Nữ thạc sỹ lương năm hàng trăm triệu nghỉ việc đi làm bảo mẫu
- Công nghệ
- 17:11 - 19/07/2020
01
Người giỏi, làm gì cũng giỏi
Gần đây, có một tin tức bùng nổ trên mạng xã hội.
Lưu Song, một nữ thạc sỹ 32 tuổi biết 2 thứ tiếng ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc gần đây đang trở nên vô cùng hot trên các trang mạng xã hội của đất nước tỷ dân này, và mọi thứ bắt nguồn từ CV của cô khi ứng tuyển cho vị trí bảo mẫu.
CV cho thấy, cô thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, trình độ thạc sỹ, không chỉ từng được công ty lớn cử đi công tác tại Châu Phi, mà còn từng có kinh nghiệm dạy trẻ mẫu giáo, lương năm từng có lúc lên tới 30 vạn tệ (khoảng 993 triệu VNĐ).
Hiện tại chuyển hướng sang ngành dịch vụ gia đình, Lưu Song không hề cảm thấy mất mặt hay xấu hổ: "Làm ngành dịch vụ gia đình này là bước đầu tiên trong ý tưởng khởi nghiệp của tôi, hơn nữa tôi nghĩ những người làm trong ngành dịch vụ gia đình này cũng nên phát triển theo hướng trẻ hóa và có trình độ học vấn cao."
Có không ít công ty vì muốn tranh được Lưu Song mà còn đưa ra những điều kiện rất hấp dẫn, chẳng hạn như đi làm lúc 9h, tan làm lúc 5h, tuần nghỉ 2 ngày cuối tuần, lương tháng 2 vạn tệ (khoảng 66 triệu đồng), đồng thời còn quy định rõ ràng rằng cô chỉ cần chăm sóc các bé, mà không cần phải làm bất cứ việc nhà nào khác.
Ông chủ của công ty mà Lưu Song xin việc cũng bày tỏ rằng: tôi bị thu hút bởi học vấn và kinh nghiệm của Lưu Song, trình độ của cô ấy có thể đáp ứng được những dịch vụ có nhu cầu đòi hỏi cao cấp trên thị trường.
Tin tức này khi vừa được tung ra, đã thu hút rất nhiều ý kiến bình luận. Có người tán đồng, có người mỉa mai.
Có người nói: Ai quy định học vấn cao thì không được làm bảo mẫu, tôi ủng hộ dũng khí dám làm của Lưu Song.
Có người lại thấy với học vấn như vậy mà làm công việc này thì quả thực rất phí, dẫu sao thì cái "ngưỡng" của ngành này cũng quá thấp so với một thạc sỹ.
Còn có người lại cho rằng đây chỉ là chiêu trò muốn giật title, kêu mọi người giải tán.
Thật cũng được, chiêu trò cũng chẳng sao. Nhưng chuyện này rất đáng để chúng ta suy nghĩ.
Không ai có thể phủ nhận rằng thạc sỹ hai thứ tiếng là niềm tự hào, sự tự tin của Lưu Song, và cũng là thứ giúp phân biệt cô với những bảo mẫu thông thường.
Dù là một ngành nghề không đòi hỏi quá cao về học vấn hay trình độ như một vài ngành khác, nhưng người có trình độ học vấn và năng lực cao vẫn có thể dựa vào kiến thức, nguồn lực và sự nỗ lực của mình để tạo ra những ưu thế khác biệt.
Nếu không thì vì sao làm bảo mẫu thôi mà Lưu Song vẫn được trả những 2 vạn tiền lương, rồi còn đính kèm rất nhiều đãi ngộ mà những người khác không có được?
Cái gọi là 360 nghề, nghề nào cũng xuất trạng nguyên, quan trọng không phải là ngành nghề bạn làm, mà là vị trí mà bạn ở.
Người có trình độ học vấn cao thường có năng lực học tập rất tuyệt vời, họ sẽ không ngừng tìm kiếm giá trị độc đáo của bản thân, và theo thời gian, khoảng cách giữa bình thường và ưu tú cũng dần được kéo dãn ra.
Cá nhân tôi cho rằng, đây mới là mấu chốt của vấn đề.
Năm ngoái, cậu em họ tôi tốt nghiệp một trường cao đẳng, cậu ấy có đi tới phỏng vấn cho một công ty nọ, không ngờ nhà tuyển dụng lại nói đúng một câu: lần tuyển dụng này chúng tôi chỉ nhận những sinh viên thuộc khối kỹ thuật của đại học A, đại học C và đại học F, những người không thuộc 3 trường này có thể ra về, để tránh lỡ dở thời gian của các bạn.
Cậu em họ tôi buồn bã nói:
Cứ tưởng anh hùng thì không hỏi xuất thân, đi phỏng vấn rồi mới biết, thì ra, trình độ học vấn chính là giấy thông hành nơi việc làm. Không có cái này, căn bản là sẽ không có ai tính tới chuyện bàn về năng lực với bạn.
Nói thật lòng thì trình độ học vấn hay bằng cấp có quan trọng hay không, bạn cứ thử đi phỏng vấn tìm việc làm một lần rồi sẽ biết.
02
Những người có trình độ học vấn cao, đang giành miếng ăn với bạn
Năm ngoái, có một tin tức rất hot ở Trung Quốc đó là ở Trịnh Châu, Hà Nam của nước này, có một nhà hàng lẩu tuyển nhân viên, và họ yêu cầu rằng nhân viên phải tốt nghiệp từ các trường trong đề án 985 của Trung Quốc (đề án những trường đại học nằm trong vị trí hàng đầu thế giới của Trung Quốc), lương năm trên 20 vạn (khoảng 662 triệu VNĐ).
Nhà tuyển dụng giải thích rằng, tuyển chọn những nhân tài cao cấp như vậy là để tăng cường khả năng cạnh tranh và xây dựng đội ngũ của công ty.
Nhiều người để lại bình luận mỉa mai rằng: giờ công việc bưng bê thôi cũng phải cần đến bằng cấp cao rồi này!
Mỉa mai thì mỉa mai nhưng sự việc này cũng cho thấy một chân tướng tàn khốc của xã hội: bằng cấp, ngoài miệng thì ai cũng nói là không quan trọng, nhưng trong lòng thì lại rất coi trọng nó.
Công ty nói không có khung tham chiếu nhất định nào cho nhân tài, nếu bạn tin thì gay go rồi!
Có một thực tế đó là các đơn vị tuyển dụng, muốn trong vòng vài phút phán đoán được năng lực của một người, vậy thì phương pháp đơn giản nhất chính là nhìn vào bằng cấp, trình độ học vấn, danh tiếng trường đại học…
Tàn khốc, nhưng đây chính là hiện thực. Trình độ học vấn kém hơn một chút, cuộc đời quả thực kém cả một đường dài.
Khi đi tìm việc, bạn sẽ phát hiện ra tiến sỹ với thạc sỹ, thạc sỹ với cử nhân, thường là "cú đánh giảm chiều".
Hai người dù năng lực không hơn nhau là bao, nhưng chỉ một cái bằng thôi cũng đủ để kéo dãn khoảng cách giữa hai người.
Đặc biệt là trong giai đoạn cả thế giới ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện tại, thiếu gì những nhân tài ở nước ngoài muốn về nước lập nghiệp, có thể thấy, cạnh tranh trong tương lai sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Ngày xưa, có những công việc mà dù bằng cấp không cao cũng có thể làm được, nhưng giờ nhân tài ngày càng nhiều, tiêu chuẩn tất nhiên cũng sẽ ngày càng cao hơn, nước dâng thì thuyền cũng phải được nâng lên cao hơn thôi.
Có câu nói rất hay rằng: bạn xem bằng cấp là tờ giấy bỏ đi, thị trường cũng xem bạn là đồ bỏ đi.
Có những việc dù bạn không muốn đối mặt, nhưng nó vẫn cứ ở đó: những người có trình độ học vấn cao hơn bạn, lại nỗ lực hơn bạn, đang cướp đi miếng ăn của bạn.
03
Bản chất của học hành, là cơ hội để được lựa chọn
Trên mạng có một câu hỏi rằng: bản chất của học hành, rốt cuộc là gì?
Có người nói là để thêm kiến thức, làm phong phú nhận thức.
Có người nói là để tìm được một công việc tốt, để giàu có hơn.
Không sai, nhưng cá nhân tôi cho rằng, bản chất của học hành chính là nó trao cho chúng ta cơ hội để đưa ra lựa chọn.
Khoảng cách lớn nhất giữa người với người nằm ở điều này.
Đối với những người thuộc tầng lớp trên mà nói, tài sản lớn nhất, thực ra không phải những vật chất hữu hình, mà là những cơ hội vô hình.
Dù bạn chỉ là một người bình thường, thì bạn vẫn có quyền chọn, và còn có vô số cơ hội để thử và sai.
Đối với những người thuộc tầng lớp thấp hơn, tàn khốc nhất không phải là không có tiền, mà là không tìm được con đường để bước lên một đẳng cấp cao hơn.
Dù bạn có thông minh tài trí tới đâu, nhưng nếu tài năng đó của bạn không được nhìn thấy, không được phát hiện, không có đất dụng võ, vậy thì bạn cũng khó mà có thể đổi đời.
Trong bộ phim Mỹ "Không lùi bước", sau khi người anh bị cảnh sát đánh chết, người em nói với người cảnh sát già đang truy bắt mình rằng:
"Nghèo khổ giống như bệnh di truyền của dòng họ tôi vậy, nó truyền từ đời này sang đời khác.
Ông tôi không học hành, ba tôi không học hành, tôi cũng chưa từng đi học.
Tôi đi cướp là để có tiền cho con trai đi học để trở thành luật sư, không cần phải đi cướp nữa."
Thực ra, nghèo một đời không đáng sợ, đáng sợ là nghèo từ đời này sang đời khác, đời đời kiếp kiếp vẫn mãi vật lộn ở phía dưới của xã hội.
Chúng ta sở dĩ nghèo, trông thì có vẻ như là vì thiếu tiền, nhưng thực ra là chúng ta đang thiếu đi thông tin và tầm nhìn. Những thứ này, ngoài học hành ra, thì con cái của những gia đình nghèo khổ có thể lấy được chúng từ đâu?
Năm ngoái, tin tức Huawei tuyển dụng tiến sỹ với mức lương trên trời nổi khắp mạng xã hội.
Những tiến sỹ vốn có xuất thân bần hàn, thông qua học hành, nghiên cứu và rèn luyện, họ nghiễm nhiên kiếm được cho mình mức lương năm hàng tỷ đồng.
Đây không chỉ là bước tiến lớn của một người, mà nó còn giúp cả một gia đình thoát ra khỏi lời nguyền nghèo suốt đời suốt kiếp.
Vậy mới nói, đối với người bình thường, cơ hội để thay đổi vận mệnh hoàn toàn không thiếu, và học hành cho tử tế chính là một trong những con đường tốt nhất.
Bằng cấp, trình độ học vấn không thể thay đổi tất cả, nhưng ít nhất nó cũng không khiến bạn đến tư cách để đặt một bước chân vào một ngưỡng cửa mới, để được người khác nhìn thấy cũng bị tước đoạt mất.
Học hành nghiêm túc, tử tế, có thể nó không giúp bạn đứng được trên đỉnh kim tự tháp, nhưng nó giúp không để bạn rơi xuống vực thẳm. Một lá thư nhập học mỏng manh kia, cũng có thể là bước ngoặt trong vận mệnh của chúng ta.
04
Đừng lựa chọn an ổn, nhàn hạ ở độ tuổi cần phấn đấu
Dưới đây là ghi chép của một bạn sinh viên:
1:00: Cô bán hoa quả ven đường bắt đầu dọn hàng.
1:30: Anh shipper vẫn đang ship đồ ăn đêm cho những người tăng ca.
2:00: Người đàn ông trung niên vừa về nhà sau bữa nhậu với khách hàng.
3:30: Tài xế chở hàng đã sẵn sàng để lên đường.
4:30: Bác bán đồ ăn sáng chật vật len lỏi qua từng con hẻm.
5:00: Các công nhân vệ sinh bước xuống con phố ẩm đạm, đánh thức cả thành phố.
Có một chân lý tàn khốc đó là: bạn không chịu được cái khổ của việc học hành, vậy thì bạn sẽ phải chịu cái khổ của cuộc sống mưu sinh.
Trình độ học vấn tuy không phải vạn năng, nhưng nó có thể giúp bạn giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Sinh viên của các trường đại học lớn đi đâu cũng được hoan nghênh, trong tay mấy cái offer, thích chọn cái nào thì chọn.
Trong khi sinh viên của các trường cao đằng, trường nghề hay các trường ít tiếng tăm hơn lại chỉ có thể "được chọn".
Đừng oán than điều này là không công bằng, bởi lẽ học hành, vốn dĩ đã là một điều công bằng hiếm có trên thế giới.
Bất kể có xuất thân, điều kiện hay giới tính ra sao, thì ai nấy cũng đều dùng mồ hôi nước mắt và một tờ giấy thi để có thể bước vào một trường đại học danh tiếng.
Đợi tới khi bước ra xã hội rồi, bạn sẽ phát hiện ra, điều không công bằng ngoài xã hội còn nhiều hơn bạn tưởng nhiều.
Vì vậy, tôi khuyên bạn, nếu không phải con ông cháu cha, cậu ấm cô chiêu, vậy thì ở cái tuổi nên học hành thì hãy học hành cho tử tế.
Ít nhất nó cũng giúp bạn không phải rơi xuống đáy của xã hội.
Ngược lại, những người chỉ lo ăn chơi đàn đúm, cho rằng học hành là vô dụng, chẳng qua cũng chỉ là đang tự bào mòn đi hạnh phúc trong tương lai của họ mà thôi.
Xã hội tự có nguyên tắc của nó, người nỗ lực sẽ chỉ khó khăn ở một giai đoạn nào đó của cuộc đời, nhưng người không cố gắng thì chắc chắn sẽ vất vả cả đời.
Nói cho cùng, đáng sợ nhất không phải bạn không có trình độ học vấn, mà là bạn xem thường nó.
Những người luôn miệng nói bằng cấp vô dụng, hoặc là người đã đứng sẵn trên đỉnh kim tự tháp, chưa bao giờ phải đi xuống, đứng nói chuyện mà không phải khom lưng; còn không thì sẽ là người ở mãi dưới vực sâu, với không được nho rồi kêu là nho chua, không thèm.
Tôi cá là bạn không phải là kẻ trước, nhưng cũng hi vọng bạn đừng làm kẻ phía sau.