CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:20

Nữ GS Việt tại Mỹ: Soi nước thải ra bệnh Covid-19 với độ nhạy chính xác tới 99%

Theo GS. Minh Đỗ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois (VISHC), Phó Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học VinUni, GS. Helen Nguyễn hiện là chủ nhiệm của dự án nghiên cứu giám sát dịch tễ nước thải của VISHC. Đây là dự án về kiểm soát Covid-19 và những mầm bệnh khác thông qua giám sát dịch tễ nước thải. Theo đó, chỉ cần lấy mẫu nước thải để khoanh vùng dịch thay vì xét nghiệm từng người, từ đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí.

GS. Helen Nguyễn rời Việt Nam vào năm 1990 và bắt đầu học địa chất trong 5 năm, sau đó học tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Yale. GS. Helen Nguyễn hiện là giảng viên xuất sắc Khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Kỹ thuật Grainger, Đại học Illinois Urbana-Champaign (UIUC).

Nữ giáo sư có rất nhiều kinh nghiệm làm việc về lĩnh vực giám sát dịch tễ nước thải ở Mỹ và nhiều khu vực trên thế giới như khu vực Trung Đông, châu Phi,… Nhưng đây là lần đầu tiên bà trở về Việt Nam, quê hương của mình để làm việc, với cơ hội là nhận được nguồn tài trợ từ VISHC.

Đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới suốt 2 năm qua đã bộc lộ những lỗ hổng và sự quá tải trong hệ thống y tế của nhiều nước, trong đó có cả các nước có nền y học tiên tiến nhất.

GS. Helen Nguyễn là chủ nhiệm dự án giám sát dịch tễ nước thải lần đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

GS. Helen Nguyễn là chủ nhiệm dự án giám sát dịch tễ nước thải lần đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: NVCC

Theo GS. Helen Nguyễn, trong y tế, cái quan trọng nhất là cần phải dự phòng trước, đặc biệt là cần dự phòng ở thời điểm chưa trở thành vấn đề. Covid-19 chính là minh chứng. Khi chúng ta không ngờ Covid-19 bùng phát thì nó lại trở thành hiện thực. Do đó, dự phòng trong y tế là điều rất quan trọng.

Dự án giám sát dịch tễ nước thải đã được thực hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó ở gần Việt Nam nhất có thể kể đến như Hong Kong, Thái Lan… Thế nhưng thực tế ở Việt Nam thì vẫn chưa có dự án về giám sát dịch tễ nước thải.

"Là một người sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Tre (Hà Nội) thì tôi cảm thấy rất mong muốn công nghệ về giám sát dịch tễ nước thải sẽ lan tỏa được đến với càng nhiều người Việt Nam càng tốt", GS. Helen Nguyễn chia sẻ.

Vì sao cần giám sát dịch tễ nước thải?

Giám sát dịch tễ nước thải có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là trong việc phát hiện và khoanh vùng các khu vực bị nhiễm Covid-19. Thực tế việc thực hiện test Covid-19 mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc của mọi người. Trong khi đó, việc phát hiện ra virus gây bệnh Covid-19 hoàn toàn có thể phát hiện bằng cách xét nghiệm nước thải (phân) của con người.

Sau khi thực hiện xét nghiệm ở một khu vực, cụm dân cư, theo GS. Helen Nguyễn, chúng ta có thể thông báo kết quả đến cơ quan y tế cộng đồng và các đại diện cơ quan chức năng, từ đó để họ đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Nhóm nghiên cứu tham gia dự án giám sát dịch tễ nước thải do GS. Helen Nguyễn là người hướng dẫn trực tiếp. Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu tham gia dự án giám sát dịch tễ nước thải do GS. Helen Nguyễn là người hướng dẫn trực tiếp. Ảnh: NVCC

"Tôi rất tự tin về dự án giám sát dịch tễ nước thải tại Việt Nam, bởi trước đó tôi đã thực hiện dự án này tại Illinois trong 2 năm qua và đạt được nhiều thành công, thậm chí còn đề cập được với Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật của Mỹ và các y tế cộng đồng ở Mỹ", GS. Helen Nguyễn cho biết.

Theo GS. Helen Nguyễn, những gì thiết lập ở bên Mỹ cho dự án này đang được chuyển giao và bắt đầu được thực hiện tại Việt Nam. Dù mới được thực hiện trong khoảng 1 tháng, nhưng dự án giám sát dịch tễ nước thải tại Việt Nam, do Đại học Illinois phối hợp với Đại học VinUni triển khai đã có những thành công bước đầu.

"Ban đầu nhóm nghiên cứu của chúng tôi thực hiện xét nghiệm nước thải ở một số trường học tại Việt Nam và đã xác định được virus gây bệnh Covid-19", GS. Helen Nguyễn chia sẻ.

Ưu điểm vượt trội của giám sát dịch tễ nước thải

Giám sát dịch tễ nước thải giúp phát hiện sớm ra Covid-19, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian. Ảnh: promegaconnections

Giám sát dịch tễ nước thải giúp phát hiện sớm ra Covid-19, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian. Ảnh: promegaconnections

Dự án giám sát dịch tễ nước thải được thiết kế để phù hợp với môi trường của Việt Nam, thậm chí công cụ mà nhóm nghiên cứu của GS. Helen Nguyễn tạo ra cũng ở ngay tại Việt Nam. Chính vì vậy, nữ giáo sư tin rằng, không có lý do gì mà Việt Nam của chúng ta lại không thể áp dụng được công nghệ này.

Giám sát dịch tễ nước thải có nhiều ưu điểm. Theo GS. Helen Nguyễn: "Thứ nhất, nó tiết kiệm chi phí hơn nhiều trong việc thu thập dữ liệu tại các khu vực dân cư tập trung đông người. Một mẫu nước thải có thể cung cấp dữ liệu về tỷ lệ lây nhiễm trung bình của hàng nghìn người. Ưu điểm thứ hai là phát hiện sớm. Giám sát dịch tễ có thể cho kết quả lây nhiễm hay sự bùng phát của dịch bệnh trước 1 - 2 tuần để cảnh báo sớm người dân thực hiện những biện pháp phòng tránh. Đây chính là ưu điểm vượt trội của dự án nghiên cứu về giám sát dịch tễ nước thải".

Bên cạnh việc giúp phát hiện ra bệnh Covid-19, dự án giám sát dịch tễ nước thải còn giúp cải thiện tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam.

Trên thực tế, ở Việt Nam, nhiều người thường mua thuốc ngay tại quầy mà không cần kê đơn của bác sĩ. Điều này ngày càng làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam. Do đó, dự án này nhằm hướng tới việc cung cấp cho các y, bác sĩ những thông tin để hiểu hơn về tình trạng sử dụng kháng sinh ở Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp và kịp thời

Ngay từ khi về Việt Nam, GS. Helen Nguyễn cũng đã tìm hiểu về hệ thống nước thải ở đây. Quả thực, hệ thống nước thải ở Việt Nam có nhiều cái khác so với Mỹ. Đương nhiên là dự án giám sát dịch tễ nước thải có thể áp dụng ở Việt Nam. Nhưng có điều là sẽ tốn công, tốn sức hơn.

Chỉ 2,8 triệu đồng/1 lần xét nghiệm cho 2.000 người

Ngoài ra, theo GS. Helen Nguyễn, để xác định được các biến chủng mới, thì các nhà nghiên cứu cần phải giải chuỗi trình tự gen, và việc này rất tốn kém tiền bạc. Do đó, tại phòng nghiên cứu của GS. Helen Nguyễn cùng các cộng sự tại Đại học Illinois đã phát hiện ra cách sử dụng PCR để có thể xác định được các biến chủng mới, và với chi phí phải chăng hơn.

Theo GS. Helen Nguyễn, sau 1 tháng thử nghiệm dự án giám sát dịch tễ nước thải tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu ước tính chi phí là 125 USD (khoảng gần 2,8 triệu đồng) cho 1 lần xét nghiệm và sẽ còn giảm xuống nữa nếu được tự động hóa, nhưng có thể kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên cả một cộng đồng dân cư 2.000 người. Trong khi đó, bằng số tiền tương tự, chúng ta chỉ có thể xét nghiệm được cho 5 người nếu mỗi cá nhân đến xét nghiệm tại bệnh viện.

"Tôi hy vọng sau khi công nghệ về giám sát dịch tễ nước thải được chuyển giao thì sẽ được nhân rộng ở Việt Nam. Đây chính là kỳ vọng của tôi với dự án này", GS. Helen Nguyễn chia sẻ.

Giám sát dịch tễ nước thải là một trong 4 dự án chính của Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois (VISHC), hợp tác hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học và khoa học dữ liệu. Trung tâm VISHC được Tập đoàn Vingroup tài trợ 13,5 triệu USD để hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển các công trình nghiên cứu có tác động tích cực đến sức khỏe của con người với chi phí thấp và dễ tiếp cận.

PV

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh