CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Nữ cựu TNXP “nặng nợ” với đời

 

Bà Trần Thị Kim Liên.

 

Gặp bà Liên trưa một ngày tháng 7, khi vừa từ phường về, bà phấn khởi khoe, vừa hoàn thành ý tưởng “hiến kế” lập lại trật tự lòng lề đường khu vực chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TP.HCM). Sắp tới, UBND quận sẽ dựa vào những ý tưởng đó để giải quyết dứt điểm nạn hàng rong, trả lại sự thông thoáng cho khu chợ để các tiểu thương yên tâm buôn bán. Hình ảnh tối ngày “lo chuyện bao đồng” của bà dường như đã quá quen thuộc với người dân phường 14 và phường 11, quận Gò Vấp. Khi thì người ta thấy bà Liên tất bật đi vận động mọi người chung tay chia sẻ với một hoàn cảnh khó khăn trong phường, khi thì lại kiên nhẫn thuyết phục mấy thanh niên nghiện ma túy trong hẻm từ bỏ “cái chết trắng” để quay về con đường hoàng lương. Với công tác của Hội cựu TNXP bà cũng rất nhiều lần cùng đồng đội giúp người dân và chính quyền hòa giải những khúc mắc, mâu thuẫn giữa mọi người.

Chẳng thế mà từ lâu Hội cựu TNXP của phường trở thành “địa chỉ tin cậy” của người dân, ai có gì bức xúc cũng tìm đến Hội, đến bà Liên.

Người con gái An Giang theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống từ thời trẻ. Năm 1977, khi vừa tròn 22 tuổi Trần Thị Kim Liên tham gia TNXP, đóng quân ở nông trường Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM). Năm 1982 về làm thủ kho ở Tổng cục Hậu cần, rồi làm công nhân xí nghiệp da giày. Năm 2001 biến cố bất ngờ ập đến, chồng mất lúc bà đang mang thai đứa con thứ hai, cùng lúc phát hiện mắc bệnh tim. Sức khỏe yếu, con nhỏ không ai chăm sóc, bà đành nghỉ việc ở xí nghiệp để đi bán vé số. Sau một thời gian bà thuê sạp ở chợ Hạnh Thông Tây để buôn bán, kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ.

 

Cựu TNXP Trần Thị Kim Liên (ngoài cùng bên phải) tham gia trồng cây lưu niệm.

 

Trong quãng thời gian bán vé số, bà đi khắp các hẻm, ngách nên chứng kiến nhiều cảnh khổ của người dân nghèo, chịu oan ức, bị chèn ép trong khi trình độ không có, khi “đụng chuyện” chỉ biết… chửi đổng, cuối cùng chịu ấm ức, thua thiệt. Với “máu” của người cựu TNXP, thấy chuyện gai mắt không chịu được, nên bà đã chỉ cho người dân cách để đòi lại lẽ công bằng, hướng dẫn họ đến các cơ quan công quyền để trình bày. Cơ quan nào giải quyết chưa thỏa đáng, bà lại cùng người dân kêu lên cấp cao hơn …

Nhưng cũng chính những việc làm này đã biến bà thành “cái gai” trong mắt một số người, vì đụng đến “miếng cơm” của họ. Rất nhiều lần bà bị người ta đến tận nhà chửi bới, thậm chí dọa đánh. Đỉnh điểm là khi bà về bán ở chợ Hạnh Thông Tây, chứng kiến cảnh hàng trăm sạp hàng của tiểu thương phải “trùm mền” vì ban quản lý chợ hậu thuẫn cho các gian hàng tự phát mọc lên để thu phí. Vì bị giành hết khách từ vòng ngoài, các sạp trong chợ ế ẩm, khiến những người buôn bán lâu năm phải “treo sạp” dẫn đến cảnh nợ nần, một số người còn phải vay nặng lãi để trang trải cuộc sống. Bất bình, bà đã viết đơn khiếu nại gửi đến công an phường đề nghị điều tra làm rõ. Thay vì giải quyết khiếu nại một cán bộ công an phường đã vô cơ tố ngược lại, cho rằng bà đi “thưa mướn” để kiếm tiền, thậm chí còn đòi làm hồ sơ bắt bà. Không chỉ vậy, “giang hồ” còn đến tận nhà đánh con gái bà đến ngất xỉu để dằn mặt. Nhưng bà vẫn kiên trì, vì tin rằng “cây ngay không sợ chết đứng”, nhiều người dân thấy bà bị oan ức đã đến giải oan cho bà.

Hiện bà Liên rất vui vì những nỗ lực giúp các tiểu thương trong chợ Hạnh Thông Tây đã không uổng phí. Đến thời điểm hiện tại chính quyền địa phương đã rất quan tâm để chấn chỉnh hoạt động của chợ và cũng đã có những hành động cụ thể giải quyết nạn “chợ tự phát” để những tiểu thương trong chợ yên tâm buôn bán.

LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh