bình thường. Em đã kể, ước mơ chỉ là được đến trường đi học để thoát cảnh nghèo nhưng chính cơm, áo, gạo, tiền khiến em khó cưỡng lại bởi: “Đi học ở xa rồi, em không chăn bò được nữa nên sẽ không có cái ăn cho cả hai mẹ con”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Em Hà Văn Nghĩa (thôn Bản Lụ 2, xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).

Số ĐT: 0942.625.808 (Cô giáo Lan Anh - trường THCS xã Phúc Sơn).

theo Dân trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh