NSƯT Mạnh Dung: Ông già Nam bộ … người Bắc
- Văn hóa - Giải trí
- 12:39 - 22/06/2015
Cơ duyên lạ kỳ với nghiệp hát
Ông Ba bắt rắn của Mạnh Dung là một ông già bà ba đen, khăn rằn quấn trán, nhỏ bé mà can trường, rắn rỏi và quắc thước… Người ta thương một ông Ba cơ cực, miếng ăn còn chưa đủ no, manh áo chưa đủ ấm, nhưng lại sẵn sàng dang tay chở che những mảnh đời bất hạnh. Bằng vai ông ba bắt rắn, nghệ sĩ Mạnh Dung đã neo cắm vào lòng người hâm mộ khí chất của người phương Nam, đất phương Nam, hiền hòa, hào sảng và oai hùng. Vai diễn vận vào ông cho đến tận 21 năm sau người ta còn nhắc nhớ, Mạnh Dung nói: “Đó là vai diễn của một đời…”.
Nghệ sĩ Mạnh Dung – Thanh Dậu trong vở Truyền thuyết một tình yêu
Ít ai biết, nghệ sĩ Mạnh Dung thời trai trẻ chính là kép chánh của đoàn cải lương Kim Chung lừng danh ngoài Bắc. Vở cải lương “Truyền thuyết một tình yêu” do NSƯT Mạnh Dung và vợ là NSƯT Thanh Dậu đã diễn hơn 1000 đêm tại rạp Hồng Hà. Những tháng ngày hoạt động tại đoàn cải lương Nam bộ đã tôi rèn cho Mạnh Dung chất giọng miền Nam ngọt lịm. Để đến nỗi, nếu ông không nói chắc không ai biết Mạnh Dung là người gốc Bắc. NSƯT Mạnh Dung nói vui: “Người gốc Bắc, nhưng tôi không biết mình sinh ra ở đâu, ô giấy khai sinh còn để trống…”.
NSƯT Mạnh Dung sinh ra trên những chuyến tàu. Cha ông làm nghề soát vé của tàu Bắc – Nam, ông vừa lọt lòng mẹ, cuống nhau chôn xuống còn đỏ tươi trong đất, tàu đã rời đi. Tuổi thơ Mạnh Dung thèm đất, thèm người, nhưng tàu là nhà, ga nào cũng là đất, là quê. Mùa thơ dại hun hút trôi đi trên những toa tàu, vài gương mặt quen quen lạ lạ. Đứa trẻ nào thiên bẩm sinh ra cũng tự thích nghi với hoàn cảnh sống của nó. Nên chưa bao giờ Mạnh Dung mở miệng hỏi mẹ cha rằng sao mình không có bạn, không có nhà, và mỗi ngày sống đều thiên di đến mỏi mệt.
Chiến tranh li loạn, cả gia đình dắt díu nhau rời khỏi những toa tàu. Lại lang bạt kỳ hồ, màn trời chiếu đất. Chỗ nằm chưa kịp ấm, nghe tiếng pháo rền đã phải dọn đi, cứ như thế miệt mài. Mạnh Dung khi ấy mới 7 tuổi, ngơ ngác chào những người bạn mới quen, biệt ly đã thường, nhưng mỗi lần chạy loạn lại cắt ông một vết, mệt nhoài. Cho đến khi cả nhà dừng chân tại vùng rừng núi Gia Viễn (Ninh Bình) thì nỗi buồn lại mang một dáng hình khác. Nghệ sĩ Mạnh Dung kể lại: “Buồn lắm cháu ơi, đáng sợ nữa. Rừng núi thâm u, chỉ có một mình gia đình tôi ở đó. Gào lên một tiếng là tự mình nghe lại tiếng mình”.
Bởi vậy nên Mạnh Dung hay hát. Ông hát cho đỡ buồn, đỡ sợ và đỡ nhớ tiếng người. Theo cha hái củi, phát rẫy trồng khoai ông cũng hát. Phụ mẹ dựng tạm chái bếp đơn sơ, nhìn khói ứa ra từ lớp tranh rách lỗ chỗ, buồn đến rớt nước mắt, Mạnh Dung cũng đành nghẹn ngào ngân nga một lời ru để nén lại nỗi niềm.
NSƯT Mạnh Dung .
Mùa thơ ấu nhọc nhằn cô quạnh cứ thế trôi qua. Chiến sự dần yên, gia đình Mạnh Dung lại tìm đường trở về Hà Nội. Cha ông dựng tạm một mái nhà để sống, cả nhà Mạnh Dung đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải việc học cho ông. Thói quen hát hò ngày nào vẫn theo Mạnh Dung từ rừng ra phố. Trong một lần theo cha phụ việc, Mạnh Dung cất tiếng hát lanh lảnh giữa trời chiều. Cơ duyên đã khiến ông bầu đoàn cải lương Chuông Vàng ngang qua, nghe giọng chàng trai trẻ ngọt ngào, trong veo và đầy nội lực đã ngay lập tức đặt vấn đề. Nghệ sĩ Mạnh Dung nói: “Lúc đó còn nhỏ quá, nghe ông bầu nói mà người cứ ngơ ngẩn, không hiểu ông ta muốn gì. Đến khi về kể với ba mẹ mới biết đó là một cơ hội lớn. Người ta nói làm việc mình thích thì không bao giờ là làm việc. Hơn nửa đời người tôi đã sống với đam mê của chính mình, không hề mệt mỏi cho đến tận giây phút này. Và cảm ơn ông Tổ nghề đã lựa chọn lấy tôi”.
Nghệ sĩ Mạnh Dung được chọn vào lớp diễn viên sân khấu học tại 72 phố Hàng Bạc, thuộc Sở Văn hóa Hà Nội. Nơi đây nghệ sĩ Mạnh Dung đã gặp được tình yêu lớn nhất cuộc đời mình – NSƯT Thanh Dậu, người sau này đã cùng ông nếm trải gian khó, Nam - Bắc ngược xuôi, không quản súng nổ bom rơi để được bên nhau suốt những tháng ngày tuổi trẻ.
Nghĩa tình sâu đậm
Nhắc về vợ, NSƯT Mạnh Dung cười phơ phơ râu bạc: “Cuộc đời tôi đi nhiều, trải qua nhiều, bước đường nào của tôi cũng có mặt bà ấy và ngược lại. Chưa bao giờ chúng tôi rời xa nhau, cho đến tận lúc này. Nếu viết về tôi phải viết về bà ấy, vì bà ấy là bến đỗ bình yên nhất cuộc đời tôi”.
Ngày ấy, nghệ sĩ Mạnh Dung cao ráo, điển trai, hát hay, múa giỏi nên chẳng mấy chốc ông trở thành kép chánh của đoàn. Với tài năng của mình, không biết bao nhiêu cô gái thuộc hàng trâm anh thế phiệt để ý tới Mạnh Dung. Nhưng ông đều khéo léo khước từ, bởi lòng đã thầm thương cô đào nhỏ tuổi nhất đoàn NSƯT Thanh Dậu. Thanh Dậu xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nghệ sĩ đàn tranh Ba Vân, mẹ là nữ hề Vân Quí cùng ở đoàn Kim Chung (Hà Nội). Gia đình nghệ sĩ Ba Vân có 6 người con, thì có tới 5 người đã theo nghệ thuật. Nổi danh nhất phải kể đến Thanh Dậu, và nghệ sĩ Thanh Vy – nàng Xê- đa của cải lương Việt Nam. Cũng như Mạnh Dung, Thanh Dậu được chọn vào đoàn cải lương Kim Chung. Kế thừa tài năng của cha mẹ, cộng thêm tích cực, say mê luyện tập, mới 15 tuổi, nghệ sĩ Thanh Dậu đã trở thành đào chánh, cùng đàn anh Mạnh Dung sóng đôi trên sân khấu.
Tài không đợi tuổi, ít lâu sau nghệ sĩ Thanh Dậu đoạt huy chương vàng trong hội thi tài năng sân khấu toàn quốc với vai diễn nữ kỹ sư Phi Nhạn trong vở “Một dòng”. Đó cũng chính là lúc cặp đôi tài hoa của làng cải lương Việt Nam cùng công khai tình cảm. “Vậy mà cũng gian nan lắm mới được lấy nhau. Lúc đó, Thanh Dậu còn trẻ quá, 22 tuổi, sự nghiệp của bà ấy đang lên như diều gặp gió, nên cha mẹ có chút đắn đo. Vì đào hát chủ yếu là thanh sắc, lấy chồng rồi sinh con sẽ khiến nghề mai một đi. Đến mức độ bà ấy phải trộm hộ khẩu gia đình đi làm giấy kết hôn. Bà ấy là vậy, vừa quyết liệt lại vừa mềm mỏng, hiền lành”, vừa nói, nghệ sĩ Mạnh Dung vừa nhìn vợ cười trìu mến.
Vợ chồng Nghệ sĩ Mạnh Dung – Thanh Dậu.
Đã vướng vào nghiệp hát, phải chấp nhận cuộc đời rày đây mai đó. Nghệ sĩ Mạnh Dung cùng Thanh Dậu đã đi đến cùng trời cuối đất, phục vụ những xóm làng đang hồi phục sau cơn lửa đạn tan hoang, đem tiếng hát lời ca để tắm mát tinh thần các chiến sĩ đang ám khói súng mệt nhoài. Rồi đến lúc bà mang đứa con gái đầu lòng, cũng là khi cuộc sống khó khăn hơn bao giờ hết. Những đêm diễn liên tục đến rã rời, bà ôm con ngủ thiếp đi trên võng, nghệ sĩ Mạnh Dung lại len lén mang quần cáo của vợ con ra giặt, vì sợ bà thức giấc sẽ không bao giờ để cho ông phải nhọc công.
Năm 1973, vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung được lệnh đi Quảng Trị phục vụ mặt trận. NSƯT Mạnh Dung kể: “Lúc ấy con gái mới tròn 3 tuổi, bà ấy nhớ con cũng đành khóc thầm, vì sợ nản lòng chiến sĩ. Tôi xót vợ nhớ con, chỉ biết động viên cùng nhau vượt qua những ngày tháng đó”. Từ núi rừng trở về, cặp đôi nghệ sĩ lại tiếp tục nhận lệnh đi “B”, nghĩa là vào Nam công tác trên mặt trận tâm lý chiến. Nghệ sĩ Mạnh Dung kể tiếp: “Vợ tôi không nỡ rời đi, vì thương con quá, đi vào Nam biết ngày nào lại về. Nhưng đất nước đang cần, mình chối từ sao được. Dẫu sao có vợ có chồng vẫn hơn rất nhiều người phải từ biệt gia đình đơn độc vào Nam. Nhưng may mắn sao tháng Tư năm đó toàn đất nước được thống nhất”.
Đất nước yên bình, nghệ sĩ Mạnh Dung được cử đi học lớp đạo diễn. Học xong trở về ông giảng dạy tại trường Sân khấu TP. Hồ Chí Minh. Vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung và Thanh Dậu chính thức rời sàn diễn cải lương khi chuyển vào làm giảng viên Trường Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh năm 1984. Giờ đây, hạnh phúc đã vẹn tròn với Mạnh Dung và Thanh Dậu tại căn nhà bình dị trong một chung cư nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP. Hồ Chí Minh).
Quan tâm, nhường nhịn đã thành nếp, hơn 50 năm tình nghĩa vợ chồng vẫn còn thấm đượm. Cho đến tận bây giờ, khi da đã nhăn, tóc bạc, mà Mạnh Dung tâm sự, mỗi khi nhìn thấy vợ vẫn còn … thương thương. Mạnh Dung đi diễn xa, là nghệ sĩ Thanh Dậu lo lắng trước đó cả mấy ngày. Nào dầu gió, khăn áo, thuốc men, kèm thêm những lời dặn dò nhắn nhủ. Gian nhà nhỏ, lúc nào cũng gọn gàng ấm áp, nghệ sĩ Mạnh Dung ngồi lần giở những kỷ niệm, nghệ sĩ Thanh Dậu cạnh bên lâu lâu thêm vào cho trí nhớ bớt hụt hơi. Hạnh phúc của ông già Nam bộ … gốc Bắc Mạnh Dung và cô đào đoàn Kim Chung nổi tiếng ngày nào khiến ai ai cũng thập phần ngưỡng mộ.