NSND Lan Hương không sợ khó, sợ khổ…
- Văn hóa - Giải trí
- 17:35 - 10/05/2016
Trước đó, vào ngày 7/5, hình ảnh NSND Lan Hương với hành lý chờ lên tàu đi Trường Sa xong lại bỏ về lan truyền trên mạng. Đây là chuyến tàu 996 (Hải đội 411, BTL Vùng 4 Hải quân) đưa đoàn đi thăm, động viên quân dân Trường Sa và thăm nhà giàn DK1, thế nên việc một nghệ sĩ tên tuổi không tiếp tục chuyến đi đã khiến dư luận bức xúc. Về vấn đề này, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL khẳng định: “Trước hết, phải coi nhiệm vụ đối với đất nước, với Tổ quốc là trên hết. Bất cứ ai từ chối trách nhiệm đối với việc phục vụ Tổ quốc đều phải xem xét lại tư cách, huống hồ là một nghệ sĩ. Bởi trách nhiệm của người nghệ sĩ trước hết là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Được chọn đi biểu diễn phục vụ ở Trường Sa là vinh dự của nghệ sĩ. Trước đây, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” như thế nào? Nếu ngại khó, ngại khổ thì làm sao có thể phục vụ được nhân dân, phục vụ được Tổ quốc. Tuy nhiên, sự thật quanh chuyện NSND Lan Hương không tiếp tục thực hiện chuyến đi thì cần kiểm chứng”.
NSND Lan Hương xin không đi Trường Sa vì lý do sức khỏe.
NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Sáng tác của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, việc NSND Lan Hương dừng lại không tham gia chuyến đi là một hành động hết sức bình thường, đây là hành động không chỉ biết giữ cho mình, mà quan trọng hơn là không để ảnh hưởng đến hành trình của Đoàn công tác.
NSƯT Lê Chức cho biết: “Tôi ứa nước mắt khi nhìn hình ảnh Lan Hương đi trên sàn tàu, phía trước là người chiến sĩ hải quân xách va li của chị. Tôi hiểu tâm trạng của Lan Hương lúc đó vô cùng nặng nề, chị là người khổ tâm nhất khi sự việc này xảy ra. Lan Hương được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lựa chọn cùng với 8 anh chị em khác. Được tham gia đoàn công tác ra Trường Sa là điều rất thiêng liêng và là mong muốn của tất cả các hội viên. Hội cử NSND Lan Hương tham gia chuyến đi và tin rằng, chị sẽ có được những ý tưởng sáng tạo mới về đề tài này bằng ngôn ngữ đương đại của thể loại kịch hình thể”.
NSƯT Lê Chức nhận định thêm: “Hãy đánh giá quyết định này của Lan Hương với một góc nhìn chính thống và hiểu biết hơn thay vì quy kết chị. Tôi trân trọng quyết định của NSND Lan Hương, vì chị biết nếu cứ cố để đi thì sẽ làm phiền toái cho nhiều người khác và chúng ta cũng cần phải đảm bảo sức khỏe, an toàn cho những người nghệ sĩ khi tham gia chuyến công tác như NSND Lan Hương. Xin nhấn mạnh NSND Lan Hương là phụ nữ, năm nay đã 54 tuổi, kèm theo đủ thứ bệnh tật mãn tính. Trong hoàn cảnh ấy, việc chị quyết tâm đăng ký tham gia chuyến đi đã chứng tỏ người nghệ sĩ không hề ngại khó, ngại khổ. Chỉ có điều, hoàn cảnh trực tiếp đã khiến sức khỏe của chị không thể thích ứng khiến chị phải từ bỏ tâm nguyện của mình. Tôi tin rằng, cá nhân NSND Lan Hương cũng vô cùng day dứt”.
Còn đây là chia sẻ của NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: “Tôi dám khẳng định, nếu Lan Hương sợ khổ, sợ thiếu thốn và có cách sống này khác, thì khi tôi động viên cô ấy đi, cô ấy đã tìm cớ thoái thác rồi chứ không phải vào tận nơi và “cực bất đắc dĩ” lắm mới phải bỏ cuộc”.
Trở về Hà Nội, NSND Lan Hương đã gửi đến công chúng lời xin lỗi chân thành và mong nhận được sự thông cảm vì cá nhân có lý do riêng. NSND Lan Hương cho biết: “Ngay khi đặt chân lên boong tàu, ngửi mùi hơi máy, hơi dầu xộc lên, tôi đã thấy ngạt thở. Biết mình có nhiều bệnh, chắc chắn sẽ không thể đủ sức khỏe để có thể tham gia đi cùng đoàn công tác và sẽ ảnh hưởng tới mọi người, tôi đã ngay lập tức trình bày với lãnh đạo đoàn và thuyền trưởng. Các anh ấy cho rằng quyết định dừng lại không tham gia của tôi là đúng đắn, nếu tôi bị bệnh mà vẫn cố đi thì sẽ rất khó cho việc chữa trị bệnh nên đã cử người xách giúp va li và chở tôi về. Dù có lý do gì chăng nữa thì tôi cũng thành thật xin lỗi về sự đáng tiếc này đến các thành viên trong đoàn, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và đặc biệt là những ai quan tâm tới chuyến đi của tôi.
Trong lòng tôi rất mong muốn tham gia chuyến đi này, trong hành trang mang theo ngoài quà, thẻ sim điện thoại, trang phục biểu diễn thì có mang theo thẻ Đảng của bố tôi, bộ quân hàm sĩ quan Hải quân của bố tôi. Bố tôi là một sĩ quan hải quân, một thuyền trưởng tàu chiến được đào tạo ở nước ngoài về. Trước khi mất ông cứ ao ước được quay lại Trường Sa nên chuyến đi này tôi mang theo cả di ảnh, kỷ vật của bố như một cách hoàn thành tâm nguyện của bố mình. Việc không thể tham gia đi với đoàn công tác là lực bất tòng tâm, tôi rất khổ tâm...”.