THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:00

NSƯT Thạch Sung: Luôn tỏa sáng trên sân khấu dù kê

 

Vốn là người đam mê nghệ thuật dù kê, nên từ nhỏ ông đã tìm đến những ngôi chùa Khmer trong vùng để được học hát, đàn, trống với những nghệ nhân biểu diễn dù kê nổi danh. Nhờ có năng khiếu lại được trời phú cho chất giọng ngọt ngào, cùng với niềm đam mê công phu khổ luyện, chỉ một thời gian ngắn ông đã có thể tự đàn, hát những bàn dân ca và dù kê truyền thống một cách thuần thục nhuần nhuyễn. Nhận thấy ông là một giọng ca đầy triển vọng của nghệ thuật sân khấu dù kê, năm 1983 Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) đã mời ông về tham gia biểu diễn. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời theo đuổi nghiệp ca hát dù kê của ông. Chính những năm tháng hoạt động trong Đoàn đã tạo điều kiện, cơ hội cho ông trau dồi, nâng cao, hoàn thiện về các kỹ năng ca, diễn của mình.

Với vóc dáng phong độ, có giọng ca ngọt ngào và phong cách diễn xuất nhập tâm, sáng tạo NSƯT Thạch Sung (giữa) luôn thể hiện thành công ấn tượng những vai chính trong những vở dù kê.

 Bằng giọng ca ngọt ngào, cách diễn xuất sáng tạo, nhập tâm và biến hóa, năm 1985 tại Hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở TP. Quy Nhơn (Bình Định), ông đã đoạt giải Nhất. Sự tỏa sáng của ông tại Hội diễn này đã góp phần để Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thaoDu lịch) công nhận dù kê là một loại hình sân khấu ca kịch chuyên nghiệp. Từ đó ông cùng với anh em nghệ sĩ trong Đoàn đi biểu diễn liên tục ở khắp mọi miền đất nước và nước bạn Cămpuchia, Lào. Ngoài tích cực tham gia biểu diễn, ông còn dành thời gian tâm huyết chuyển thể, biên soạn, sáng tác nhiều vở dù kê được khán giả, nhất là cộng đồng người Khmer Nam bộ yêu thích. Nhiều vở được nhiều đoàn, câu lạc bộ nghệ thuật sân khấu dù kê trong cộng đồng Khmer dàn dựng gây được tiếng vang. Đó là những vở như: Hoàng tử Chaysoryvong, Truyền thuyết thần Takta, Lưỡi kiếm oan nghiệt, Nghĩa tình không phai tàn…đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Có thể nói ông là một trong những nghệ sĩ đã có những đóng góp đáng kể vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sức sống của nghệ thuật dù kê trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer Nam bộ.

Không chỉ xuất hiện trên sân khấu chính quy, chuyên nghiệp mà trong những chuyến lưu diễn ở vùng sâu, vùng xa NSƯT Thạch Sung luôn say mê nhiệt tình biểu diễn phục vụ đồng bào Khmer tại các phum, sóc.  

 Tính đến nay ông đã có hơn 30 năm gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, một đoàn biểu diễn nghệ thuật sân khấu dù kê và các loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer lớn nhất vùng Nam bộ.  Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã có bề lịch sử hình thành, phát triển hơn 50 năm và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000. Nhiều năm trong cương vị phó Đoàn chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn dàn dựng, phần thưởng cao quý ấy có phần đóng góp không nhỏ của nghệ sĩ ưu tú Thạch Sung. Những năm gần đây ông dành một phần thời gian để mở các lớp, giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực kế thừa môn nghệ thuật dù kê, tại Trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh Trà Vinh. Đây là lớp dạy ca kịch dù kê đầu tiên và duy nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long mà ông dành rất nhiều thời gian, tâm huyết gầy dựng./.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh