NSƯT Quang Lý: Người hát tình ca cất giấu thời ‘trăn trở’
- Văn hóa - Giải trí
- 23:25 - 03/12/2016
Hát vì đam mê
Dù ở cái tuổi ngoài lục tuần, người nghệ sĩ hát tình ca này vẫn ngày ngày miệt mài với sân khấu, với con chữ, với việc giảng dạy để chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ… Cuộc đời ông, cuộc đời một người nghệ sĩ “lỡ” mang nghiệp cầm ca dù đã trải qua không ít những nhọc nhằn, gian khó, nhưng vẫn luôn cười hiền bởi rằng mình đã may mắn hơn cả thảy những phận “tằm tơ” khác.
Đâu đó có người kể lại rằng, Quang Lý ngày ấy khó khăn trăm hướng, nhọc nhằn đủ bề. Người đàn ông sinh ra ở xứ sở chùa vàng (Thái Lan), về nước sinh sống và lớn lên ở Hải Phòng, sau đó học tập tại Hà Nội rồi quay về lại quê hương đất Cảng để lập gia đình.
Sau giải phóng gần chục năm, ông lặn lội từ miền đất ấy vào Sài Gòn và bắt đầu một cuộc sống mới từ đây. Như ông thủ thỉ, ngày đó, hát chỉ vì đam mê, vì sự tự nguyện như mình sinh ra là để hát, “chứ thời bao cấp mà cháu, mình chỉ việc đi hát và không được nhận bất cứ đồng tiền riêng nào ở ngoài cả, đến cuối tháng đoàn hát sẽ trả tiền lương cho mình, nhưng không đủ để trang trải... thời đó nghèo lắm, nhưng mà vui!”, ông cười.
Nghệ sỹ Quang Lý ( ảnh tư liệu )
Thế mới có chuyện nghệ sĩ Quang Lý từng bán cả quần áo của mình để lo cho các con, hay đã từng le lói suy nghĩ bỏ nghề vì gánh nặng gia đình, vì miếng cơm manh áo, vì những trăn trở mà tâm tư ông luôn giằng xé…
Nhưng, chuyện đó đã qua rồi, cái thời cơ cực ấy đã qua rồi, hiện tại ông đang cùng người vợ tào khang của mình sống trong một khách sạn nhỏ của gia đình ở giữa lòng Sài Gòn (quận 1). Ông có hai người con nay đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và sinh cho ông những đứa cháu kháu khỉnh, đáng yêu.
Ông từng nói rằng, cuộc đời ai cũng có những đoạn trường như thế, ai cũng phải một hoặc nhiều hơn những lần trăn trở vì khó nhọc, và ông cũng không ngoại lệ. Ông đã từng trăn trở với cuộc sống, với con đường mình đang đi và làm thế nào để nó có một sự hài hòa nhất định… Nhưng rồi ông xem nó như một bệ phóng, hay một sự trải nghiệm trong cuộc đời để đưa vào lời ca tiếng hát của mình, và cho đến khi vượt qua được nó rồi thì mọi thứ với ông đều rất tốt đẹp.
Cứ hát và vui sống để rồi lâu lâu lại hoài niệm về một thời đã qua, về những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời đi hát, đó là những ngày ông được hát cho sinh viên, công nhân, cho những người lính trẻ… hát ở các trường học, công trường, xí nghiệp hay ngoài chiến trường… và hát với một sự chân thành, mộc mạc, không nhạc, không micro… với ông đó là những ngày thật ý nghĩa.
Cơ duyên đến với nhạc Trịnh
Ông bảo cứ còn giọng hát là còn phục vụ, mặc dù đã về hưu nhưng có chương trình nào mời là ông lại gật đầu đồng ý. Với ông, hát để giữ niềm vui, để bản thân không rơi vào sự lúng túng vì nhớ ánh đèn sân khấu.
Và năm nay, một sự kiện đặc biệt mà có lẽ ông không bao giờ quên được, đó là lần đầu tiên được đứng hát trên sân khấu nhạc Trịnh Công Sơn. Ông cho biết bản thân rất vui mừng và hồi hộp vì sự mới mẻ này.
Những ngày trước khi đêm nhạc diễn ra, ông đến địa điểm tập chương trình Đêm nhạc 14 năm nhớ Trịnh Công Sơn thường xuyên theo đúng lịch, nếu không nghe ông nói rằng đây là lần đầu tiên mình hát nhạc Trịnh thì chắc có lẽ chẳng ai nhận ra giọng hát quá chuyên nghiệp của ông. Quay sang hỏi người bên cạnh: “Chú hát con nghe được không? Lần đầu tiên chú hát nhạc Trịnh đấy! Run quá!…” nhưng khi nhìn thấy cái gật đầu kèm nụ cười của người này như làm ông nhẹ hơn, ông cười hiền và bắt đầu tâm sự…
Lần đầu tiên ở ngoài bắc vào và được nghe nhạc Trịnh, ông mới cảm thấy ở nhạc Trịnh có một sự trong sáng, nhẹ nhàng đến lạ, nó giản dị, chân phương nhưng lại sâu sắc trong từng câu chữ. “Nhạc của bác Trịnh nó tạo cho người nghe một cảm giác về lòng nhân ái, rất hay. Từ đó trở đi chú rất thích nghe nhưng mà chưa dám hát”.
“Thực tế thì có rất nhiều ca sĩ hát dòng nhạc này và hát rất hay nữa là đằng khác. Còn mình thì hát dòng nhạc tình ca. Mình quen với dòng nhạc của mình, khán giả cũng quen với giọng hát và những bài hát của mình, nên chú chưa có cơ hội để hát nhạc Trịnh”, ông nói tiếp.
Ông đang tập hát nhạc Trịnh ( Ảnh tư liệu )
Theo cảm nhận của ông, nếu hát nhạc Trịnh thì phải hát với một tấm lòng chân thành, vì chỉ có chân thành, mộc mạc mới mang được màu sắc của nhạc Trịnh. Và đó cũng là cái khó để hát được nhạc Trịnh, tức là mình phải làm sao để hòa quyện được với cái sự chân thật của mình, phải hát với một tâm trạng hết sức giản dị, nhưng trong cái giản dị đó phải có sự sâu sắc.
Nói về cơ duyên để đến với đêm nhạc này, ông chia sẻ rằng từ thời trai trẻ đã quen biết với ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Và cô ấy cũng đã nhiều lần mời ông tham gia, nhưng vì lo ngại giọng hát của mình không phù hợp nên ông từ chối. Rồi trong dịp gần đây, trong lớp ông dạy có các bạn nhỏ tham gia chương trình này, sau khi nghe các bạn hát thì ông có hướng dẫn thêm cho các bạn ấy hát hay hơn theo kỹ thuật chuyên môn của mình. Nhưng bất ngờ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh “bắt gặp” nên mời ông tham gia vào chương trình.
Ông nhận lời một phần vì muốn thử sức mình, một phần vì “nhịp đập” cùng chung với mọi người, nhưng cái lớn nhất đó là tình cảm của ông dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...