Nữ tỉ phú Việt và tham vọng 'biến' VietJet thành 'Emirates châu Á'
- Huyệt vị
- 22:25 - 25/05/2016
CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo. ẢNH: AFPCEO
Nguyễn Thị Phương Thảo là người phụ nữ nhỏ nhắn, hay mỉm cười khi trả lời câu hỏi bằng giọng nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bề ngoài dịu dàng không giấu được tính cách thông minh và quyết đoán của bà, hãng tin CNBC viết.
Là người sáng lập kiêm giám đốc điều hành VietJet, bà xây dựng hãng hàng không giá rẻ tư nhân nhanh đến mức chỉ chưa đầy 5 năm từ khi thành lập, số lượng hành khách chọn bay VietJet sắp vượt qua lượng hành khách của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Chia sẻ với hãng tin nước ngoài, bà cho biết mình là một người ham nghiên cứu: "Khi con trai đầu lòng của tôi được vài tháng tuổi, tôi bắt đầu nghiên cứu về các hãng hàng không giá rẻ. Sau đó tôi dành 10 năm để nghiên cứu về hàng không, gặp gỡ các CEO quản lý mảng hàng không giá rẻ như Jetstar, Air Asia và Southwest Airlines”.
Khi đó, ngành công nghiệp hàng không là lĩnh vực khá mới mẻ với bà, người đã tích lũy tài sản từ bất động sản. Bí quyết thành công của CEO VietJet là nghiên cứu và thời gian.
Đi lên từ "hãng hàng không bikini"
Hãng tin Bloomberg gọi VietJet là "hãng hàng không bikini". ẢNH BLOOMBERG
Bà Thảo cũng không sợ việc thu hút sự chú ý và gây tranh cãi. Năm 2012, cái tên VietJet là chủ đề nóng trong nước vì để dàn tiếp viên hàng không mặc áo tắm hai mảnh. Những chuyến bay với các tiếp viên mặc bikini hiện không còn hoạt động song CEO 45 tuổi cho biết: “Nếu một hình ảnh đẹp giúp khách hàng của chúng tôi cảm thấy hạnh phúc, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm”.
Trước nhiều ý kiến chỉ trích vụ việc chỉ là chiêu trò quảng cáo nhằm vào phụ nữ, bà cho hay: “Trên thế giới có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp mà các thí sinh mặc bikini để dự thi. Bikini thể hiện nhiều đặc điểm đẹp. Thông điệp mà chúng tôi gửi đi là ở VietJet, chúng tôi làm điều này vì lợi ích của sắc đẹp và sự hạnh phúc”.
IPO hãng bay chưa đầy 5 tuổi
Hiện VietJet có 34 tuyến bay nội địa và 16 tuyến bay quốc tế, gồm các chuyến đến Singapore, Thái Lan và Myanmar. Với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, VietJet muốn lên sàn chứng khoán trong năm nay.
Bà Thảo chưa bàn về số tiền mà VietJet sẽ có trong chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hay tiết lộ về tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp sẽ đem lên sàn, song chia sẻ rằng kế hoạch của bà là mở rộng ra thị trường quốc tế ở Bắc Á và Đông Bắc Á, tới những điểm đến mới cách Việt Nam 6 giờ bay. Cụ thể, các tuyến bay được đề cập bao gồm tuyến bay đến Trung Quốc, Nga, Nhật Bản (Tokyo, Nagoya và Fukuoka).
Chuyên gia Brendan Sobie thuộc Centre for Asia Pacific Aviation nhận định: “Họ rất tham vọng. Tính đến nay, họ mới tập trung vào thị trường trong nước. Thị trường trong nước là loại quả dễ hái nhất, mọc ở cành thấp nhất. Bây giờ họ tiến đến điểm hoàn thành giai đoạn đầu tiên. Nếu muốn đuổi kịp tốc độ tăng trưởng, họ phải mở rộng ra quốc tế và đó là thách thức lớn hơn. Họ có phần khác khó hơn trong chuyện làm ăn cần phải giải quyết”.
Đợt IPO sẽ giúp VietJet thực hiện kế hoạch tăng đội bay năm 2016, từ 36 chiếc máy bay A320 và A321 lên đến 45 chiếc. Hãng cũng muốn thêm vào hai đường bay nội địa và 18 tuyến bay quốc tế.
Xây dựng VietJet thành “Emirates châu Á”
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong những nữ tỉ phú đầu tiên của Việt Nam. ẢNH BLOOMBERG
CEO VietJet chia sẻ, bà ngưỡng mộ hoạt động kinh doanh của hãng bay Dubai Emirates Airlines và đặt mục tiêu biến doanh nghiệp của mình thành “Emirates châu Á”.
“Họ có tầm nhìn toàn cầu. Emirates là hãng hàng không của một quốc gia nhỏ bé muốn chinh phục thế giới”, CEO VietJet nói.
Bà Thảo thừa nhận rằng, chinh phục thế giới đồng nghĩa với việc phải di chuyển khỏi mô hình hãng bay giá rẻ, song vẫn tin rằng mình sẽ thành công mà không cần thay đổi nền tảng khách hàng cốt lõi và nhạy cảm trước giá cả: “Chúng tôi có thể xây dựng mảng dịch vụ chi phí tiết kiệm và cao cấp. VietJet tự tin vào chất lượng dịch vụ của mình không hề thua kém các hãng bay khác trên thế giới”.
CEO VietJet lấy các bữa ăn trên máy bay làm ví dụ cho tính hiệu quả chi phí: một bữa ăn nóng trên chặng bay TP.Hồ Chí Minh - Singapore của VietJet là 3 USD trong khi các hãng khác có thể tính 10 USD. “Đó là lý do tại sao chúng tôi không xem mình là một hãng hàng không giá rẻ thông thường. Chúng tôi xem mình là một hãng hàng không lai hay hãng hàng không thế hệ mới”, bà kết luận.