THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:14

Nữ Đại biểu Quốc hội Khóa XIV - tiềm năng và hoạt động thực tiễn

Tiềm năng quan trọng của Quốc hội

Các số liệu đầu nhiệm kỳ cho thấy, nhìn chung, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị mọi mặt của nữ ĐBQH khóa này cao hơn nhiều khóa trước: Hầu như tất cả nữ đại biểu đều có trình độ cao đẳng, đại học trở lên (trong đó có 74 đại biểu có trình độ trên đại học, bằng 56,49% tổng số nữ đại biểu, trong số này có 10 tiến sĩ và 6 PGS-TS); có 40 đại biểu có chuyên môn pháp luật, bằng 24,54% tổng số ĐBQH có chuyên môn này; 106 nữ đại biểu có trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị, bằng 80,92% tổng số nữ đại biểu, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị, 3 Bí thư Tỉnh ủy, có 5 nữ đại biểu là thành viên Đảng đoàn - thành viên UBTVQH (trong đó có Chủ tịch QH và Phó Chủ tịch Thường trực QH), có 1 nữ đại biểu là Phó Chủ tịch Nước...

Đây là tiềm năng to lớn của QH. Thực ra trong tiềm năng này cũng đã lột tả một phần kết quả hoạt động thực tiễn của các nữ đại biểu. Vì kết quả hoạt động trước đó có đạt đến một hiệu quả nhất định “đủ lượng, đủ chất” thì chị em mới được tín nhiệm giữ các chức danh quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Các nữ Đại biểu Quốc hội bên hành lang kỳ họp.

 

Những hoạt động thực tiễn

Trong bất kỳ một cơ quan, đơn vị, tổ chức nào, người đứng đầu đều có vai trò đặc biệt quan trọng. Tầm trí tuệ, đạo đức, tư cách, phương pháp lãnh đạo, phong cách làm việc của họ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả công tác của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó và ảnh hưởng sâu đậm đến thái độ làm việc của cấp dưới theo “quy luật” tâm lý lan truyền. Số nữ đại biểu có vị trí quản lý, lãnh đạo, điều hành ở QH qua 3 năm của nhiệm kỳ này cho thấy, phần lớn trong số họ đã để lại được những ấn tượng tốt đẹp.

Trước hết là các chị luôn luôn có tư duy đổi mới, không bằng lòng với những gì đã đạt được, mà hàng quý, hàng kỳ, hàng năm, thời gian sau công việc phải tốt hơn thời gian trước. Đối với QH, có lẽ nhiều người đều có chung nhận định, mỗi kỳ họp đều có những cải tiến, đổi mới nhất định, công việc nhiều hơn, quy trình, trình tự chặt chẽ, logic hơn mà thời gian kỳ họp lại ngắn hơn, và theo đó là sự hài lòng hơn của đại biểu và cử tri. Có kết quả đó là do ĐBQH đã cố gắng thực thi ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của đại biểu; là công sức chuẩn bị ngày càng chu đáo của UBTVQH và các cơ quan hữu trách; nhưng không thể không nói đến công sức của lãnh đạo QH mà đứng đầu là Chủ tịch QH. Chủ tịch QH luôn tuân thủ thời gian và công việc (giờ nào việc nấy), đây cũng là một yêu cầu của khoa học quản lý. Trong những đề xuất đổi mới, có lẽ nhiều cử tri tâm đắc với đổi mới chất vấn mà Chủ tịch QH vừa là người có ý kiến kết luận nội dung đổi mới, vừa là người điều hành. Nghị trường nhiều khi căng thẳng nhưng cũng lắm khi vui vẻ rộn tiếng cười khi Chủ tịch QH “bổ sung” ý kiến...

Các nữ đại biểu đứng đầu Ủy ban và các Ban, tinh thần làm việc là “hết mình” (phải hết việc, chứ không phải hết giờ). Một số Chủ nhiệm Ủy ban, Trưởng ban cũng có những nét độc đáo, sắc sảo trong công việc, phát biểu có “nội hàm”, mạch lạc, phương pháp truyền đạt có sức lan tỏa. Các văn bản của Ủy ban và các ban được chỉ đạo chuẩn bị công phu, chu đáo, là cơ sở góp phần cho UBTVQH chuẩn bị nội dung kỳ họp nhanh gọn, hiệu quả hơn...

Đối với các nữ đại biểu khác, từ đầu khóa đến nay, cũng như toàn thể QH, nữ đại biểu đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm trước QH, trước nhân dân, tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát tại các ngành, các địa phương, chuyển tải được ý kiến của cử tri đến QH, hăng hái hoạt động ở nghị trường. Thảo luận kinh tế - xã hội, góp được những ý kiến khả dụng là một việc khó (phải huy động tổng hợp năng lực, trí tuệ và phương pháp làm việc), nhưng có thể nói nhiều nữ đại biểu đã “ghi điểm” ngay từ buổi đầu.

Theo ghi chép của chúng tôi, tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ Hai (tháng 10.2016) đã có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (bằng 22,10%); tương tự như vậy, tại Kỳ họp thứ Tư (2017) là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và Kỳ họp thứ Sáu (2018) là 21/88 (23,86%). Các con số này nói lên rằng, số lượng và tỷ lệ ý kiến của đại biểu nữ qua các kỳ họp ngày càng tăng lên. Với 27% nữ đại biểu trong tổng số ĐBQH thì các tỷ lệ 22,10% và 23,86% đã chỉ rõ, tuyệt đại bộ phận đại biểu nữ đều đã hăng hái tham gia phát biểu, tỏ rõ chính kiến của mình.

Định lượng là như thế, còn định tính cũng cho thấy, bên cạnh sự mạnh dạn, thẳng thắn, trung thực là rất nhiều ý kiến có tính chuyên môn, nghiệp vụ có chất lượng cao, ý thức chính trị, tinh thần xây dựng của nữ đại biểu rất đúng mực.

Chỉ riêng các ý kiến của nữ đại biểu cũng cho thấy “bức tranh toàn cảnh” về các vấn đề xã hội khá rõ nét những “gam màu” khác nhau giữa các vùng và ngay trong một vùng; giữa các vấn đề và ngay trong một vấn đề. Trong đó, về tình hình đói nghèo, một nữ đại biểu tỉnh Gia Lai, tại Kỳ họp thứ Tư đã trình bày khá rõ nét một số đặc trưng của Tây Nguyên. Điển hình là dân di cư tự do đến định cư quá đông, đã có tới 51/54 dân tộc sinh sống tại vùng này; sự phân hóa giàu nghèo giữa đồng bào di cư tự do và đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ là vấn đề nổi cộm, phải được giải quyết; kinh tế tự sản, tự tiêu, tự cấp, tự túc vẫn tồn tại; trình độ dân trí thấp... Sau khi nêu tình hình, đại biểu này “kết luận”: Xóa đói, giảm nghèo không thể chỉ bằng sự vươn lên của chính các hộ nghèo. Đại biểu kiến nghị, bởi vậy Nhà nước đã ban hành 9 văn bản là khung chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 (gồm 2 nghị quyết của QH, một Nghị quyết của Chính phủ, một chỉ thị và 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ) nhất thiết các ngành hữu quan, các địa phương phải thực hiện cho được với hiệu quả cao nhất...

Về vấn nạn giả mạo, trục lợi chính sách thương binh, một nữ đại biểu tỉnh Bắc Kạn, trong 7 phút đã trình bày như một chuyên đề hoàn hảo với những dẫn liệu cụ thể, lời lẽ thuyết phục, trong đó có tình trạng “cò mồi” ngang nhiên đặt giá cho từng mức độ thương tật giả mạo. Đại biểu nêu lên 5 nhóm vấn đề cần được làm rõ và xử lý rốt ráo. Một là, bản thân từng đối tượng giả mạo có tự mình làm được hồ sơ không, tại sao quy trình xác nhận rất chặt chẽ nhưng vẫn có hàng trăm hồ sơ giả mạo trót lọt. Hai là, có hay không sự cấu kết của một số cán bộ có thẩm quyền với kẻ giả mạo? Ba là, cán bộ vi phạm chính sách nhất thiết phải bị xử lý nghiêm khắc, vì chính sách thương binh là một trong những chính sách người có công hết sức thiêng liêng, là sự đền đáp công ơn các thế hệ đã hy sinh một phần máu xương vì Tổ quốc. Bốn là, tại sao vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài với số lượng lớn nhưng cấp cơ sở không phát hiện được, chỉ khi thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Bộ Quốc phòng vào cuộc theo đơn tố giác của người dân thì sự giả mạo mới được phơi bày? Năm là, có hay không tâm lý sợ mất uy tín nên cơ sở không chủ động kiểm tra? Phải bảo vệ người tố cáo như thế nào để họ được an toàn?... Từ đó, đại biểu kiến nghị: Phải tiếp tục thanh tra và xử lý nghiêm minh tất cả các vụ việc gian lận, trục lợi chính sách để bảo đảm ý nghĩa thiêng liêng và tính ưu đãi, ưu việt của chính sách...Cũng cần nói thêm rằng, nữ đại biểu này có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng vào công tác xây dựng pháp luật, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018...

Và kỳ vọng

Nhìn chung nữ ĐBQH khóa này có những điểm chung nhất là: Trình độ học vấn (cấp độ được đào tạo) khá cao; nhiệt tình, năng nổ trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có trách nhiệm cao trước cử tri, trước QH, gắn bó chặt chẽ, linh hoạt với cử tri; đã từng bước rút kinh nghiệm nên càng về sau hoạt động càng có hiệu quả hơn và cách thức, phương pháp hoạt động cũng từng bước được hoàn thiện, đổi mới mạnh mẽ hơn... Hy vọng rằng, hai năm cuối nhiệm kỳ, nữ ĐBQH sẽ tiếp tục khắc phục tốt hơn một số nhược điểm, khiếm khuyết (vẫn có chị em ngại ngần, chưa hoặc ít phát biểu; phát biểu ít có chiều sâu - nói hết thời lượng mà chưa nói được gì; phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ...), gạt bỏ được những vấn đề đó thì chắc chắn sự đóng góp công sức, trí tuệ cho QH của nữ đại biểu còn to lớn hơn và hiệu quả hơn nhiều

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh