CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:57

Nực cười chuyện đường ống Sông Đà, vỡ 18 lần, không khởi tố vì... vi phạm lần đầu

 

Từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố.
Ngày 14/7, Cơ quan Cơ quan Điều tra - Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can 7 cán bộ thuộc Cty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, Ban quản lý dự án (QLDA) cấp nước sông Đà, cùng một số đơn vị liên quan về hành vi “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết quả điều tra bổ sung của cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, năm 2004, HĐQT công ty Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình - Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tuân - Tổng giám đốc, ông Tô Ngọc Thành, ông Hoàng Hợp Thương và ông Vũ Đình Chầm là các ủy viên khi thực hiện vai trò nhiệm vụ của chủ đầu tư cấp nước sông Đà đã không thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình…Việc làm của các thành viên HĐQT Vinaconex có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra những người này khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có thân nhân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng. Mặt khác kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi nên liên ngành tư pháp Trung ương thấy rằng, không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các thành viên HĐQT Vinaconex.
Theo kết luận điều tra, từ tháng 2/2012 đến tháng 9/2015, tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố. Hậu quả những sự cố này khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho Hà Nội trong thời gian 343 giờ, lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m³, gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân.
Trao đổi về vấn đề này, LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, đối với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải khởi tố hình sự và việc đưa ra các lý do như trên để không xử lý hình sự đối với các cựu lãnh đạo của Vinaconex là không hợp lý.
"Tôi cho rằng vẫn cần khởi tố hình sự trong vụ việc này. Các lý do như người có công với cách mạng, nhân thân tốt hay có đóng góp cho ngành, không vụ lợi... thì chỉ nên là các tình tiết giảm nhẹ được đưa ra tại Toà án khi mang đi xét xử", ông Đức nói.
Một vị luật sư khác cũng cho rằng: "Nếu chỉ là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp không có vốn nhà nước, việc gây thiệt hại về kinh tế không ảnh hưởng tới Nhà nước và người dân thì có khởi tố người có trách nhiệm hay không còn do doanh nghiệp đó đề nghị".
Theo vị luật sư này phân tích: "Nếu như anh làm mất tiền và chỉ anh phải chịu thiệt hại thì không nói làm gì. Tuy nhiên, với những vụ việc như thế này, mỗi lần vỡ ống nước là 70.000 hộ dân ở Thủ đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tiền của, cơ quan điều tra cũng kết luận có dấu hiệu vi phạm hình sự rõ ràng nên cần xem xét khởi tố hình sự, tránh tiền lệ xấu cho các vụ việc khác".
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh: "Trong vụ việc này trước hết cần phải khởi tố hình sự với những người có trách nhiệm, xét xử như thế nào sẽ có Toà án xử sau".
Theo ông Doanh, trong về vấn đề này cũng cần mời các luật sư tham gia phát biểu ý kiến bởi vì đã vỡ đường ống hơn 10 lần, tác động tiêu cực đến đời sống của vài trăm nghìn hộ dân và còn lặp đi lặp lại nhiều lần. Một việc như vậy mà không có thái độ nghiêm túc, không xử lý thì sẽ gây ra tiền lệ xấu.
"Như vậy, doanh nghiệp cứ tiếp tục gây ra những tai họa tới người dân mà không chịu trách nhiệm gì tới pháp luật. Về việc này cần mời luật sư tham gia ý kiến và đề nghị cần có điều tra trách nhiệm hình sự. Đối chiếu theo luật hình sự, những trường hợp sai phạm gây tác động nghiêm trọng cần có truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo tôi trước hết phải khởi tố đã", ông Doanh nói.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh