Vụ bạo lực học đường ở Hưng Yên: Cục Trẻ em yêu cầu hỗ trợ điều trị tâm lý cho nữ sinh
- Dược liệu
- 21:13 - 31/03/2019
Báo động bạo lực học đường
Theo thông tin mới nhất, Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên đã tạm đình chỉ công tác đối với hiệu trưởng nhà trường và cho nghỉ công tác chủ nhiệm với giáo viên chủ nhiệm lớp để điều tra, xác minh.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam yêu cầu xử lý nghiêm những vụ bạo lực trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam khẳng định, việc chính quyền huyện Ân Thi sớm họp khẩn và tạm đình chỉ hiệu trưởng Trường THCS Phù Ủng, điều chuyển giáo viên chủ nhiệm ngay trong sáng 30/3 là hành động kịp thời theo đúng Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, xử lý nghiêm người đứng đầu chậm trễ không can thiệp vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Lãnh đạo Cục Trẻ em cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối với địa phương để triển khai biện pháp để hỗ trợ cho nạn nhân. Hiện nay, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND huyện Ân thi đã vào cuộc để làm rõ vụ việc. Quy định về hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại đang được triển khai khá tốt. Hiện nạn nhân đang trong tình trạng hoảng loạn về tinh thần, lãnh đạo địa phương đã xuống và có biện pháp hỗ trợ vì nạn nhân hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nam đánh giá, sự việc xảy ra đã gây sốc cho dư luận vì đây là hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, thân thể của bạn học. Hành vi này thể hiện sự đáng báo động trong quan hệ giữa học sinh trong trường học. Tuy các em mới lớp 9, là học sinh trung học cơ sở nhưng đây là hành vi không thể chấp nhận được, cần có biện pháp phòng ngừa và giáo dục tích cực hơn. “Để xảy ra các vụ việc bạo lực học đường là trách nhiệm của ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, thậm chí là trách nhiệm của các đoàn đội trong trường học... phải thường xuyên nắm bắt diễn biến về tâm lý, các mối quan hệ trong trường học để phòng ngừa”, ông Nam nhấn mạnh.
Từ vụ đánh hội đồng bạn học ngay tại nhà trường tại Hưng Yên và hàng hoạt các vụ việc bạo lực học đường xảy ra, ông Đặng Hoa Nam cho rằng hệ thống giáo dục kỹ năng sống trong trường học còn rời rạc và manh mún. Trong khi giáo dục kỹ năng sống cần được xây dựng kỹ lưỡng, phù hợp với từng độ tuổi thì trong thực tế việc này chưa hình thành hệ thống, cập nhật kiến thức. Để phòng ngừa, cần phải tăng cường công tác tâm lý học đường để tháo gỡ kịp thời bất ổn trong các mối quan hệ giữa học sinh với nhau, giữa giáo viên với học sinh.
Mặc dù trong điều kiện hiện nay, mỗi trường học chưa thể có ngay một nhân viên, chuyên gia tâm lý học đường. Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh cần căng cường hỗ trợ dịch vụ tâm lý học đường cho các trường học vì đây đang là hoạt động cấp bách. Tăng cường giáo dục kỹ năng phòng ngừa, kỹ năng lên tiếng cho học sinh có nguy cơ là nạn nhân bạo lực là hoạt động quan trọng trong trường học. Ngoài việc dạy kiến thức cơ bản, các trường học cần cập nhật giáo dục các em kỹ năng xử lý các vấn đề xã hội đang nổi lên. “Hệ thống ngành giáo dục phải ưu tiên triển khai, có chiến lược, kế hoạch lâu dài để phòng ngừa tích cực các hành vi bắt nạt học đường, bạo lực học đường,” ông Đặng Hoa Nam nói.
Phòng chống bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà còn đòi phụ huynh học sinh cần có sự quan tâm, thường xuyên trao đổi với các em về những vấn đề ở lớp, ở trường để có biện pháp hỗ trợ cho trẻ tháo gỡ. Ngoài ra, Tổng đài Quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 có dịch vụ tư vấn, nhân viên tư vấn sẽ giúp đỡ các em cách tháo gỡ vấn đề vướng mắc.
Từ những vụ việc bạo lực học đường gần đây, đặc biệt là qua vụ việc này, ông Đặng Hoa Nam cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị với Bộ GD&ĐT sớm tổ chức cuộc hội thảo triển khai các biện pháp phòng ngừa bạo lực trong trường học. Trong đó, nhấn mạnh triển khai gấp một số biện pháp như: Tăng cường giáo dục pháp luật cho cả giáo viên lẫn học sinh, đặc biệt là pháp luật về bảo vệ trẻ em; Triển khai tốt tư vấn tâm lý trong học đường; Hình thành mạng lưới có những cơ sở, dịch vụ tâm lý bên ngoài cung cấp cho trường học.
“Để giúp học sinh phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực học đường, sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL giới thiệu, truyền bá rộng rãi hơn nữa tổng đài 111 trong hệ thống trường học, bệnh viện hoặc các thiết chế văn hóa để tư vấn cho trẻ em. Riêng trong trường học đều có các áp phích ở sân trường, lớp học để nhận biết và sử dụng phím số 111, nhớ và thuộc như các số điện thoại 113, 114, 115”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Em Y. hiện vẫn chưa thể đến trường.
Nữ sinh vẫn chưa thể đến trường
Sau khi bị nhóm bạn cùng lớp lột đồ, đánh dã man, ngày 28/3, N.T.H.Y., học sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên), được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên điều trị. Sau hai ngày, dù tâm lý đã ổn hơn, H.Y. vẫn mệt mỏi, còn nhiều vết bầm tím, sưng ở mặt.
H.Y. cho biết đây không phải lần đầu tiên em bị bắt nạt. Trước đó, nhóm bạn này nhiều lần đánh em vì không làm theo lời họ. Cô giáo đã cảnh cáo nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Hôm 22/3, H.Y. bị đánh dã man do không cầm mũ ca nô hộ một bạn và không viết cam kết hộ bạn khác. Ngoài ra, một nữ sinh trong nhóm cho rằng H.Y. viết thư cho người yêu của bạn đó nên đánh em, dù Y. phủ nhận.
Cuộc hành hung tập thể của bạn học khiến nữ sinh lớp 9 bị tụ máu mắt, trên mặt nhiều vết bầm tím. H.Y. chia sẻ em có thể tha thứ nhưng chưa dám quay lại học với các bạn vì sợ.
Về phía H.Y., hành động dã man cùng lời đe dọa của các bạn học khiến em hoảng loạn. Nữ sinh tâm sự em rất sợ và cô đơn bởi bố mẹ đi làm, ông bà đã già nên không biết chia sẻ với ai. Trong lớp, H.Y. cảm nhận được một số bạn đứng về phía em nhưng họ cũng không dám lên tiếng hay can ngăn vì sợ. Nữ sinh này chia sẻ mình không phải nạn nhân duy nhất. Một bạn học khác cũng bị đánh, quay clip và tung lên mạng nhưng đến nay, vẫn chưa dám báo lại với người lớn. N.T.H.Y. cho biết, em tha thứ cho những bạn đã đánh mình nhưng chưa dám đi học lại vì sợ các bạn.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần kinh Hưng Yên cho biết, Y. nhập viện với chẩn đoán ban đầu là phản ứng stress cấp, có sang chấn về mặt tâm lý tinh thần. Hiện tại, tình hình sức khỏe của Y. tiến triển tốt, chưa đến mức độ phải dùng đến thuốc tiêm, chủ yếu điều trị bằng thuốc uống, thuốc bổ não và các loại vitamin nhóm B. Dù vậy, bệnh nhân vẫn còn hơi sợ hãi.