Nữ tiến sĩ và 5 năm xâm nhập thế giới mại dâm ở Sài Gòn
- Văn hóa - Giải trí
- 13:19 - 12/08/2016
Một đêm hè năm 2006, Kimberly trở về nước với ý định tìm hiểu về thị trường mại dâm ở TP Hồ Chí Minh. Khi đó, cô chưa rõ nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Cách của cô rất đơn giản: bước vào một quán bar, bày tỏ ý định nghiên cứu với chủ quán, hy vọng những cô gái làm việc ở đây sẽ chia sẻ câu chuyện của mình.
Kimberly nhận được cái lắc đầu, đó là điều nằm trong dự tính. Đem việc này kể với một cậu bạn làm pha chế, anh ta khuyên Kimberly nên đến tìm hiểu từ các ông xe ôm thường quanh quẩn ở những khách sạn cao cấp trong trung tâm quận 1. Nghe theo lời khuyên, Kimberly đã được “mở mang” tầm hiểu biết về giới làng chơi ngầm ở TP Hồ Chí Minh phức tạp như thế nào, qua một cuốc xe ôm thâu đêm với giá khoảng 400.000 đồng.
“Tôi không muốn chỉ tìm hiểu một cách qua loa, mà tôi muốn đào sâu tìm hiểu, trò chuyện với những cô gái trong nghề này, và cả những nhu cầu, động cơ của khách hàng khi tìm đến các cô ấy”, Kimberly nói với phóng viên.
Tiến sĩ Kimberly Kay Hoang (33 tuổi) đang giảng dạy tại Đại học Chicago. Ảnh: uchicago.
Để có thể đạt được mức độ tin cậy, cảm thông, Kimberly quyết định vào vai và thực hiện những công việc hàng ngày của những cô gái quán bar trong 23 tháng và kéo dài 5 năm (từ 2006 đến 2010). Tổng cộng, cô đã thực hiện 146 cuộc phỏng vấn với các cô gái, 117 cuộc phỏng vấn với những nam khách hàng, 8 buổi trò chuyện với “má mì” và 5 buổi với những người chủ quán bar.
Theo Kimberly, phần lớn những nghiên cứu về mại dâm ở Việt Nam chủ yếu tìm hiểu các cô gái bắt khách dọc đường. Chưa có nghiên cứu nào thâm nhập sâu vào đời sống của những cô gái quán bar, nên những cố vấn của cô tại các trường đại học Việt Nam cũng đắn đo khi đưa ra lời khuyên về cách thức tiếp cận.
Hóa thân và xây dựng lòng tin
Trong những năm “nhập vai”, Kimberly đã làm việc tại 4 quán bar, từ cao cấp, trung lưu đến bình dân, phục vụ cho 4 đối tượng khác nhau. “Tôi phân loại các quán bar dựa trên 4 nhóm đối tượng khách hàng. Nhóm đầu tiên chính là nhóm cao cấp nhất, bao gồm các đại gia người Việt và những đối tác làm ăn châu Á của họ. Nhóm thứ hai là những người đàn ông Việt kiều, nhóm thứ ba là những doanh nhân và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhóm cuối cùng, cũng là nhóm bình dân nhất chính là ‘Tây ba lô’”, cô nói.
Nơi đầu tiên Kimberly được chấp nhận làm việc là quán bar chuyên phục vụ đàn ông Việt kiều. Chủ nơi này cũng là một Việt kiều, anh ta đồng tình với những quan tâm của Kimberly, cũng như thông cảm với hoàn cảnh một cô gái gốc Việt từ Mỹ đơn độc về Việt Nam.
"Anh ấy che chở tôi như em gái, giới thiệu tôi với một số người phân phối bia, rồi họ lại giới thiệu tôi cho một số chủ quán bar khác... Mối quan hệ này dẫn tới mối quan hệ khác, cuối cùng tôi được vào làm tại một quán bar chỉ chuyên phục vụ những đại gia Việt Nam, có thể nói là tầng lớp giàu nhất".
Những cuộc phỏng vấn diễn ra ở hậu trường, trong giờ “thấp điểm” khi các cô gái đang ngồi chờ khách đến. Đối với "khách hàng", cuộc trò chuyện có thể diễn ra ngay tại quán bar, quán cà phê, hoặc một nơi gần cơ quan của họ.
Ảnh minh họa: AFP.
Tại những quán bar mà Kimberly làm việc, cô không giấu giếm thân phận mà luôn nói rõ mục đích nghiên cứu của mình. "Thoạt đầu, các cô gái tỏ ra ngạc nhiên. Vì sao một người có học vị và điều kiện như tôi lại tìm đến đây làm gì, và vì sao lại quan tâm câu chuyện của các cô ấy. Khi đó, tôi phải nỗ lực để các cô ấy tin tưởng", Kimberly nói.
Trong nhiều tuần đầu tiên, Kimberly học các công việc của đồng nghiệp. Từ phục vụ đến làm việc ở quầy pha chế, ngồi uống với khách, hát karaoke, để khách chạm vào cơ thể.
"Đó là ranh giới mà khi vượt qua thì bạn sẽ không còn là phụ nữ đứng đắn theo quan điểm thông thường. Nhưng nó giúp tôi lấy lòng tin với các cô gái và khách hàng. Khi bước vào đây, tôi không tỏ ra mình tốt hơn hay thông minh hơn các cô ấy. Tôi phải làm công việc giống như họ, tôn trọng công việc của họ".
Kimberly làm việc khoảng 13 tiếng mỗi ngày, và đủ 7 ngày trong tuần. Thỉnh thoảng cô cũng xếp hàng để những vị khách nam chọn. "Nhưng vì tôi già, xấu, chân ngắn và cũng không mảnh mai, không hấp dẫn, nên khi đó chẳng có ai gọi tôi đến bàn cùng uống rượu cả", Kimberly cười lớn khi kể lại.
Sau khoảng 9 tháng liên tục làm việc tại quán bar cao cấp vốn đòi hỏi phải uống rượu hàng đêm với khách nhiều hơn, Kimberly quyết định giảm tần suất công việc. Chuyển sang quán bar bình dân nhất, cô chọn đóng vai người quan sát hơn là hóa thân thành cô gái quán bar thực sự.
Kimberly cho biết cô dễ dàng hòa nhập với các vị khách tại những quán bar cao cấp hơn, vì năng lực ngôn ngữ, nền văn hóa và cách tương tác rất "Mỹ". Sau khi đoán được trình độ của cô, một vị khách thậm chí để nghị Kimberly trở thành "thư ký tình dục" (sex-retary) cho ông ấy với mức lương 3.000 USD/tháng. "Khi đó, trong lòng tôi chỉ muốn đấm một phát vào mặt ông ấy. Nhưng tôi đã kiềm chế, mỉm cười, và cúi đầu từ chối cơ hội này", Kimberly kể.
Quyền năng châu Á và sự suy tàn của châu Âu
Giai đoạn hai trong quá trình nghiên cứu của Kimberly trùng với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, bắt đầu từ năm 2008. Lúc này, Việt Nam hầu như chưa bị ảnh hưởng. Thậm chí, trong giai đoạn khủng hoảng, Việt Nam trở thành một trong những thị trường hấp dẫn tại châu Á đối với nhà đầu tư nước ngoài, FDI năm 2009 gần gấp 3 năm 2006.
Nhưng phần lớn đầu tư nước ngoài của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2009 không phải từ Mỹ hay châu Âu, mà từ châu Á, như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore. Do vậy, hướng nghiên cứu lúc này được mở rộng sang việc sử dụng tình dục như hình thức thanh toán, trao đổi hoặc hỗ trợ trong quan hệ kinh tế như thế nào.
“Cách làm ăn rất châu Á. Quy trình, luật lệ không phải là những yếu tố tuân thủ hàng đầu. Vậy làm sao để xây dựng mối quan hệ và lòng tin? Họ đã làm những điều này tại quán bar.
Quyển sách của Kimberly Kay Hoang tựa đề tạm dịch "Mua bán dục vọng: quyền năng tại Châu Á, suy tàn tại Châu Âu và hình thức tiền tệ ngầm của nghề mại dâm toàn cầu", là tổng hợp trải nghiệm và phân tích khoa học từ 5 năm phục vụ quán bar tại TP Hồ Chí Minh. Cuốn sách đã đạt nhiều giải thưởng học thuật uy tín tại Mỹ.
Đối với đàn ông châu Âu, đến quán bar là để vui vẻ và giải trí. Nhưng đối với đàn ông châu Á, quán bar còn là nơi để tiếp xúc, tìm hiểu lẫn nhau trong các phi vụ làm ăn và ký hợp đồng”, Kimberly nói vớiZing.vn.
Theo quan sát của Kim, điều khiến nhiều nhà nghiên cứu bất ngờ là vị thế của những người đàn ông phương Tây trong các quán bar hạng sang ở Việt Nam lại không phải cao nhất, mà thống trị chính là các đại gia người Việt.
“Bởi vì đàn ông phương Tây không mang theo sẵn thật nhiều tiền mặt để chi trả, trong khi các quán bar hiếm khi nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tấm thẻ trở nên vô dụng, trong khi những đại gia Việt lại rất nhiều tiền và đặc biệt là rất hào phóng. Đó cũng là điều phản ánh một phần từ góc nhìn ‘Quyền năng châu Á và suy tàn của phương Tây’”, Kimberly nói.
Cô nhớ nhất một buổi tiếp khách của một đại gia người Việt với các đối tác Đài Loan. Đến khi thanh toán, biết chắc rằng những đối tác không mang đủ tiền mặt, vị đại gia liền “vung tiền” và tự hào tuyên bố: “Đây là cách chơi của chúng tôi”.
Ông này cũng hào phóng “boa” cho các cô gái phục vụ tổng số tiền 1.100 USD, rồi lại quay sang hỏi đối tác: “Các vị có bao giờ thấy ông Tây hay Việt kiều nào làm như vậy chưa?”.
Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại ĐH Chicago. Bà là chuyên gia về xã hội học có tiếng về các vấn đề giới, toàn cầu hóa, kinh tế xã hội học. Bà có bằng thạc sĩ xã hội học tại ĐH Stanford và bằng tiến sĩ tại ĐH California Berkeley. Nghiên cứu nhập vai của bà tại TP Hồ Chí Minh từng được giải thưởng của Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) vào năm 2012. Nghiên cứu của bà được ASA đánh giá "độc đáo" khi tiếp cận được nhiều góc độ khác nhau của lĩnh vực này. ASA cũng đánh giá nghiên cứu của bà đã "thúc đẩy nhiều phương pháp nghiên cứu xã hội học truyền thống để tiếp cận các vấn đề về toàn cầu hóa" và tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu. |