1. TIÊN PHONG ỦNG HỘ THƠ MỚI
Nguyễn Thị Kiêm sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha là tri huyện Nguyễn Đình Trị (Huyện Trị), đồng thời cũng là cây bút nổi danh trong làng báo thời ấy. Thừa hưởng gen viết báo từ cha, nên ngay từ khi còn học trung học Nguyễn Thị Kiêm đã đam mê sáng tác thơ, viết báo. Khi bắt đầu cộng tác với các báo Nguyễn Thị Kiêm thường viết những bài báo về cuộc sống hôn nhân gia đình của phụ nữ đương thời và ký tên với bút danh Myn, Nguyễn Văn Myn, Lệ Thủy.
Khi học giả, nhà thơ Phan Khôi đăng bài thơ “Tình già” trên Báo Phụ nữ Tân văn số 122 ra ngày 10/3/1932, được coi là bài thơ khởi xướng đánh dấu sự ra đời của phong trào Thơ mới, lập tức được Nguyễn Thị Kiêm viết bài ca ngợi và bênh vực, ký tên là Nguyễn Thị Manh Manh (nữ sĩ Manh Manh). Nhận xét về bài thơ “Tình già”, bà viết, tuy hình thức không được gọn, nhưng nội dung tình tứ rõ ràng, dễ hiểu và chân thực. Sau bài thơ “Tình già”, bà còn có nhiều bài viết ca ngợi giọng điệu mới mẻ trong bài thơ “Trên đường đời” của Lưu Trọng Lư và nhiều bài thơ của các tác giả phong trào Thơ mới khác. Những bài báo ca ngợi ủng hộ phong trào Thơ mới của bà trên báo Phụ nữ Tân văn khi ấy đã đưa bà lên vị trí tiên phong cổ vũ cho phong trào Thơ mới trên văn đàn và được đông đảo độc giả, giới báo chí, văn chương biết đến.
Không chỉ viết bài, nữ sĩ, ký giả Manh Manh còn hăng hái đăng đàn diễn thuyết về Thơ mới thu hút đông đảo giới báo chí, văn chương, học sinh, sinh viên tham gia. Điển hình như cuộc diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn vào tối ngày 26/7/1933 (khi bà mới 19 tuổi), sau này được cố giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét “đây là cuộc tấn công của Thơ mới vào thơ cũ một cách thật quyết liệt”.
Theo tường thuật của báo chí thời ấy, chính trong buổi diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn, nữ sĩ, ký giả Manh Manh đã nhấn mạnh rằng, phải phá bỏ tất cả niêm luật của thơ ca cũ để có thể trình bày cảm xúc một cách phóng khoáng hơn, tinh tế hơn. Muốn cho tình tứ không vì khuôn khổ mà bị đẹt mất (nghĩa là khó phát triển), thì rất cần phải có một lối thơ khác với lối thơ xưa nên gọi là Thơ mới.
Cũng trong buổi diễn thuyết, nữ sĩ, ký giả Manh Manh mạnh dạn chỉ ra những hạn chế của các thể thơ truyền thống, trong đó có thơ Đường luật. Theo bà, thơ Đường luật là một lối thơ rất bó buộc về câu chữ, chặt chẽ về luật bằng chắc, phép đối chữ, đối câu và vì khuôn khổ niêm luật rất phiền phức, nên người làm thơ đường luật luôn bị gò bó trong phạm vi hẹp. Cuối cùng bà khẳng định, thơ Đường luật không còn phù hợp, bởi bao cái hay, bao ý tưởng sâu sắc đều đã có những người tài xưa phô tả rồi, người đi sau vì cái vòng niêm luật ấy phải lặp lại câu cũ ý xưa thành ra không thích hợp với sự đời đang diễn ra. Từ sự kiện diễn thuyết cổ vũ về Thơ mới của nữ ký giả Manh Manh đã tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi, quyết liệt kéo dài trên báo chí cả trong Nam lẫn ngoài Bắc khi ấy.
Không chỉ viết báo, đăng đàn diễn thuyết bênh vực, cổ vũ Thơ mới mà bà còn sáng tác nhiều bài thơ theo phong trào Thơ mới, được độc giả yêu thích, như: Viếng phòng vắng, Thơ gởi cho em Vân, Mộng du, Canh tàn, Lá rụng, Sa đà, Hai cô thiếu nữ, Đêm khuya qua Xuân Lộc… Trong bộ sách Việt Nam thi nhân tiền chiến (tập 2, xuất bản 1968, tại Sài Gòn) có giới thiệu 4 bài Thơ mới của bà với những câu thơ trữ tình da diết và mới mẻ. “Em ơi nghe lóng nghe/gió đêm thoáng qua cửa/lụn tàn một góc lửa/lạnh ngắt chốn phòng the/Não dạ dế tỷ tê/gió ru thiết chi nữa/em ơi khêu chút lửa/rồi lại ngồi đây nghe” (Canh tàn).
Tuy làm thơ không nhiều và cũng chưa xuất bản tập thơ nào thời ấy, nhưng chính sự cổ vũ rất nồng nhiệt của bà với phong trào Thơ mới nên đã được hai nhà phê bình văn học nổi tiếng là Hoài Thanh - Hoài Chân trân trọng nhắc đến trong cuốn Thi nhân Việt Nam, xuất bản năm 1941.
2. ĐẤU TRANH CHO NỮ QUYỀN
Không chỉ là người nhiệt huyết đi tiên phong cổ vũ cho phong trào Thơ mới, ký giả, nữ sĩ Manh Manh còn hăng say hoạt động xã hội, đòi giải phóng phụ nữ và bình quyền với nam giới. Với sở trường là phỏng vấn, bà đã có rất nhiều bài báo mang tính phê bình, đả kích tập tục hủ bại trọng nam khinh nữ, vấn nạn tảo hôn, đa thê, bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nữ giới.
Năm 1934, khi tròn 20 tuổi, ngoài viết báo, nữ sĩ, ký giả Manh Manh còn tích cực đăng đàn diễn thuyết ở những thành phố lớn như: Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… với nội dung phong phú, sâu sắc về vấn đề nữ quyền như: “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”; “Một ngày của người đàn bà tiên tiến”; “Có nên tự do kết hôn chăng”; “Nên bỏ chế độ đa thê không?”. Trong những buổi diễn thuyết trước đông đảo công chúng (đa phần là phụ nữ) bà mạnh mẽ lên tiếng: “Chủ nghĩa phụ nữ là làm thế nào để giải phóng phụ nữ khỏi những lễ giáo hủ bại, bênh vực quyền lợi cho phụ nữ, kiếm những cách sinh hoạt cho chị em để sự sống của mình được hoàn toàn hơn, và nâng cao trình độ trí thức của mình”. Theo chủ kiến của bà: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ và ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”. Bà kêu gọi nữ giới vượt ra khỏi buồng the, chẳng theo lễ giáo cũ để cũng đi học, đi làm như đàn ông và tự do đi, đứng, nói cười, ra giữa công chúng vợt banh, đá cầu, lập hội hè, đến chỗ đông mà tranh cãi. Sự thành công qua những buổi diễn thuyết của bà đã tạo phong trào phụ nữ mới hết sức sôi nổi, thúc đẩy các bà, các chị tham gia nhiều hoạt động xã hội ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng thời ấy.
Năm 1936, nữ sĩ, ký giả Manh Manh tích cực tham gia phong trào Đông Dương Đại hội và là một trong 2 phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương Đại hội tại Sài Gòn, cùng với các nhân vật nổi tiếng như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Trịnh Đình Thảo. Đây là quãng thời gian hoạt động xã hội sôi nổi, nhiệt huyết của bà với vai trò vừa là nữ ký giả, vừa là người của tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm góp phần giác ngộ quần chúng về các quyền lợi sống còn, dân chủ, tự do.
Sự nghiệp báo chí và văn chương của bà đang hứa hẹn một tương lai xán lạn thì báo Phụ nữ Tân văn bị đình bản năm 1935, khiến bà mất đi một diễn đàn để đăng tải những bài báo cũng như những bài thơ tâm huyết. Năm 1937, bà kết hôn với nhà thơ, ký giả Trương Văn Em (tức Lư Khê) là một trong những người nổi tiếng của nhóm “Hà Tiên tứ kiệt” gồm các nhà thơ: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc Hà, Lư Khê. Cuộc hôn nhân của bà với Lư Khê kéo dài không lâu, khi đứa con đầu lòng của họ mất và bà cũng không thể có con được nữa. Năm 1950, bà lấy chồng người Pháp và qua Pháp sống cho đến khi mất (năm 2005), thọ 91 tuổi.