THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:25

Yêu đời, lấy... nhiều vợ, đẻ nhiều con và sống hồn nhiên hơn

 

Trần Lực thì cười rất tươi mà rằng: "Nhiều người nghĩ tôi trên phim như thế nào, chắc ngoài đời cũng thế. Không hẳn thế đâu, có người gặp tôi ngoài đời thất vọng tràn trề ấy. Họ bảo sao trên phim ông ấy lạnh lùng, đàn ông thế mà ngoài đời mồm miệng như tép nhảy thế này. Vui lắm (cười)".

“Tôi hài lòng, kể cả thành công và thất bại”

- Thời anh là diễn viên xa ngái rồi. Thời điểm từ giã sự nghiệp diễn xuất để chuyển sang làm đạo diễn anh có tiếc không?

Năm 1997, tôi thôi không đóng phim nữa, đến 2002 tham giaNguyễn Ái Quốc ở Hong Kong,chính thức là vai diễn cuối cùng. Tôi không hẫng, dù rất mê nghề diễn xuất. Nhưng nghề đạo diễn, sản xuất phim lại kéo tôi vào, làm rồi lại thấy mê.

Nhiều khi nghĩ, lúc mình có tiền đáng nhẽ đầu tư và đất cát còn hơn là đầu tư vào cái của nợ này (sản xuất phim - PV). Thế nhưng chẳng hiểu sao tự dưng cứ đùng đùng đi làm phim, tiền thu được có một tí, nhưng nói thật lại thấy khỏe, yêu đời, lấy... nhiều vợ, đẻ nhiều con và sống hồn nhiên hơn (cười).

- Có đạo diễn nói cách diễn của Trần Lực cũng không có gì đặc biệt, anh chỉ đơn thuần đưa con người của mình lên màn ảnh?

Tất nhiên rồi, làm nghệ thuật thì cái tôi rất quan trọng. Không chỉ trong nghề diễn, mà nghề đạo diễn cũng thế, mình phải kiên định với cái mình cho là hay, điều này quan trọng lắm.

Còn các đạo diễn cho rằng tôi đưa bản thân mình vào vai diễn, đó là thắng lợi đấy, diễn viên diễn làm sao mà khán giả cảm thấy hình như ngoài đời cậu ấy cũng gặp cảnh như thế là đạt rồi. Tôi đọc nhiều, nên có vốn sống tương đối cho nghề diễn.

- Từ khi khởi nghiệp đạo diễn, anh tự đánh giá phim mình làm ra ở mức độ nào?

Tôi tự nói về phim của tôi, tất nhiên là hay rồi (cười).

- Anh tự nhận là hay, dựa trên căn cứ nào?

Thời tôi làm phim có cái may là ít hãng làm, mình được quyền chọn kịch bản hay, từ chối làm phim dở. Giờ khác nhiều lắm, tiền đặt trước mặt, có từng này tập, ông có làm không, cũng cám dỗ lắm.

Phim của tôi thời trước được đại đa số khán giả chấp nhận, vì đơn giản khi làm tôi thực sự thích câu chuyện đó. Ví dụ Chuyện nhà Mộc, đề tài chính luận nói về giáo dục thi cử Việt Nam đầy rẫy những bất cập, phi lý. Tôi lại muốn chuyển thành bi hài, khiến cho câu chuyện dễ tiếp nhận, các nhân vật trong phim đã được người xem đồng cảm rất lớn.

- Cho đến thời điểm này, anh có hài lòng với cuộc sống không?

Tôi hài lòng, kể cả thành công và thất bại. Đã làm là phải chấp nhận, được thì hưởng, thua thì chịu.

Cuộc sống hết vui lại buồn, hết buồn lại vui, có đủ cung bậc mới phong phú chứ. Lúc nào cũng vui tưng bừng khói lửa thì thành thằng dở hơi. Còn suốt ngày buồn thì tự vẫn cho rồi.

Công việc nhiều khi lo toan bạc hết cả tóc, lúc mất cả đống tiền ngồi há cả mồm, làm đến bao giờ cho lại?! Nhưng kệ, kể cả lúc làm trong sự uất ức, rồi lại tìm thấy niềm vui, lại cảm ơn nhờ cái thằng cướp tiền mà mình có động lực. Cuộc sống nó thế, sợ nhất là nó bằng phẳng.

Trần Lực và con trai

“Muốn làm một sân khấu nhỏ của tôi”

- Anh là người gặp rất nhiều thuận lợi. Anh sinh ra trong một gia đình đầy đủ. Những năm 1980 cả nước đang trong giai đoạn bao cấp rất khổ thì anh được đi du học. Đến năm 1991, khi anh trở về đất nước đã đổi mới, có rất nhiều cơ hội kiếm tiền...

Bạn bè tôi cứ đùa rằng, tôi như là người từ nhung lụa ra. Nhìn thì đúng như thế, nhưng cuộc sống không thế đâu, ai cũng phải cố gắng.

Trước tôi không ý thức được mình phải cố gắng thế nào, chỉ làm việc vì đam mê thôi. Bạn tôi từ ngành sân khấu chuyển nghề đầy vì không tiếp tục được. Còn tôi, nếu cứ lý trí mình phải thế này, thế kia thì... chắc không vượt qua được.

- Xuất phát điểm của anh là sân khấu, nhưng anh đã chuyển sang diễn viên, đạo diễn, giờ là sản xuất phim. Dường như anh là một người khá uyển chuyển trong cơ chế này?

Khi tôi học sân khấu ở Bulgaria về Việt Nam năm 1991, thấy xã hội khác thời bao cấp lắm rồi, mọi thứ đều rất sôi động và nhộm nhoạm.

Lúc đó, tôi cũng máu làm sân khấu lắm, nhưng lại không hiểu về xã hội mình. Dù ngồi đối diện với bố mẹ, với anh chị mình đấy nhưng tôi cũng không hiểu mọi người sống thế nào. Tôi lại không muốn trói chân vào một công việc nhà nước.

Sau đó, tôi có về Cục Nghệ thuật biểu diễn, và đó là những năm tôi được đi nhiều nhất. Tôi tham dự tất cả các hội diễn sân khấu chèo, tuồng, hát bội, đờn ca tài tử... trên toàn quốc. Vẫn giữ mong ước được làm sân khấu tư nhân, nhưng thời đó không được phép.

Thời gian ấy, tôi được mời đóng Chuyện tình bên dòng sông, lần đầu tiên mới biết cái nắng chang chang của cồn cát, thấy người dân Quảng Bình sống như thế nào. Có đi mới thấy cuộc sống này thật rộng lớn. Đi miết đến năm 1996, con cái lúc đó toàn để ở nhà cho ông bà chăm. Thực sự nếu không có một gia đình ấm cúng phía sau hậu thuẫn thì tôi không làm được gì cả.

Mọi người cứ nghĩ rằng tôi chuyển qua điện ảnh khó khăn nhưng vì tôi sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố làm ngành sân khấu, mẹ là diễn viên chèo, có chú là đạo diễn... nên khi chuyển đổi không thấy khó khăn.

Nhưng đến giờ, tôi rất ngại đi xem sân khấu, vì xem xong lại thấy máu nghề sôi sùng sục lên, cứ nghĩ về sân khấu chẳng tập trung để làm gì được.

- Tại sao một người đam mê công việc như anh lại có thể chấp nhận một day dứt kéo dài, và không chuyển hóa được?

Đó là vì cuộc sống, bạn ạ, nó cứ kéo mình đi. Tôi với ông bạn thân Trung Anh ở nhà hát kịch bao lần định làm sân khấu nhỏ. Thời đó, thuê được địa điểm thì sẽ có sân khấu. Nhưng tất cả những điểm đẹp đều thuộc Nhà nước. Nếu họ cho mình thuê thì cũng chỉ 3 năm, trong khi mình cần ít nhất 7 năm nên không thể làm được.

- Nhưng vẫn có những cách khác, như dựng vở, cộng tác với các nhà hát?

Chẳng biết nói thế nào, nhưng tôi không thích làm việc trong các đoàn. Tôi muốn làm sân khấu của tôi, vở diễn của tôi với những người cùng chí hướng.

Nhìn vào kịch mục sân khấu của các nhà hát bây giờ toàn chuyện sinh hoạt hàng ngày, tâm lý xã hội đời thường. Quan điểm của tôi là hãy để truyền hình làm, còn sân khấu cần làm những thứ đậm chất nghệ thuật, tính ước lệ cao, với những thủ pháp mới. Vở của các đoàn hiện nay đều na ná nhau, không có gì mới, cũng ngần ấy nhân vật, rồi tắt đèn chuyển cảnh...

- Anh chia sẻ với tư cách một khán giả có hiểu biết và rất khó tính. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tôi nghĩ phải bắt tay vào làm mới thấy sân khấu đầy rẫy khó khăn.

Nói chung không nói trước được cái gì. Nhưng nghệ thuật phải có gì mới. Không chê khán giả được đâu, để lôi kéo được họ phải có gì đặc biệt, phải có đột phá, sân khấu phải khác đi, tìm kiếm những cách thức mới.

- Nói thế này anh có ngại các đồng nghiệp không, vì đứng ở ngoài nói bao giờ cũng dễ hơn?

Có thể đứng ngoài nói dễ hơn, nhưng tôi nghĩ sân khấu là như thế.

- Trong tình cảnh sân khấu như thế này, chắc anh đã cảm thấy may mắn vì không theo nghề này?

Tôi rất đau khổ vì không đủ dũng khí theo từ đầu. Nếu thay đổi được thì tốt, không thay đổi được, thì mình cũng hài lòng vì đã làm hết mình.

Tôi thực sự rất mê sân khấu. Hồi bé tôi đã có cơ hội được nghe những giọng ca hay nhất thời đó. Những Tú Lệ, Văn Thành, Đào Mộng Long... khi các cụ đã bước ra sân khấu là thấy không khí khác ngay.

Những thế hệ sau như: Nguyệt Ánh, Cao Phương, Văn Hiệp, Tú Mai, Hà Văn Trọng. Cải lương có cụ Long Ngũ, cụ Cả Tam, cụ Trà, cụ Tốn. Các cụ ngày xưa đều là trùm gánh hát, đều là những nhân tài. Đến giờ tôi vẫn nghe chị Bình, cháu cụ Cả Tam, hát. Giọng hay đến mức không phải nghệ sĩ trẻ nào cũng hát được như thế.

Trần Lực và cậu bé Bờm, con trai anh tham gia show truyền hình "Bố ơi mình đi đâu thế"

“Việc anh anh làm, việc tôi tôi làm”

- Nhiều người đánh giá Trần Lực là người mềm dẻo, khéo léo và rất khôn ngoan.

Tôi dễ tính, dễ chấp nhận. Có cái mình phải bỏ qua, chấp nê làm gì.

- Chắc hẳn những đổ vỡ, những thất bại thời trai trẻ đã đem đến cho người đàn ông sự bình tĩnh?

Hồi trẻ tôi có quan niệm là “việc anh anh làm, việc tôi tôi làm”, tôi không quan tâm. Ngay cả trong gia đình tôi cũng như thế đấy.

Vì cái tính đó đôi khi tôi hay bị mất lòng bạn bè lắm, kể cả trong chuyện tình cảm. Tôi vẫn nhớ lần bị u xương, tôi phải phẫu thuật và quyết định không nói với ai trong gia đình. Nhưng anh bạn bác sĩ của tôi lại báo cho chị gái của tôi. Lúc đến thấy chị ấy khóc mếu máo, tôi mới hiểu không báo cho ra gia đình nhiều khi chỉ khiến mọi người lo thêm.

Đấy là ngày xưa tôi thế đấy, giờ khác rồi, chín chắn hơn, giờ mà sống như thời trẻ không hiểu sẽ như thế nào.

Nói chung với tôi mọi chuyện đơn giản. Ngay cả với chuyện làm phim, có người bạc hết cả đầu, dằn vặt vì làm phim. Còn tôi nghĩ làm phim phải thoải mái chứ, tội gì phải ốm người vì làm phim. Cũng có lúc bị sức ép, bí bách bực mình ra chỗ vắng chửi thề cho thoải mái, rồi lại vào nghĩ cách. Lúc giải quyết được thấy sướng lắm.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi. Chúc anh luôn giữ được sự thoải mái đó...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh