NSND Thanh Hương: “Tôi đa đoan không hẳn vì làm Kiều”
- Văn hóa - Giải trí
- 18:15 - 21/11/2016
* Khán giả có còn gọi chị bằng cái tên “Hương - Kiều” như hơn 20 năm trước khi chị thành công vang dội trên sân khấu cải lương vì lột tả được niềm vui, nỗi buồn, sự mất mát, đau đớn của nàng Kiều theo một cách trọn vẹn nhất?
- Nhiều người vẫn gọi Hương như vậy. Hồi đóng Kiều vất vả lắm, bởi thời ấy trẻ, vốn sống chưa nhiều nên tôi cứ làm theo bản năng. Thường khán giả nghĩ Kiều rất đẹp, rất hoàn thiện và hoàn hảo nhưng tôi nghĩ làm như vậy sẽ không đời và không gắn với tâm lý con người. Khi Kiều rời Quan âm các ra đi là do hoàn cảnh xô đẩy, cô ấy ăn cắp chuông, khánh hay lúc vào cảnh trướng hùm, xử tội Hoạn Thư, lúc đó với Kiều là phần con trong phần người nổi lên. Tôi đã làm khác đi ở phân cảnh này, Kiều không hiền lành quá, đến lúc “tức nước ắt vỡ bờ”, khi ấy Kiều có quyền thế trong tay… Sau khi đã giải quyết xong xuôi tất cả ân oán, Kiều lại trở về bản chất hiền lành, có tình người, học thức.
NSND Thanh Hương.
Đoàn đã mang vở Kiều đi diễn ở nhiều nước (Đức, Thụy Sĩ) và gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Nhà thơ Bằng Việt hồi đó đi cùng sang Thụy Sĩ, đã nhận xét: “Xem Hương diễn thấy vai Kiều thực sự là sống và có lửa”.
* Sau khi vinh dự nhận danh hiệu NSND, cũng là lúc chị nhận vai cô đào Vũ Thị Lan Chi - mẹ của ông tổ nghề hát bội Đào Duy Từ, trong “Dâu bể một kiếp tằm”, chị tâm huyết nhất ở những sáng tạo nào trong vai diễn này?
- Xưa nay đã có nhiều tác phẩm sân khấu về danh nhân Đào Duy Từ, nhưng về người mẹ của ông thì chưa. Tôi đã khéo léo pha trộn hai chất liệu ca trù và ả đào vào trong cải lương để đem lại cho người xem nhiều cảm xúc. Lúc là sự hào hứng, say mê với tiếng hát làm đắm say lòng người của đào nương Lan Chi; lúc lại xót xa, ai oán khi cô trở thành người đàn bà bán than và từ chối thân phận của mình. Tôi đã dồn tâm huyết vào phân đoạn đào nương Lan Chi quyết định đập vỡ cây đàn để con trai không theo nghiệp đàn hát, bởi những quy định hà khắc thời ấy.
* Có nhận xét rằng Thanh Hương diễn bi kịch quá giỏi và quá hay?
- Sở trường của Thanh Hương là vai bi và những bản nhạc buồn như: “Phụng hoàng”, “Văn thiên tường”… Bên cạnh đó, Hương không ngừng đầu tư, tìm tòi sáng tạo để hóa thân hoàn toàn vào nhân vật, mang đến dấu ấn sâu đậm trong khán giả. Hát cũng phải nghiên cứu để chuyển tải tình cảm thật nhất, đúng hoàn cảnh, đúng nhân vật sao cho khán giả cảm nhận từ niềm vui, nỗi buồn, từ sự mất mát, đau đớn của nhân vật. Tôi luôn tìm tòi sáng tạo, hóa thân hoàn toàn vào nhân vật như vai Trinh Nguyên của “Kẻ sĩ Thăng Long”, mọi người gọi tôi bằng cái tên Trinh Nguyên.
NSND Thanh Hương trong vở cải lương “Dâu bể một kiếp tằm”.
* Đã bao giờ Hương nghĩ những vai bi như Kiều để lại dấu ấn mạnh với khán giả, có thể ẩn vào mình?
- Tại TP. Hồ Chí Minh, vai Kiều toàn những nghệ sĩ lớn, nổi tiếng, không ai làm đoạn bi ai mà thích diễn Kiều sang trọng. Cuộc đời tôi đa đoan, một mình nuôi con trai (đang học đại học) và con gái còn nhỏ, may mắn các cháu rất ngoan. Song ngoài Bắc, nhiều người đóng Kiều như các nghệ sĩ: Kim Xuân, Bích Lâm, Bích Hạnh…, cuộc sống vẫn rất hạnh phúc. Tôi đa đoan không hẳn vì làm Kiều.
* Hay bởi Thanh Hương là nghệ sĩ chuyên diễn vai bi, diễn sâu và sống tình cảm quá chăng?
- Tôi nghĩ là yếu tố con người chứ không do nghề nghiệp. Có người nói Hương càng đau bao nhiêu, hát càng hay bấy nhiêu. Đấy là những người hiểu tôi.