THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:20

Nước mắm Hà Quảng với nỗi lo “thất truyền”

Khó từ nguyên liệu và đầu ra

Nước mắm Hà Quảng từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon và mang một nét đặc trưng của vùng. Không ai nhớ rõ làng mắm Hà Quảng được hình thành khi nào, chỉ biết có gia đình đã kế thừa nó từ hơn ba đời để lại. Thế nhưng, những năm gần đây nguồn cá cơm, cá nục bỗng dưng giảm sút hẳn, làm ảnh hưởng đến việc làm mắm trong vùng.

Đến nhà chị Trần Thị Thuận, một trong những người làm mắm giỏi và sản lượng lớn nhất làng, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ trước cảnh hàng chục chum vại còn trống, nằm ngổn ngang ở sân sau; cùng với nhiều tấn muối được dự trữ trong kho từ rất lâu chưa được dùng đến. Chị Thuận ngậm ngùi chia sẻ: “Tôi theo ba mẹ làm mắm từ nhỏ, chưa bao giờ lại gặp khó khăn đến thế. Đầu năm đến giờ nguồn cá khan hiếm, gia đình tôi dù cố gắng cũng chỉ muối được hơn ba tấn cá để lọc bán dần, giờ chỉ bán lẻ tại nhà là chính, chứ khó mà tìm kiếm bạn hàng bán buôn”.

Nước mắm Hà Quảng hiện chủ yếu được bán lẻ tại địa phương.

Mọi năm, gia đình chị muối từ 20-50 tấn cá cơm, đến giờ chỉ còn một vài tấn. Hàng chục nhân công từ khâu làm cá đến vận chuyển, nay cũng chẳng có dịp  làm thuê, khách “ruột” từ Đà Nẵng, Nam Ô hay ngoài Huế mọi năm vào ra tấp nập cả vùng, thì đến nay ngày càng vắng. Trước đây có hơn trăm hộ dân làm mắm, bây giờ chỉ còn gần 70 hộ là còn “vươn” với nghề.

Không những  vậy, một thực tế đáng buồn là nước mắm Hà Quảng dù thơm ngon, chất lượng, lại không pha tạp chất bảo quản, nhưng lại khó cạnh tranh với các dòng nước mắm trên thị trường như: Nam Ngư, Đệ Nhị, Phú Quốc,... mặc dù giá cả thì không có sự chênh lệch cao. Trước đây vẫn còn thấy nước mắm địa phương được bày bán ở chợ nhưng hiện này thì gần như mất hút. Liên tiếp những khó khăn ập đến đặt ra dấu hỏi lớn rằng làm thế nào để giữ được làng nghề truyền thống này.

Nguy cơ “thất truyền”

Một khó khăn nữa ảnh hưởng lớn đến việc duy trì làng nước mắm Hà Quảng là dự án du lịch Lũng Lô đang được triển khai buộc 241 hộ dân thuộc khối Hà Quảng Đông, Hà Quảng Tây và Quảng Gia phải di dời sang khu tập trung làng chài, trong đó đa số hộ dân bị di dời là người làm nước mắm làng Hà Quảng.

Mặc dù khu tập trung mới có diện tích đến 26ha, nhưng nhiều hộ dân lo ngại việc làm mắm sẽ bị ảnh hưởng lớn do không gian làng nghề bị hạn hẹp, bởi việc đảm bảo an toàn vệ sinh gần khu du lịch sẽ là khó khăn lớn cho người làm mắm.

Nhiều hộ dân đã bỏ nghề, một số khác thì cắt giảm sản xuất chỉ còn muối 1-2 tấn cá/năm để bán. Trong khi đó thực tế giới trẻ hiện nay  không mặn mà với việc giữ gìn và phát huy nghề mắm của gia đình. Anh Lê Ngọc Trung (khối Hà Quảng Đông) cho biết: “Những thế hệ trẻ sau này có điều kiện thì vào Nam ra Bắc, khó quá thì làm công nhân, chứ ít thấy ai làm mắm, cũng không hẳn vì không thích thú với nghề mà do thu nhập quá ít ỏi nên không đủ chi tiêu”.

Được biết, trong nhiều đợt hội chợ ở thị xã, chính quyền phường Điện Dương cũng đã kêu gọi các chủ sản xuất mắm mang sản phẩm của làng Quảng Gia ra trưng bày, quảng bá nhằm duy trì mặt hàng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên chỉ có một vài hộ gia đình thực hiện, và họ cũng không hy vọng vào khả năng vực dậy làng nghề truyền thống này. Xem ra nguy cơ “thất truyền” của làng mắm Hà Quảng đang hiện ra trước mắt và cần có biện pháp kịp thời, nỗ lực cứu vãn từ chính quyền địa phương.     

THẢO VI-CÔNG THÀNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh